Tình trạng 'mù khô' ở Sài Gòn và bài học xương máu từ Bắc Kinh

08/10/2015 10:00 GMT+7

(TNO) Tình trạng 'mù khô' những ngày qua ở Sài Gòn khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh Bắc Kinh (Trung Quốc) liên tục chìm trong sương mù và khói bụi những năm gần đây, để lại hậu quả không nhỏ cả về kinh tế và xã hội.

(TNO) Tình trạng 'mù khô' những ngày qua ở Sài Gòn khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh Bắc Kinh (Trung Quốc) liên tục chìm trong sương mù và khói bụi những năm gần đây, để lại hậu quả không nhỏ cả về kinh tế và xã hội.

Năm nào Sài Gòn cũng xảy ra hiện tượng “mù khô” vào các tháng 10 - 12 - Ảnh: Diệp Đức MinhNăm nào Sài Gòn cũng xảy ra hiện tượng “mù khô” vào các tháng 10 - 12 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vài năm trở lại đây, báo chí thế giới đã không ngần ngại ví von rằng Bắc Kinh sắp trở thành “xứ sở sương mù” khi thành phố này cùng một số khu vực khác bị khói bụi dày đặc và sương mù bao phủ trên diện rộng nhiều ngày liền. Tình trạng này không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế lớn mà còn tác động về mặt xã hội, đặc biệt là sức khỏe con người.
Tổn thất hàng tỉ USD mỗi năm, doanh nhân nước ngoài không dám tới
Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết nhiều yếu tố chứng minh hiện tượng “mù khô” xuất hiện dày đặc trong mấy ngày qua là do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia. 
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết thêm, không khí ở TP.HCM vốn ô nhiễm nặng, năm nào cũng xảy ra hiện tượng “mù khô” vào các tháng cuối năm từ tháng 10 - 12. Do thời gian này mưa ít, lượng khói bụi ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp và xe cộ không được “giải phóng” nên cũng gây nên hiện tượng “mù khô”.
Các thống kê cho thấy Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc đã thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí, mà biểu hiện rõ nhất chính là khói bụi và sương mù. Theo trang The Financialist, ô nhiễm ở Trung Quốc trong đó điển hình là ô nhiễm không khí gây thiệt hại khoảng 100 tỉ USD mỗi năm.
Theo số liệu được trường Y tế công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh cung cấp, chỉ trong năm 2012, 4 thành phố gồm Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An và Bắc Kinh đã thiệt hại kinh tế hơn 1 tỉ USD. Trước đó, một thống kê khác của Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu chỉ ra rằng Trung Quốc tổn thất 13% GDP nước này trong năm 2010 vì những tác động của ô nhiễm không khí đối với hoạt động kinh tế.
Cụ thể hơn, tình trạng báo động về ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc đã buộc nước này phải đóng cửa nhiều nhà máy, xí nghiệp, dừng hoạt động xây dựng trong nhiều ngày đồng thời hạn chế các phương tiện giao thông ra vào các thành phố. Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành du lịch của nước này. Một ví dụ rõ nét là vào năm 2013, lượng khách du lịch ở Trung Quốc đã giảm 10% so với năm 2012, theo tạp chí The New Week.
Không chỉ thiệt hại kinh tế với những con số, khói bụi và sương mù cũng làm nhiều doanh nhân nước ngoài lo sợ, họ không dám tới Trung Quốc hoặc chọn cách rời khỏi nước này. Reuters dẫn kết quả khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Bắc Kinh hồi năm 2014 cho biết, gần một nửa số công ty nước ngoài hoạt động tại Bắc Kinh và các thành phố miền bắc Trung Quốc không thể giữ chân các lãnh đạo và nhân sự cấp cao ở lại Trung Quốc.
Khói bụi dày đặc bao trùm thành phố Bắc Kinh Trung Quốc hồi năm 2013 - Ảnh: Reuters
Lý do chính khiến họ ra đi là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố này. Họ lo ngại ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và cuộc sống của họ và gia đình. Trong khi đó những người mới lại từ chối tới Trung Quốc. Có tới 19% các công ty nước ngoài phản hồi rằng khói bụi mù mịt ở các thành phố này là vấn đề gây khó khăn đối với việc tuyển dụng nhân sự cấp cao.
Trả giá bằng bệnh tật và mạng người
Mọi người đều phải đeo khẩu trang khi ra đường là hình ảnh dễ nhận thấy nhất ở Bắc Kinh trong những năm qua. Bởi lẽ, những tác động của ô nhiễm không khí, của khói bụi và sương mù đối với sức khỏe con người vô cùng lớn. Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Berkeley Earth có trụ sở ở Mỹ, mỗi ngày có khoảng 4.000 người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và hít thở không khí ở thủ đô Bắc Kinh tương đương hút 40 điếu thuốc mỗi ngày, theo CNBC.
Các thống kê khác cũng cho thấy những con số đáng báo động về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân Trung Quốc. Theo báo cáo của Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu, 1,23 triệu người chết yểu ở Trung Quốc trong năm 2010 vì ô nhiễm không khí, đặc biệt là tác hại của bụi PM 2,5, phân tử bụi có đường kính 2,5 micromet.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn cho thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí và tuổi thọ của người dân ở Trung Quốc. Theo đó, người dân ở các thành phố miền bắc Trung Quốc có tuổi thọ trung bình thấp hơn 5,5 năm so với người dân ở miền nam. Theo AP, mật độ bụi PM 2,5 trong không khí tại các thành phố ở miền bắc Trung Quốc cao hơn 55% so với ở miền nam.
Nỗi lo về sức khỏe luôn thường trực đối với người dân Bắc Kinh và nhiều thành phố ở Trung Quốc khi có khói bụi và sương mù - Ảnh: AFP
Bụi PM 2,5 là một trong số những nhân tố chính gây ra ô nhiễm không khí trầm trọng. Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ bụi PM 2,5 trong không khí ở mức 300 sẽ được coi là rất nguy hiểm. Trong khi đó, nồng độ PM 2,5 được ghi nhận ở Bắc Kinh nhiều thời điểm đã lên đến 500. Loại bụi này có thể ăn sâu vào phổi người, dẫn đến nguy cơ các bệnh về hô hấp, thậm chí gây bệnh ung thư.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những hậu quả to lớn trên chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với hoạt động phát triển kinh tế không bền vững, bỏ qua hoặc xem nhẹ những tác động đối với môi trường. Và hệ quả không chỉ dừng lại ở những con số trên mà là những tác động lâu dài, chính vì vậy, một nền kinh tế khỏe mạnh không thể không chú trọng tới yếu tố môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.