Tiếp sức người ở lại

26/07/2011 00:31 GMT+7

Nhiều ngư dân trẻ gắn bó đời mình với biển, cuộc sống gia đình đắp đổi qua ngày nhờ những chuyến ra khơi. Họ đã không thể tự gượng dậy khi chẳng may bị nạn.

Thao thức cùng biển khơi

Tàu cá PY-92355 TS trên đường từ khơi xa trở về đất liền vào ngày 29.3 thì gặp nạn tại vùng biển Khánh Hòa khiến 6 ngư dân tử nạn. Thuyền trưởng Trần Min, 39 tuổi, ở P.6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) luôn đau xé lòng mỗi khi nhớ lại. Anh Min kể: “Lúc đó, trời tối lắm nên không xác định được hướng nào là biển, hướng nào là đất liền. Chúng tôi ở gần nhau nhưng sóng quá lớn nên không thể nào gọi nhau được. Tôi cùng với 3 ngư dân khác may mắn sống sót nhờ sóng đánh dạt vào bờ. Trong số 6 ngư dân khác bị sóng nhấn chìm chỉ có 3 người tìm thấy thi thể”.


 Chị Lê Thị Huệ đã phần nào vơi bớt nỗi lo nợ nần - Ảnh: Đình Phú

Thiết thực và nhân văn

Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi do Báo Thanh Niên phát động là một chương trình thiết thực và đầy tính nhân văn. Chương trình này sẽ tác động rất lớn đến xã hội, giúp những ngư dân trẻ gặp nạn khi làm ăn trên biển và gia đình có điều kiện để bám biển trở lại trong khi sức chịu đựng của họ đã kiệt quệ”. (Ông Huỳnh Tấn Việt - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên)

Bốn tháng trôi qua, anh Min chưa thể trở lại biển khơi vì không còn tiền đóng mới tàu. Đã quen đi biển nên lâu nay anh xem biển là nhà. Lúc không còn phương tiện ra khơi, ngày ngày anh nhớ biển da diết. Anh bùi ngùi: “Bây giờ đóng mới tàu mất tiền tỉ, trong khi vụ tai nạn vừa rồi chỉ bồi thường hơn 200 triệu đồng, trong đó có cả tiền nợ ngân hàng cả gốc và lãi gần 150 triệu. Tui chưa biết phải xoay xở ra sao để có tiền đóng tàu mới”.

Khi chiếc tàu vừa đóng mới là phương tiện mưu sinh cho cả gia đình bị chìm trong một chuyến đi biển vào cuối mùa mưa bão năm 2010, ngư dân trẻ Nguyễn Văn Sang, 31 tuổi, ở P.Hải Cảng, TP Quy Nhơn (Bình Định) đến nay vẫn chưa thể trở lại nghề biển mà anh đã gắn bó một thời trai trẻ. Ngoài nghề biển, khoản nợ lúc sắm chiếc tàu BĐ-10672 TS (đã bị chìm) đến nay vẫn chưa trả hết khiến mong ước được trở lại biển khơi của Sang từ bấy lâu nay vẫn còn là nỗi niềm. Cùng cảnh ngộ này còn có ngư dân trẻ Phan Văn Ca, 33 tuổi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Tàu chìm không vớt được thứ gì, gia đình anh Ca mấy tháng nay sống trong cảnh túng quẫn.

Khi chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi quyết định hỗ trợ mỗi trường hợp 80 triệu đồng, các ngư dân trẻ hết sức vui mừng và bày tỏ nguyện vọng tiếp tục ra biển mưu sinh. Anh Min cho biết: “Tạm thời, tui sẽ gửi số tiền này và tiền bồi thường trong vụ tai nạn vào ngân hàng, rồi vay mượn bà con, bạn bè thêm để đóng mới tàu. Hy vọng là năm sau, tui cùng những anh em ngư dân trẻ ở P.6, Tuy Hòa sẽ tiếp tục trở lại khơi xa”. Anh Sang (nhân vật trong bài viết Mong ước của một ngư dân trẻ) và anh Ca mấy hôm nay đã đi tìm mua tàu công suất nhỏ có giá vừa phải để sớm quay lại nghề biển.

Tiếp sức người ở lại

Anh Bùi Xuân Minh là 1 trong 6 ngư dân đã tử nạn trong chuyến biển định mệnh trên chiếc tàu PY-92355 TS của thuyền trưởng Min. Hằng đêm nhớ cha, 2 đứa con của anh Minh (Bùi Thanh Trà, 8 tuổi và Bùi Thanh Nguyên, 5 tuổi) thường hỏi mẹ: “Ba đi biển chừng nào về hả mẹ?”. Câu hỏi của con trẻ khiến lòng chị Nguyễn Thị Bích Hoa - vợ anh Minh - quặn thắt ruột gan. Lâu nay, chị Hoa và 2 con sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập của anh Minh. “Mấy mẹ con sống bám vào anh ấy nên khi ảnh mất thì cảm thấy rất hụt hẫng. Nhưng không thể ngồi ôm con mà sống nên em đã gửi con cho người thân chăm sóc, theo bà ngoại ra chợ buôn thúng bán bưng đắp đổi qua ngày”, giọng chị Hoa nghèn nghẹn.

Với khoản tiền hỗ trợ 40 triệu đồng, chị Hoa đã có kế hoạch sẽ dùng nguồn vốn này mở sạp buôn bán rau tươi ở chợ TP Tuy Hòa (công việc mà lâu nay chị chưa hề làm) để nuôi 2 đứa con thơ. “Em quyết tâm làm cho con ăn học đàng hoàng tử tế để mai sau chúng nó có cuộc sống tốt hơn”, chị Hoa chia sẻ.

Nỗi lo nợ nần của chị Lê Thị Huệ, 35 tuổi, ở làng chài ven biển thôn Thạnh Xuân Bắc, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (nhân vật trong bài viết Chồng chất nỗi lo nợ nần) đã phần nào vơi bớt khi được chương trình của Báo Thanh Niên hỗ trợ 60 triệu đồng. “Đó là khoản tiền rất lớn đối với gia đình tôi trong lúc ngặt nghèo này. Tàu bị chìm, sau khi anh ấy vĩnh viễn ra đi (anh Võ Xuân Cường, chồng chị Huệ) từ mấy tháng nay, tôi và 2 con ở lại luôn sống nơm nớp lo âu với nợ nần. Sự tiếp sức này là cơ hội quý báu cho tôi vượt qua tình cảnh cơ cực, đặc biệt là giúp 2 cháu nhỏ đỡ phải lam lũ khi thiếu vắng người cha”.

Trao tiền hỗ trợ ngư dân trẻ (đợt 1)

Sáng nay (26.7) tại hội trường Tỉnh Đoàn Bình Định, 185 Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn, Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Định và HDBank tổ chức trao tiền hỗ trợ đợt 1 cho các ngư dân trẻ gặp hoạn nạn. Các ngư dân: Trương Văn Tiến (ở An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi), Hồ Văn Lâm (ở An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi), Bùi Xuân Minh (ở P.6, TP Tuy Hòa, Phú Yên), Bùi Huệ (ở đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi) nhận hỗ trợ 40 triệu đồng/người. Các ngư dân: Võ Xuân Cường (ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định), Trần Hiền (An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi), Võ Đào (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi), Trần Văn Thoa (ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhận hỗ trợ 60 triệu đồng/người. Các ngư dân: Nguyễn Văn Sang (ở P.Trần Phú, TP Quy Nhơn, Bình Định), Phan Văn Ca (ở Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định) và Trần Min (ở P.6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) nhận hỗ trợ 80 triệu đồng/người.

 

 

 Đức Huy - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.