Tiền polymer VN kém chất lượng hơn tiền polymer nước ngoài?

11/09/2006 17:27 GMT+7

Trong thời gian qua, nhiều bạn đọc gọi điện, gửi thư phản ánh hiện tượng tiền polymer bị phai màu khi ngâm nước hoặc bị chà xát. Một số bạn đọc phản ánh, chất lượng tiền polymer của Việt Nam không tốt bằng tiền polymer của các nước khác. Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Toản, Phó cục trưởng Cục phát hành Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

* Thưa ông, đồng tiền polymer của Việt Nam có hiện tượng bị phai màu, bị nhoè khi chà xát. Phải chăng do công nghệ in tiền polymer của Việt Nam là công nghệ đời đầu, không phải là công nghệ mới nhất của thế giới nên mới xảy ra tình trạng này?


Nguyễn Văn Toản - Ảnh: Hoàng Ly

- Ông Nguyễn Văn Toản: Trên cơ sở hỗ trợ kỹ thuật của đối tác và cam kết của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, Nhà máy in tiền Australia đã thực hiện đào tạo, chuyển giao công nghệ in tiền polymer cho Nhà máy in tiền Quốc gia trên cơ sở công nghệ, kỹ thuật mà Nhà máy này đang sản xuất tiền cho chính Australia và nhiều nước khác trên thế giới như New Zealand, Singapore... Để thực hiện đào tạo và chuyển giao công nghệ, một số lượng nhất định tiền polymer 50.000 đồng đã được in tại Australia. Thực tế cho thấy, không có sự khác nhau giữa tiền in tại Australia và in trong nước. Các quy trình công nghệ kiểm tra chất lượng sản phẩm trong hoạt động in tiền tại Nhà máy in tiền Quốc gia cũng được thực hiện tương tự như tại Australia

* Vậy còn việc tiền bị nhòe mực khi ngâm nước hoặc chà xát, phải chăng đây là dấu hiệu của chất lượng in tiền kém?

- Ông Nguyễn Văn Toản: Chúng tôi xin khẳng định, không có chuyện đồng tiền polymer do Việt Nam sản xuất khi nhúng vào nước thì bị nhòe mực, mọi người có thể tự kiểm tra rất đơn giản. Trên đồng tiền polymer có ứng dụng công nghệ in intaglio (in lõm), tạo độ nổi của mực in trên bề mặt đồng tiền ở một số chi tiết (vuốt nhẹ tay ở các chi tiết này có cảm giác nhám, ráp). Đây là một công nghệ bảo an rất hiệu quả mà các nước đều ứng dụng trong in tiền. Do sự nhám, ráp của mực in bằng công nghệ in lõm nên khi mài, chà xát khu vực in lõm trên tờ tiền, mực in bị mài mòn; hiện tượng này xảy ra kể cả khi dồng tiền khô hay ướt và đối với bất kỳ đồng tiền của nước nào dù là tiền cotton hay polymer. Nếu cọ xát đồng tiền các nước kể cả đồng tiền của các nước phát triển như Mỹ, Châu u, Trung Quốc, Australia... cũng sẽ thấy rõ đặc điểm này.

* Nhưng cũng có phản ánh là đồng tiền của Việt Nam phai màu nhiều hơn khi bị chà xát so với đồng tiền polymer của các nước khác. Phải chăng công nghệ in của Việt Nam kém hơn?

- Ông Nguyễn Văn Toản: Công nghệ in lõm thì chỉ có một công nghệ, công nghệ in lõm của Việt Nam cũng giống hệt như của Australia, Mỹ hay Châu u... Đặc điểm của công nghệ này là sau khi in xong, lớp mực in cao hơn mặt giấy; tùy từng nước và tùy theo mệnh giá tờ tiền mà nước đó sẽ quyết định lớp mực in này sẽ cao hơn mặt giấy là bao nhiêu.

* Mỹ và EU là những nơi tiền bị làm giả rất nhiều nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng tiền cotton mà không thay thế bằng tiền polymer. Ngoài lý do chống giả, lý do nào quan trọng hơn khiến cho Việt Nam thay thế tiền cotton bằng tiền polymer?

- Ông Nguyễn Văn Toản: Việc xem xét các nước sử dụng loại tiền gì chỉ mang tính chất tham khảo bởi mỗi nước có những điều kiện khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ, EU là những nước đang có rất nhiều hãng sản xuất giấy in tiền, trong khi đó Việt Nam dù sử dụng giấy cotton hay giấy nền polymer thì cũng phải nhập khẩu. Mặt khác, nếu so sánh tiền giả loại 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng cotton của Việt Nam với tiền giả đồng euro thì mức độ tiền giả của Việt Nam là lớn hơn. Do vậy, vấn đề cơ bản cần quan tâm là mục tiêu của chủ trương phát hành tiền mới vừa qua của Chính phủ có đạt được hay không.

Khi công bố phát hành tiền polymer, Ngân hàng Nhà nước đã giải thích cụ thể mục tiêu của chủ trương phát hành tiền mới là nhằm đảm bảo tính đồng bộ của bộ tiền, nâng cao khả năng chống giả và độ bền, sạch của đồng tiền trong lưu thông. Đây là mục tiêu tổng thể nhằm nâng cao chất lượng đồng tiền trong lưu thông. Như vậy, ngoài mục tiêu nâng cao khả năng chống giả, việc ứng dụng chất liệu giấy nền polymer còn nhằm mục tiêu về mặt môi trường và yếu tố kinh tế trong phát hành tiền, cụ thể là độ bền, sạch của đồng tiền. Thực tế qua lưu thông cũng như kết quả phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho thấy, tiền polymer sạch hơn tiền cotton (mức độ nhiễm khuẩn của tiền polymer thấp hơn 15.000 lần so với tiền cotton). Về độ bền của đồng tiền,  qua phân tích của các cơ quan chức năng cũng như  thực tế sau gần 3 năm lưu thông, bước đầu có thể đánh giá, độ bền của tiền polymer cao hơn nhiều lần so với tiền cotton nên sẽ tiết kiệm được chi phí phát hành tiền trong dài hạn. Mặt khác, nhiều nước đang phải chôn, lấp phế liệu tiền cotton nhưng với phế liệu tiền polymer sẽ được tái chế thành dạng nguyên liệu hạt nhựa khá đơn giản: vừa có hiệu quả về kinh tế, vừa giải quyết được vấn đề về môi trường.

*Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.