Thủy điện xả lũ “thần tốc”, hạ lưu biến thành biển nước

09/11/2011 00:59 GMT+7

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tối qua miền Trung đã có 24 người chết và mất tích vì mưa lũ. Trong đó Quảng Nam 18 người, Đà Nẵng 2 người, Thừa Thiên-Huế 2 người, Bình Định và Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 người

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tối qua miền Trung đã có 24 người chết và mất tích vì mưa lũ. Trong đó Quảng Nam 18 người, Đà Nẵng 2 người, Thừa Thiên-Huế 2 người, Bình Định và Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 người

Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ với mức 5.000 m3/giây, dù thông báo nhưng người dân vẫn không đối phó kịp. Toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn bị cắt nguồn, người dân phải di tản trong đêm tối.

 
Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Nam tối qua cho biết khoảng 73.000 ngôi nhà tại địa phương bị ngập nước - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Rạng sáng qua 8.11, đỉnh lũ trên hai sông Vu Gia, Thu Bồn lên rất nhanh và đều vượt mức báo động 3 từ 0,3 - 0,8m do mưa to kéo dài cộng với các hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn suốt đêm 7.11. Đến 2 giờ sáng 8.11, lũ tràn qua QL1A, gây ngập sâu ở 7 điểm tại địa bàn Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn…, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Hàng ngàn người chạy lũ trong đêm

Người dân ở H.Nông Sơn đã phải chạy lũ trong đêm, bắt đầu từ 21 giờ 30 tối 7.11, do nước lũ lên nhanh tràn vào trung tâm huyện. UBND huyện đã thông báo khẩn trên đài truyền thanh về thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ với mức 5.000 m3/giây, nhưng người dân vẫn không đối phó kịp. Toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn bị cắt nguồn, hơn 7.000 người di dời khẩn cấp trong đêm. Gần 100 ngàn ngôi nhà ở các huyện Nông Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc... bị ngập sâu từ 1,5 đến 2m. Nặng nhất là 2 huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, mỗi nơi có trên 20 ngàn ngôi nhà ngập sâu trên 1,5m. Tại xã Duy Vinh (Duy Xuyên) có đến 90% ngôi nhà bị ngập sâu.

Tại TP.Hội An, mực nước sông Hoài dâng cao 1,23m, vượt mức báo động 1 0,23m khiến toàn bộ dãy nhà cổ dọc đường Bạch Đằng và khối phố An Hội, Đồng Hiệp ngập sâu. UBND TP.Hội An cũng đã sẵn sàng phương án di dời người dân và các hộ xung quanh 38 di tích nằm trong danh sách có nguy cơ sập đổ khi mưa lũ.

Tuyến QL1A đoạn qua 2 huyện Điện Bàn, Duy Xuyên ngập sâu có nơi lên đến 2m, giao thông hoàn toàn tê liệt. Gần 100 cán bộ chiến sĩ CSGT Quảng Nam ngâm mình trong nước lũ để điều tiết cả nghìn xe ô tô đậu đỗ và không cho người dân qua lại. Rạng sáng qua, tuyến kè An Lương dài trên 1.062m đi qua 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên sụt lún nghiêm trọng, đe dọa an toàn tính mạng. Cả trăm người dân của 2 thôn Thuận An và An Lương đã dùng 3.500 bao cát đắp vào những lỗ thủng lớn trên tuyến kè.

Số người chết ngày một tăng

Theo thống kê bước đầu, Quảng Nam đã có 13 người chết, trong đó huyện Đại Lộc 2 người, Điện Bàn 3 người, Tiên Phước 1 người, Thăng Bình 2 người và huyện Quế Sơn 5 người.

Con số người bị thiệt mạng chưa dừng lại. Sáng qua, lũ dữ đã cuốn trôi 2 học sinh huyện Thăng Bình, đến trưa mới tìm được thi thể.

Lúc 9 giờ sáng, tại khu vực xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn), lũ cuốn trôi 2 học sinh Trường THCS Trần Phú. Một em may mắn được cứu thoát, nhưng 1 em đến chiều tối qua vẫn chưa tìm thấy.

Cùng thời điểm, tại khu vực gần UBND xã Điện Thắng Trung, một người đàn ông chưa rõ danh tính, đã bị lũ cuốn cùng chiếc xe gắn máy.

Trong khi đó, đến chiều tối qua, lực lượng cứu hộ và gia đình mới tìm thấy thi thể cô Trương Thị Nhân (giáo viên Trường THCS A Vương, H.Đông Giang) tại địa phận dốc Brùa, giáp ranh giữa xã Ating và xã Ba. Khoảng 4 giờ sáng ngày 7.11, cô Nhân từ Đà Nẵng lên Tây Giang dạy học, khi đến đoạn dốc Brùa thì bị lũ cuốn.

Như vậy, riêng Quảng Nam đã có ít nhất 18 người thiệt mạng. Trong khi đó tại Huế, sáng qua người dân P.An Đông phát hiện một thi thể nam khoảng 14 tuổi trôi trên sông An Cựu ở gần cầu Nhất Đông. Danh tính chưa được xác định, nhưng nhiều khả năng đây là thi thể em Nguyễn Hữu Khá (trước đó báo cáo ghi là Nguyễn Hữu Khang) bị lũ cuốn mất tích tại khe Biên, xã Thượng Long (H.Nam Đông) vào chiều 5.11. Còn tại Bình Định, đến chiều qua cũng đã có 1 người chết do mưa lũ.

Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, chiều tối qua 8.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên từ vùng áp thấp ở phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng khoảng 210 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. Trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc và có khả năng suy yếu thành một vùng áp thấp.

Dự báo, chiều nay 9.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất giảm xuống còn dưới cấp 6. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Trên đất liền, ở các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Trong khi đó, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, từ Quảng Ngãi đến Bình Định chiều hôm qua tiếp tục xuống, hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn đã đạt đỉnh và xuống chậm. Tối cùng ngày, lũ trên sông ở Quảng Bình và Quảng Trị đạt đỉnh sau đó xuống chậm. Dự báo, sáng nay 9.11, lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc xuống mức 3,25m (trên báo động 2 là 0,25m), sông Hương tại Kim Long xuống còn 1,9m (dưới báo động 2 khoảng 0,1m), sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống 7,85m (dưới báo động 2 khoảng 0,15m), sông Thu Bồn tại Câu Lâu xuống mức 3,6m (dưới báo động 3 là 0,4m), sông Kôn tại Thạnh Hòa ở mức 6,6m (dưới báo động 2 là 0,4m). Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn còn tiếp diễn.

Quang Duẩn - Mai Vọng

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.