Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Tập trung cho giải pháp tài chính, tiền tệ

15/05/2013 03:15 GMT+7

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, quan điểm của nhiều Ủy viên TVQH khi thảo luận tại phiên họp sáng 14.5 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2012 và kế hoạch năm 2013, là tập trung xử lý các chính sách tiền tệ để khơi thông dòng tiền cứu nền kinh tế...

Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội: Tập trung cho giải pháp tài chính, tiền tệ

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp ngày 14.5 - Ảnh: Ngọc Thắng

Tín dụng đã ở mức báo động

 

DN mà không tiếp cận được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì. Tôi đề nghị cần tập trung bàn vấn đề chính sách tiền tệ.

Giải quyết vấn đề dòng vốn, chứ tiền đóng băng là không thể làm được gì.  DN nợ thế thì có mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay được không, chứ như thế này tôi thấy nguy cơ lắm

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Nhận định để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay là “hết sức khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của QH Phùng Quốc Hiển bày tỏ lo lắng: Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,44% trong khi mức huy động tiền gửi đã đạt trên 5%. Tức là có mất cân đối giữa việc ngân hàng (NH) đang giữ dòng tiền lớn trong khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. "Mặc dù vừa qua NH đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp để hạ lãi cho vay, nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) chúng ta là kém. Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng xuất phát là từ đầu ra, khả năng giải phóng hàng tồn kho chưa mạnh mẽ”, ông Hiển phân tích.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, bức tranh khó khăn chung của nền kinh tế thì đã rõ rồi, cái nổi lên cần xử lý là chính sách tiền tệ. “Tăng trưởng tín dụng có hơn 1% mà đầu vào hơn 5% là quá báo động rồi, phải tập trung xử lý. Lần này QH nên bàn giải pháp về tiền tệ. Tất cả là ở đồng tiền hết. DN mà không tiếp cận được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì. Tôi đề nghị cần tập trung bàn vấn đề chính sách tiền tệ. Giải quyết vấn đề dòng vốn, chứ tiền đóng băng là không thể làm được gì. DN nợ thế thì có mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay được không, chứ như thế này tôi thấy nguy cơ lắm”, bà Doan lo lắng.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị phải hợp sức tháo gỡ hàng tồn kho, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. “Chúng tôi xuống dưới hỏi DN, họ nói tiếp cận được vốn vay không phải dễ. NH cứ nói sẵn sàng, tiền không thiếu, nhưng lãi suất cao, nợ cũ chưa trả được thì DN vẫn thiếu vốn, phải gỡ bằng được vốn cho DN. Hàng tồn kho nếu không gỡ được thì DN tiếp tục phá sản, kinh tế tiếp tục khó khăn”, ông Phúc nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý sốt ruột: “Hai năm vừa rồi là để cầm cự, lẽ ra năm nay phải có gì đột phá để có thu mới cứu vãn được khó khăn. Cần tập trung vào giải pháp căn cơ về tài chính, tiền tệ để giải quyết được vấn đề hiện nay, ví dụ như vốn, hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn sản xuất. Cần có giải pháp tạo đà để DN có thể tiếp cận được vốn, có điều kiện phát triển sản xuất”.

Thắt chặt các khoản chi tiêu gây lãng phí

Nhấn mạnh hệ lụy từ sản xuất kinh doanh đình đốn, hàng tồn kho chậm được giải phóng, DN tiếp tục giải thể và ngừng hoạt động sẽ dẫn tới khả năng hụt thu ngân sách năm nay rất lớn, ông Phùng Quốc Hiển kiến nghị cần tích cực khai thác các nguồn thu trong nước, thu nội địa, và đặc biệt phải nghĩ tới việc tiết kiệm chi.

Cũng nhất trí cần có giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn lại thông tin về kết quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công tại phiên họp TVQH tháng trước, trong đó chỉ ra những con số rất cụ thể về lãng phí trong đầu tư công, và cho rằng QH cần có thái độ kiên quyết trong việc rà soát, cắt bỏ những khoản chi mang tính dàn trải, lãng phí, tác dụng trên thực tế rất ít.

“Kỳ họp thứ 4 vừa rồi ĐBQH đã nêu rất nhiều về lãng phí trong chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng tôi đi cơ sở nghe cử tri nói giờ các chương trình quá chồng chéo, phải mạnh dạn cắt giảm, thậm chí xóa bỏ những chương trình mục tiêu quốc gia không cần thiết thì mới tiết kiệm được, chứ bây giờ dàn trải thế này, cái gì cũng dở dang thế này mà tiền không đủ thì gây lãng phí... QH biểu quyết thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng nếu khi ta thấy bất hợp lý thì QH phải ra quyết định lại”, bà Doan đề nghị.

Cũng theo Phó chủ tịch nước, lần này QH phải bàn những kiến nghị của Bộ Tài chính về tiếp tục cắt giảm chi tiêu công để quyết ngay trong phân bổ chi tiêu ngân sách. “Vừa qua chúng ta cũng có những nể nang trong phân bổ ngân sách, lần này QH phải bàn tiết kiệm chi tiêu công, chi đi nước ngoài tham khảo, hội họp, lễ hội gì đó thì nên bỏ bớt đi”, bà Doan đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhấn mạnh: “Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu - chi ngân sách nhà nước. Rà soát lại tất cả dự kiến chi cho hoạt động phi sản xuất, phi quản lý xã hội, hành chính để cái nào tiết kiệm được phải tiết kiệm. Tổ chức lễ hội, mít tinh phải quyết liệt làm đơn giản lại hết…”.

Kinh tế vĩ mô vẫn còn mặt chưa đạt yêu cầu

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Nhìn mục tiêu tổng quát mà nghị quyết của QH đặt ra, có thể khẳng định lạm phát đã ổn; hai là điều chuyển chính sách vĩ mô về tiền tệ rõ ràng LS giảm, vàng trong nước ổn định, các NH không đổ vỡ, như vậy là kinh tế vĩ mô ổn định.

Tuy nhiên, tăng trưởng thì chưa hợp lý. Cuối năm các đồng chí làm không phải tốt hơn mà là tốt quá, hơi gấp. Năm ngoái tôi nói giữ mức lạm phát từ 7 - 8% là tốt, đừng để vượt và nghị quyết đã ghi là 8%, đến cuối năm các đồng chí nỗ lực đạt mức 6,8%, cũng là tốt nhưng mà tốt quá nên nó ảnh hưởng đến tăng trưởng. Phải thấy được là điều hành của mình dở. Điều hành thế nào để lạm phát trên 7% thì tăng trưởng giờ không bị dưới 4% hoặc dưới 5%.

Sản xuất các mặt hàng đều giảm, đến bây giờ vẫn giảm. So với những tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng lên nhưng so với cùng kỳ thì giảm. Không đạt của mục tiêu tổng quát là tăng trưởng, không đạt của tăng trưởng là sản xuất thấp, DN xấu hơn, phá sản nhiều hơn,không phải 54 nghìn đâu mà là hàng trăm nghìn, không phải 63 - 65% báo lỗ mà còn nhiều hơn. Lấy số thu thuế mà đối chiếu sẽ thấy. Thu ngân sách giảm chứng tỏ sản xuất giảm, DN khó khăn thêm, đi theo đó là tình hình ngân sách xấu. Như vậy kinh tế vĩ mô mới được một mặt, còn hai mặt chưa đạt yêu cầu”.

Báo động khó khăn cân đối ngân sách

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 244.100 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 30,1% dự toán, mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây; thu từ dầu thô đạt 40,7% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23% dự toán. Chi NSNN 4 tháng đầu năm 2013 đạt 303.400 tỉ đồng, bằng 31% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 57.090 tỉ đồng, bằng 32,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 32,2% dự toán.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS cho thấy thu NSNN những tháng đầu năm 2013 đạt kết quả thấp so với cùng kỳ, tỷ lệ thực hiện so với dự toán thấp hơn nhiều so với những năm gần đây đang báo hiệu một năm nhiều khó khăn về cân đối ngân sách. Ủy ban này cũng dự báo năm nay có khả năng xảy ra hụt thu khi tình hình khó khăn, Chính phủ cần giám sát chặt chẽ nguồn thu, cắt giảm chi thường xuyên hợp lý. Trường hợp hụt thu lớn cần báo cáo QH điều chỉnh dự toán NSNN theo quy định của luật NSNN, bảo đảm chủ động trong điều hành NSNN.

Anh Vũ

Bảo Cầm

>> Nỗ lực cải thiện chính sách tiền tệ
>> Nhiều nền kinh tế lớn đồng loạt nới lỏng chính sách tiền tệ
>> Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm
>> Kiên trì thắt chặt chính sách tiền tệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.