Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan

12/07/2014 09:00 GMT+7

Nghị quyết của Thượng viện Mỹ thúc giục Trung Quốc rút giàn khoan phi pháp khỏi vùng biển Việt Nam và trả mọi thứ về nguyên trạng như trước ngày 1.5.2014.

Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
Giàn khoan Hải Dương-981 và tàu TQ hoạt động phi pháp trong vùng biển VN - Ảnh: Độc Lập

Ngày 10.7 (giờ địa phương), với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã đồng ý thông qua nghị quyết số hiệu S.RES.412 về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và Hoa Đông, theo TTXVN.

 

Kêu gọi TQ rút giàn khoan Hải Dương-981 và mọi lực lượng ra khỏi các vị trí hiện tại, ngưng mọi hoạt động trên biển trái với Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển (COLREGS) của Tổ chức Hàng hải quốc tế và trả mọi thứ trở lại nguyên trạng như trước ngày 1.5.2014

Theo nội dung đăng trên website quốc hội Mỹ Congress.gov, nghị quyết trên được đưa ra Thượng viện vào tháng 4.2014 và đến cuối tháng 5 thì được điều chỉnh lại để bổ sung cho phù hợp với các diễn biến tình hình mới, đặc biệt là vụ Trung Quốc (TQ) hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN từ ngày 2.5.2014. Nghị quyết S.RES.412 được bảo trợ bởi nhiều nghị sĩ có ảnh hưởng của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa như Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, Benjamin Cardin và Dianne Feinstein thuộc đảng Dân chủ cùng các thượng nghị sĩ John McCain, James Risch, Marco Rubio và John Cornyn (đảng Cộng hòa).

Theo Congress.gov, nghị quyết có 4 điểm chính như sau: 1. Lên án mọi hành động sử dụng vũ lực cản trở tự do hoạt động trong không phận quốc tế nhằm thay đổi hiện trạng hoặc làm mất ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 2. Hối thúc TQ ngưng triển khai vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông và các khu vực khác tại châu Á - Thái Bình Dương; 3. Ca ngợi sự kiềm chế của Nhật Bản và Hàn Quốc trong các tranh chấp ở khu vực; 4. Kêu gọi TQ rút giàn khoan Hải Dương-981 và mọi lực lượng ra khỏi các vị trí hiện tại, ngưng mọi hoạt động trên biển trái với Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển (COLREGS) của Tổ chức Hàng hải quốc tế và trả mọi thứ trở lại nguyên trạng như trước ngày 1.5.2014.

Ngoài ra, nghị quyết S.RES.412 còn nêu ra 5 điểm trong chính sách Mỹ: 1. Ủng hộ các đồng minh và đối tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 2. Phản đối mọi tuyên bố vi phạm các quyền, sự tự do và việc sử dụng biển hợp pháp; 3. Không dùng vũ lực hay đe dọa để giải quyết tranh chấp; 4. Ủng hộ việc thiết lập các thể chế trong khu vực nhằm tăng cường hợp tác và củng cố vai trò của luật pháp quốc tế; 5. Đảm bảo các hoạt động của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Nghị quyết nhấn mạnh, Mỹ tuy không phải là một bên tuyên bố chủ quyền tại biển Đông nhưng có lợi ích lớn từ việc giải quyết tranh chấp tại đây thông qua con đường ngoại giao hòa bình phù hợp với luật quốc tế, thay vì hăm dọa hay dùng vũ lực. Nghị quyết S.RES.412 còn mô tả cụ thể loạt hành động của TQ vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) trên biển Đông. Đơn cử là vào ngày 1.5.2014, Tổng công ty dầu khí hải dương TQ đã hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 với sự hộ tống của hơn 25 tàu tại lô 143, cách bờ biển VN 120 hải lý. Kể từ đó, Bắc Kinh còn điều thêm nhiều máy bay trực thăng, hơn 80 tàu, bao gồm 7 tàu quân sự, phun vòi rồng đe dọa, thậm chí còn cố ý đâm vào tàu VN. Những hành động này vi phạm COLREGS. Nghị quyết nêu rõ mọi tuyên bố chủ quyền và hành động hỗ trợ hoạt động giàn khoan Hải Dương-981 của TQ trái với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và đây là nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (COC).

Những nội dung về biển Đông trong nghị quyết S.RES.412 cũng đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung ở Bắc Kinh vừa qua. Tờ The New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ông Kerry đã cảnh báo TQ không được phép hành động đơn phương để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền lãnh thổ cũng như không được “tạo hiện trạng mới” trên biển. Tại cuộc họp báo quốc tế ở Bắc Kinh sau cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự thế giới theo các quy tắc, trong đó có các quy tắc về tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông Kerry mong tất cả các bên liên quan đến các tranh chấp lãnh hải hết sức kiềm chế và giải quyết mọi bất đồng theo con đường ngoại giao và hòa bình.

VN mong muốn các quốc gia đóng góp mạnh mẽ

Hôm qua 11.7, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc ngày 10.7 Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 412, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình nêu rõ: “VN hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Mỹ yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. VN mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực”.

TTXVN

Thượng viện muốn tổng thống mạnh tay với Trung Quốc

Nhận định về việc Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết S.RES.412 yêu cầu TQ trả lại nguyên trạng biển Đông trước ngày 1.5.2014, Giáo sư Zachary Abuza (Mỹ) nói với Thanh Niên: “Về bản chất, đây là một nghị quyết chứ không phải đạo luật. Do vậy, nó không mang tính ràng buộc đối với Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề theo hướng sau: Đây quả là một động thái rất đáng ngạc nhiên khi Thượng viện Mỹ vốn chia rẽ và phân hóa sâu sắc trước giờ lại đồng thuận tuyệt đối trước vấn đề này. Theo tôi, nghị quyết này quan trọng bởi vì nó cho thấy tổng thống đã có được sự hậu thuẫn tuyệt đối từ Thượng viện cho một vấn đề đối ngoại, không như trường hợp của Syria”. Giáo sư Abuza kết luận: “Động thái trên cho thấy Thượng viện trông đợi tổng thống bảo vệ các đồng minh, ngăn chặn sự hung hãn của TQ, tiếp tục triển khai tàu hải quân để bảo vệ tự do hàng hải, hỗ trợ các nước ASEAN, và ngăn không cho Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Khu vực châu Á - Thái Bình  Dương đang trở thành một trong những khu vực hiếm hoi trên thế giới mà tổng thống có thể hành động với sự hậu thuẫn của Thượng viện. TQ chắc chắn phải lưu ý đến nghị quyết này. Bởi vì qua đó, Thượng viện muốn thấy tổng thống đương đầu với TQ”.

An Điền

Danh Toại

>> Trung Quốc tăng tàu bảo vệ giàn khoan
>> Kiên trì đẩy đuổi giàn khoan Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam
>> Giàn khoan Hải Dương – 981: Cơ hội cho Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.