Thủ tướng yêu cầu “hết sức tiết kiệm”

28/06/2013 03:35 GMT+7

Lần đầu tiên Bộ Tài chính đã phải thừa nhận, dù tích cực nhất thì năm nay, thu ngân sách sẽ vẫn bị hụt 65.000 tỉ đồng và hiện chưa tính được cách nào để bù đắp. Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo sớm phương án và bằng mọi giá phải ra sức tiết kiệm chi, không được để vỡ cân đối ngân sách.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến - Ảnh: Nhật Bắc

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh, thành ngày hôm qua, bức tranh kinh tế của cả nước trong 6 tháng được Bộ KH-ĐT điểm lại nhìn chung có nhiều thành tựu, với xuất khẩu vẫn đang trên đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng có 2,4% so với cuối 2012. Tuy nhiên, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận nhiều khuyết điểm, hạn chế, trong đó lớn nhất là việc triển khai thực thi các chủ trương, giải pháp mới còn quá chậm trễ, dẫn tới hiệu quả không đạt được như mong muốn. Vì vậy, giải pháp cấp bách trong thời gian tới Chính phủ sẽ ưu tiên việc kích cầu đầu tư, tiêu dùng để đạt được mức tăng trưởng GDP 5,5%.

 

Các đồng chí phải tiếp thu góp ý của báo chí, ý kiến chuyên gia đi, cái gì chưa phù hợp phải điều chỉnh bổ sung kịp thời

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Kích cầu đầu tư, tiêu dùng

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết Chính phủ giao cho Hà Nội thu ngân sách cả năm 162.000 tỉ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ thu được 63.000 tỉ đồng, cuối năm để thu được 99.000 tỉ đồng là hết sức khó khăn. “Chính phủ cần có giải pháp làm sao để doanh nghiệp (DN) tiếp cận được với nguồn vốn theo lộ trình giảm lãi suất. Tăng sức mua, tăng tổng cầu và chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư công”, ông Thảo đề nghị.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, bình quân 6 tháng đầu năm GDP của TP tăng 7,9%, thấp hơn 0,2% so cùng kỳ, nhưng tình hình thu ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt tiếp tục giảm hàng tồn kho, nhất là tồn kho bất động sản (BĐS).

Tại Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh đánh giá, dù thời gian qua ngân hàng vào cuộc cứu DN, tuy nhiên giải pháp nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Ông Ninh đề nghị Chính phủ không làm tràn lan, nhưng các dự án cấp bách, trọng điểm phải đầu tư mạnh, nhất là vốn ODA bởi nó sẽ cứu được nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Chia sẻ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm nay theo phương án tích cực nhất mà Bộ tính toán thì ngân sách vẫn hụt thu khoảng 65.000 tỉ đồng. Vì vậy, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế, gian lận thuế. “Chúng tôi sẽ phối hợp với công an, địa phương để tập trung thanh tra, kiểm soát đặc biệt các DN mới thành lập từ khâu hóa đơn, đến khâu hoàn thuế…”, Bộ trưởng nói.

 

Kết luận dứt điểm thủy điện Đồng Nai 6-6A

Được Thủ tướng yêu cầu báo cáo về tình hình hai dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A, tại hội nghị, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho hay, Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định và hội đồng đã tiến hành xem xét báo cáo của chủ đầu tư, nhưng qua thẩm định bước đầu còn một số vấn đề Bộ yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung làm rõ. Thủ tướng yêu cầu phải đốc thúc chủ đầu tư báo cáo bổ sung. "Đánh giá tác động môi trường được hay không thì cũng kết luận dứt điểm cho xong, không để thời gian kéo dài", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định con số hụt thu 65.000 tỉ đồng là rất lớn, bản thân ông cũng nghĩ chưa ra sẽ bù đắp bằng nguồn nào. Tuy nhiên, ông chỉ đạo bằng mọi cách không được để vỡ cân đối ngân sách và nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải tiết kiệm. “Phải hết sức tiết kiệm chi, mọi đơn vị chỉ ưu tiên những khoản chi bức xúc, khoản nào chưa cấp bách thì chi chậm lại chuyển sang năm sau. Nếu để vỡ thu chi ngân sách thì khó khăn vô cùng”, Thủ tướng nói.

“Mười mấy nghìn người chết thì gay go”

Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phải tăng cường triển khai các dự án (DA) xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quốc lộ 1A. Có như vậy mới kích cầu được tiêu dùng, giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành xây dựng…

Tuy nhiên, báo cáo thêm, Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra lo lắng vì hàng loạt DA hiện nay đang bị chậm, treo do tiến độ giải phòng mặt bằng (GPMB) và thiếu nguồn nguyên liệu. Theo ông Thăng thì DA cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bị chậm, Hà Nội - Hải Phòng chậm và vô số DA khác đều do các địa phương không GPMB.

Về tình hình tai nạn giao thông, theo ông Thăng, 6 tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, đặc biệt là tai nạn xe khách, container và xe tải. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát tải trọng xe, siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải. “Phải tăng cường, chấn chỉnh ngay không để dung túng, bao che, bảo kê, vì ai cũng biết không lái xe nào chạy vượt tốc độ mà không việc gì, nếu lực lượng chức năng thực hiện đúng quy định”, ông Thăng nói.

Đồng tình với Bộ trưởng Thăng, Thủ tướng cũng cho rằng chính tình trạng này khiến nhà nước đầu tư bao nhiều tiền bạc vào đường sá, hạ tầng cũng bị hỏng hết. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát. “Một kinh nghiệm là cứ nơi nào tập trung tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm thì nơi đó giảm tai nạn. Lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông cực khổ nhưng mỗi năm mười mấy ngàn người chết thì gay go quá, xe quá tải phá hỏng hết các đường, tôi đề nghị anh Thăng ngăn chặn cái này”, Thủ tướng chỉ rõ.

“Phải tiếp thu góp ý của báo chí”

Khép lại ngày đầu tiên làm việc, Thủ tướng đánh giá, tình hình 6 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ còn chậm, có chính sách đưa ra đúng nhưng đến lúc đi vào cuộc sống lại chưa kịp thời, chưa hiệu quả.

“Chúng ta làm còn chậm quá, như công ty mua bán nợ  6-7 tháng trời chuẩn bị mới ký được nghị định, giờ phải khẩn trương thực hiện. Hay cho vay mua nhà ở xã hội gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, tới hôm nay vẫn còn nhiều ý kiến thế nào là thu nhập thấp, ai được hưởng, DN được làm là DN nào, tiêu chuẩn ra sao. Các đồng chí phải tiếp thu góp ý của báo chí, ý kiến chuyên gia đi, cái gì chưa phù hợp phải điều chỉnh bổ sung kịp thời”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho NHNN phải tiếp tục giảm lãi suất, đạt mức tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12% như đã đề ra. Ngoài ra, sau khi giữ ổn định được thị trường vàng, phải nghiên cứu phương án huy động nguồn lực vàng để góp phần vào tăng nguồn đầu tư cho xã hội. Dù khó cũng làm để giữ giá trị đồng tiền, tăng trưởng kinh tế. Không để vàng quay trở lại thành phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Liên quan đến việc tất toán trạng thái vàng hạn cuối vào ngày 30.6, Thủ tướng chỉ đạo NHNN không được gia hạn, du di cho bất cứ một ngân hàng nào, phải dứt khoát buộc các ngân hàng phải tất toán xong trạng thái.

Riêng ngành GTVT, Thủ tướng chỉ đạo phải làm bằng được quốc lộ 1A, các địa phương phải tập trung GPMB thật nhanh chóng, “không để tình trạng như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chỉ thông xe đoạn Thái Nguyên, còn đoạn Hà Nội vướng, như vậy không có ý nghĩa gì”, Thủ tướng nói.

Dự án bị chậm do “giang hồ cát cứ”

Về DA quốc lộ 1A, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng hiện đã có 17 DA đầu tư bằng nguồn vốn BOT đã khởi công, 18 DA đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu sẽ khởi công vào quý 3 năm nay. Đặc biệt, các DA cũng bị chậm vì tình trạng “giang hồ cát cứ, xã hội đen, thế giới ngầm ở địa phương thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền”. Chính điều này làm cho nguồn cung vật liệu cho các nhà thầu thi công gặp khó khăn, giá tăng cao, tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo. “Nguồn vật liệu khai thác tại chỗ, ở địa phương thì được cung cấp, còn đưa chỗ khác đến thì lực lượng này không cho vào hoặc nếu vào mà muốn mua được lại phải nộp tiền”, ông Thăng bức xúc nói.

Anh Vũ

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không du di tất toán vàng cho bất cứ ngân hàng nào
>> Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa lực lượng tuần tra, xử lý lái xe vi phạm
>> Giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 7%/năm
>> Giảm lãi suất, tăng tỷ giá
>> Giảm lãi suất cho vay xuất khẩu và đầu tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.