Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Hunsen

24/04/2011 00:44 GMT+7

Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Hunsen, ngày 23.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm và làm việc tại Campuchia.

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 23.4, tại cung Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen về các vấn đề trong quan hệ hai nước và các vấn đề khác cùng quan tâm.

Tham dự hội đàm về phía Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Về phía Campuchia có Phó thủ tướng phụ trách Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Sóc An; bà Men Sam An, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và các quan chức cao cấp khác của hai nước.

Hai thủ tướng vui mừng nhận thấy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hai thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ hai do hai thủ tướng đồng chủ trì sáng 24.4.

Tại hội nghị này, hai bên dự kiến sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực hàng không, ngân hàng, viễn thông, thủy điện, khai khoáng, cao su, mía đường... Hai thủ tướng bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước lên tầm cao mới, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen ghi nhận cố gắng to lớn của các lực lượng phân giới cắm mốc hai nước trong những năm qua. Hai thủ tướng chỉ rõ việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, sớm xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ đối với mỗi nước, đối với quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, mà còn là nhân tố góp phần đảm bảo hòa bình, phát triển, phồn vinh của khu vực và thế giới. Hai thủ tướng yêu cầu các lực lượng phân giới cắm mốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tập trung tinh lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Hai thủ tướng đã thỏa thuận và nhất trí giao cho Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc hai nước sớm giải quyết dứt điểm vị trí các cột mốc số 30, 275 là hai cột mốc ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) - Ozadao (Ratanakiri) và Tịnh Biên (An Giang) - Phnom Đơn (Takeo); mốc số 314 tại tỉnh Kiên Giang - Kampot là vị trí mốc cuối cùng trên đường biên giới trên bộ giữa hai nước và các khu vực Chàng Riệc, Tân Hà, Tân Đông, Tân Bình (tỉnh Tây Ninh, Việt Nam), On Lung Chrey, Thlok Trach, Bưng Chrôn, Phum Đôn (tỉnh Kampong Chàm, Campuchia). Việc giải quyết những khu vực trên được thực hiện theo các nguyên tắc nêu trong Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước Bổ sung năm 2005 giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Trong quá trình phân giới cắm mốc, hai bên căn cứ vào đường biên giới đã xác định trên bản đồ và đường biên giới quản lý trên thực địa để điều chỉnh cho nhau các khu vực quá canh, quá cư trên cơ sở cân bằng về lợi ích và diện tích nhằm bảo đảm sự ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân biên giới hai nước. Hai thủ tướng cho rằng việc giải quyết dứt điểm các vị trí mốc và các khu vực nói trên sẽ là hình mẫu để hai bên tiếp tục giải quyết những khu vực khác còn tồn đọng, tạo tiền đề thuận lợi cho việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trước cuối năm 2012 đúng thời hạn như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.

Hai thủ tướng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động xấu đối với môi trường khi xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mê Kông, trong đó có đập Xayaburi. Hai thủ tướng mong muốn các nước ven sông trong đó có Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế thảo luận kỹ càng, thận trọng, đạt được sự đồng thuận trước khi đưa ra quyết định về việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mê Kông.

Thủ tướng Hunsen thông báo tình hình xung đột biên giới Campuchia - Thái Lan trong những ngày gần đây. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến phức tạp trên biên giới Campuchia - Thái Lan. Thủ tướng khẳng định Việt Nam là láng giềng của cả Campuchia và Thái Lan, đồng thời cũng là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam mong rằng hai bên cần hết sức kiềm chế, tránh xung đột vũ trang, tiếp tục giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam kêu gọi Campuchia và Thái Lan nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết tại cuộc họp không chính thức giữa các ngoại trưởng ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 22.2.2011, không để tình hình diễn biến phức tạp.

Sau cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen đã chứng kiến lễ ký kết "Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về việc điều chỉnh đường biên giới đối với một số khu vực tồn đọng trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia" và Văn bản hợp tác giữa hai ngành hàng không Việt Nam - Campuchia.

* Chiều cùng ngày, tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến chào cựu Quốc vương Norodom Sihanouk; gặp quyền Quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Samdech Chea Sim và quyền Chủ tịch Quốc hội Nguon Nhel.  

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.