Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thôi chức Thiếu tướng Cao ngọc Oánh và chấp nhận Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Lâm từ chức

07/07/2006 00:30 GMT+7

Tại cuộc họp báo ngày 6.7, ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ cho biết ý kiến chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh về trường hợp thiếu tướng Cao Ngọc Oánh liên quan đến vụ việc tiêu cực ở PMU 18 (Bộ Giao thông vận tải) là: Trước khi có kết luận điều tra vụ việc liên quan đến thiếu tướng Oánh, Bộ trưởng Bộ Công an không để ông Oánh giữ chức vụ Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an khởi tố điều tra làm rõ việc Bùi Tiến Dũng đã khai đưa 20.000 USD cho trung tá Đỗ Huy Kim (C15, Tổng cục cảnh sát) để nhờ chạy án và việc trung tá Kim đứng tên đăng ký hộ chiếc xe ô tô cho gia đình Bùi Tiến Dũng. Bộ Công an phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20.7.

Trả lời PV báo Thanh Niên ngày 6.7, ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn (người đã có nhiều ý kiến về vụ ông Nguyễn Văn Lâm - TN) cho  rằng việc từ chức của ông Lâm là "một việc làm cần thiết". Theo ông Thuyết, ông Lâm lẽ ra cần rút lui khỏi vị trí công tác sớm hơn nữa để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Văn phòng Chính phủ. Ông Thuyết cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ làm rõ việc các cơ quan đã chi tiền cho cá nhân ông Lâm và các đoàn công tác khác trong một khoảng thời gian có thể là 6 tháng đến 1 năm và đề xuất biện pháp xử lý. Theo ông Thuyết, trong vụ việc trên có khoản tiền lớn còn chưa được làm rõ, cơ quan điều tra phải vào cuộc, và "Chính phủ mới phải dứt khoát với những trường hợp như thế này".

Trước đó, ngày 5.7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày đơn xin từ chức vì có khuyết điểm trong việc nhận phong bì của các đơn vị: Thủy điện Sêsan 3A, Văn phòng UBND 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên với số tiền 2.250.000 đồng, vi phạm quy định của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận cho ông Nguyễn Văn Lâm từ chức, đồng thời yêu cầu ông Lâm nộp trả số tiền đã nhận cho các đơn vị nói trên.

Giãi bày với báo chí, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm cho biết: "Tôi rất buồn khi nộp đơn xin từ chức. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Vì uy tín của Văn phòng Chính phủ, xét thấy việc từ chức của tôi sẽ có lợi cho Văn phòng Chính phủ nên tôi xin Thủ tướng cho thôi làm Phó chủ nhiệm".


Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh

Cũng trong chiều qua, khi tiếp nhận thông tin về việc tạm đình chỉ chức vụ, trao đổi với báo chí, ông Cao Ngọc Oánh chỉ cho biết ông thấy "bất ngờ và buồn". Như thông tin đã đưa trước đây, trong quá trình điều tra vụ án tại PMU 18, Bộ Công an đã nhậån được đơn tố cáo về việc Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế") đã nhận 50.000 USD của Bùi Tiến Dũng để chạy án và hướng nhắm vào thiếu tướng Oánh. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) đồng thời phát hiện một số dấu hiệu cho thấy một số cá nhân định chạy tội, tìm đến ông Cao Ngọc Oánh. Và sau này, Đảng ủy Cơ quan công an Trung ương thành lập tổ liên ngành gồm đại diện của Cơ quan an ninh điều tra và Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ. Nhưng sau 2 tháng, người ta vẫn chưa tìm ra căn cứ để kết luận ông Oánh liên quan đến việc chạy án. Riêng C14 vẫn tiếp tục điều tra, trong đó có việc làm rõ sự liên quan của thiếu tướng Cao Ngọc Oánh trong đường dây chạy án của Bùi Tiến Dũng. Được biết, năm 2000, ông Cao Ngọc Oánh được bổ nhiệm về làm Cục trưởng C15 (trước đó làm việc tại Công an tỉnh Quảng Bình). Năm 2001, ông Oánh được bổ nhiệm làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Cách đây 2 năm, ông Cao Ngọc Oánh tiếp tục được bổ nhiệm làm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội: Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm làm trong sạch cơ quan hành pháp

“Theo tôi, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ Công an sẽ ra quyết định đình chỉ chức danh Thủ trưởng cơ quan điều tra đối với ông Cao Ngọc Oánh trong nay mai. Tuy nhiên, để thực hiện việc đó, ông Bộ trưởng Bộ công an phải nêu rõ căn cứ, chỉ ra những dấu hiệu sai phạm của ông Cao Ngọc Oánh để đình chỉ chức vụ thủ trưởng cơ quan điều tra của ông ấy. Tôi nghĩ rằng Thủ tướng đã có những căn cứ xác đáng để ra ý kiến yêu cầu Bộ Công an không để thiếu tướng Cao Ngọc Oánh giữ chức vụ Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Đây là một quyết định mạnh tay của tân Thủ tướng, điều đó nói lên quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc chống tiêu cực tại các cơ quan hành pháp”.

K.T.L

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận: Hoan nghênh tân Thủ tướng


Ông Trần Quốc Thuận  - ảnh: X.T

Sau khi báo chí và các đại biểu Quốc hội vào cuộc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lâm đã phải đệ đơn từ chức. Xung quanh việc này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

* Ông nhận xét gì về việc ông Lâm xin từ chức ?

- Trước hết là hoan nghênh tân Thủ tướng ngay khi nhận nhiệm vụ mới đã nhanh chóng chấp nhận đơn xin từ chức, có ý kiến để xử lý vụ việc. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực ban đầu, tạo nên một không khí mới trong việc phòng chống tham nhũng. Tôi tin là công tác chống tham nhũng sẽ có nét mới, tích cực hơn trong thời gian tới.

* Ông Lâm từ chức ở thời điểm này là thích hợp ?

- Nếu từ chức sớm hơn thì tốt. Ở cương vị người cán bộ cấp cao, có lòng tự trọng thì mình phải tự xử chứ không nên để buộc phải thực hiện dưới một áp lực. Việc này lẽ ra không phải tốn nhiều công sức của báo chí, các đại biểu quốc hội. Tiết kiệm thời gian, người ta làm được nhiều việc có ích hơn.

* Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Lâm sẽ không việc gì nếu báo chí không vào cuộc ?

- Rõ ràng nó có dấu hiệu của sự chìm xuồng rồi. Bởi vì việc này cũng đã kéo dài mấy năm rồi. Đây cũng là một cái tích cực của báo chí. Nhưng mà như tôi nói, việc từ chức là quá trễ. Từ chức là một thái độ tự nguyện nhưng mà tự nguyện và tự giác nên đề cao, tích cực hơn. Đối với những trường hợp khác nên có sự chủ động hơn đừng có để báo chí, dư luận rồi đại biểu Quốc hội nói đi nói lại rất nhiều. Tích cực ở đây có hai mặt, một là những người ở bên trên phải tỏ thái độ rõ ràng. Ông Lê Huy Ngọ và ông Đào Đình Bình từ chức là thế chẳng đặng đừng chứ không phải bị kỷ luật rồi người ta mới từ chức. Nếu có ý thức, văn hóa cao hơn, khi xảy ra tiêu cực thì nên từ chức ngay. Coi việc đó cũng là bình thường.

* Theo ông, trường hợp của ông Lâm  nên cách chức hay đồng ý cho từ chức ?

- Người ta nói cái ẩn số là ở trong hơn 10.000 USD. Chỗ này bây giờ gần như mặc nhiên bỏ qua, chỉ nhắc lại có mấy triệu bạc. Mấy triệu đó cũng là điều đáng trách nhưng mà không phải là điều mà người ta muốn nói.

* Có nghĩa là sau khi ông Lâm từ chức, các cơ quan nội chính phải tiếp tục điều tra vụ này ?

- Đây cũng là vấn đề. Như đại biểu Quốc hội đã nói, anh là cán bộ cao cấp mà lại đi mua sừng tê giác. Đó là vi phạm vào điều cấm. Chỉ riêng việc này thôi chứ tôi chưa nói đến nguồn gốc của số tiền. Vậy anh mua ở đâu, anh gửi ai? Phải tìm ra đường dây này. Nên chăng là phải khởi tố vụ án mua, bán sừng tê giác trái phép. Từ đó mới điều tra ngược lại. Làm được việc này thì mới rõ ràng.

Xuân Toàn (thực hiện)

Mạnh Quân - P.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.