Thủ tướng Hun Sen: Ghi ơn các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam

04/01/2012 00:08 GMT+7

Ngày 7.1.2012, nhân dân Campuchia kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Thủ tướng chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen (ảnh) đã có buổi trao đổi với các nhà báo Việt Nam nhân sự kiện trọng đại này.

Thủ tướng Hun Sen nói: Đây là ngày đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi như được hồi sinh và đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước Campuchia tươi đẹp như hôm nay.

 

Mới đây, tại phiên tòa xét xử các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ do LHQ bảo trợ, có bị cáo đưa ra ý kiến xúc phạm lịch sử cũng như công sức của quân tình nguyện VN. Ý kiến của Thủ tướng về việc này như thế nào?

 

Tôi đã nghe Noun Chea là một trong những cựu lãnh đạo chế độ Pol Pot khai những lời dối trá trước tòa. Họ đã không nhận thấy lỗi lầm của mình mà còn tố cáo việc này, việc nọ, thậm chí cho rằng có “sự xâm lược của việc quân tình nguyện VN”. Đây chỉ là những lời tự bào chữa của những kẻ sát nhân, diệt chủng mà thôi và đó là lô gíc của chúng. Sở dĩ chúng khai vậy để nhằm nhẹ hóa tội lỗi của chúng mà thôi. Nếu chúng cho rằng mình đúng đắn thì cần gì phải có một tòa án quốc tế để xét xử chúng như hôm nay. Ai cũng thừa biết rằng, đất nước Campuchia từng có một chế độ diệt chủng tại đó và đất nước chúng tôi đã cùng với thế giới lập một tòa án để xét xử những kẻ gây ra tội ác. Chúng ta không cần phải đối đáp lại những lời dối trá, ngụy biện này để làm gì…  


Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành Khu di tích  lịch sử Đoàn 125 tại Đồng Nai - Ảnh: Nguyễn Bắc
 


Harish C.Mehta và Julie B.Mehta, tác giả cuốn sách Hun Sen - Nhân vật xuất chúng kể lại rằng, ông đã “thể hiện sự phẫn nộ” khi được hỏi về cuộc chiến 10 năm của Việt Nam ở Campuchia như là “xâm lược”. Thưa ông, vì sao lại thế?

Không chỉ riêng gì ông bà Mehta mà một số người đã nói với tôi rằng, những đóng góp và giúp đỡ của lực lượng quân sự Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Campuchia là vô cùng to lớn, nhưng lại bị cho rằng, đó là hành động “xâm lược”. Bất cứ ai nói rằng “Việt Nam xâm lược Campuchia” tôi sẵn sàng kịch liệt bác bỏ. Sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân Campuchia, vì sự sống của nhân dân Campuchia. Sự hiện diện đó dẫn đến sự hồi sinh của Campuchia ngày hôm nay.

Tôi xin hỏi, đã có đất nước nào giúp đỡ nhân dân Campuchia như Việt Nam đã từng làm? Không có. Chỉ có nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam mới giúp đỡ Campuchia trong thời điểm khó khăn nhất.

Dĩ nhiên, tôi đã có sự phản ứng với ông bà Mehta khi đã so sánh sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Campuchia trong vòng 10 năm từ 1979 đến 1989 như là một sự “xâm lược”. Sự so sánh này tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được vì rằng sự có mặt của quân đội Việt Nam tại Campuchia là nhằm giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ Pol Pot. Sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại đất nước chúng tôi không có gì đáng ngạc nhiên. Người dân chúng tôi đã bị Pol Pot giết hại rất nhiều, tại sao chúng tôi lại không thể đề nghị Việt Nam giúp đỡ? Khi nào Campuchia chúng tôi đủ lớn mạnh thì Việt Nam sẽ rút quân. Và thực tế từ năm 1989, quân đội Việt Nam đã rút về nước. Hơn 20 năm qua đã không còn sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên đất nước Campuchia.

Nếu có một thông điệp gửi tới những cựu chiến binh VN, thân nhân những người VN đã hy sinh trong cuộc chiến tại đất nước Campuchia, Thủ tướng sẽ nói gì?

Nhân dịp này, tôi xin gửi tới mọi người dân VN, các cựu chiến binh VN, những người từng tham gia chiến đấu, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến giành giật sự sống cho nhân dân Campuchia lời thăm hỏi, tri ân. Chúng tôi xin ghi ơn mãi mãi sự đóng góp xương máu của các cựu chiến binh - những người đã hy sinh tính mạng của mình vì sự sống, sự hồi sinh và phát triển của đất nước Campuchia ngày nay.

Bản thân tôi không thể nói hết ý nghĩa của hai tiếng “Việt Nam”, nhưng tôi có thể nói ngắn gọn lại thế này: Việt Nam là sự hồi sinh và phát triển của đất nước Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen tâm sự: “Khi 27 tuổi, tôi đã là Bộ trưởng Bộ ngoại giao; năm 33 tuổi trở thành thủ tướng và là thủ tướng trẻ nhất trên thế giới lúc nhậm chức. Qua đúc kết kinh nghiệm, cho thấy những người lãnh đạo cần giao nhiệm vụ cho giới trẻ. Đừng nghĩ, trẻ tuổi thì không làm được gì? Đây là một quan niệm sai lầm. Tôi làm thủ tướng đã được 27 năm nay nhưng tôi chưa bao giờ hỏi ai bao nhiêu tuổi khi giao nhiệm vụ cho họ”.

Minh Nam - Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.