Thời điểm để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy (*)

29/07/2015 04:55 GMT+7

Trong bối cảnh sau 30 năm đổi mới cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập nước; tiến tới Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết với tựa đề: "Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong bối cảnh sau 30 năm đổi mới cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm thành lập nước; tiến tới Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết với tựa đề: "Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: Ngọc Thắng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: Ngọc Thắng
Trong bài viết, Chủ tịch nước phân tích những thành tựu nổi bật trong 30 năm đổi mới, cũng như chỉ rõ những thách thức đặt ra từ nội tại đất nước, từ những tác động khách quan của tình hình thế giới hiện nay, đồng thời nhấn mạnh nhiều giải pháp cần thực hiện để có thể tận dụng được vận hội lớn trong phát triển đất nước.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng
Theo Chủ tịch nước, Đại hội lần thứ 12 của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, là đại hội đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN XHCN, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Đây là vận hội lớn của đất nước ta sau 30 năm đổi mới, là thời điểm để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; nỗ lực cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc; chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước”, Chủ tịch viết.
Theo Chủ tịch nước, nhà nước phải tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế thuận lợi, công khai, minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh bình đẳng; khắc phục những khiếm khuyết của thị trường; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sáng tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; định hướng phát triển và tạo đột phá ở một số ngành và vùng lãnh thổ. Các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường nhằm cung cấp những hàng hóa và dịch vụ công thực sự quan trọng.
Sự kết hợp hài hòa, hiệu quả vai trò của nhà nước và thị trường là yếu tố quan trọng để rút ngắn quá trình CNH, HĐH, hạn chế những rủi ro và chia sẻ các thành quả của quá trình này cho mọi tầng lớp trong xã hội.
 
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần là một giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - Ảnh:. Ngọc ThắngTạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần là một giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - Ảnh:. Ngọc Thắng
Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại
Bên cạnh chú trọng giải pháp đột phá phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến giải pháp cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc. “Chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy và cách thức tiến hành đổi mới bộ máy nhà nước để hướng tới có một nền quản trị quốc gia hiện đại”, Chủ tịch nước đặt yêu cầu.
Nền quản trị quốc gia hiện đại mà ông nói đến ở đây, bao gồm: Thứ nhất, đổi mới, hoàn thiện hệ thống thể chế luật pháp, cơ chế, chính sách, quy định theo những chuẩn mực quản trị hiện đại, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế;
Thứ hai, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp theo hướng thật sự tinh gọn; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan ở các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý ở các cấp; có cơ chế giám sát chặt chẽ, có hiệu quả thật sự và chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa nhằm phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, lợi ích nhóm; luật hóa sự tham gia của người dân trong phản biện chính sách, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng nhà nước có vai trò thúc đẩy và hỗ trợ phát triển, khuyến khích và nuôi dưỡng sáng tạo, có bộ máy hành chính hiện đại, hoạt động hiệu quả và luôn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thật sự là nhà nước của dân và vì dân; tách dịch vụ công khỏi hệ thống hành chính nhà nước, loại bỏ tính ỷ lại và cơ chế “xin - cho”;
Thứ ba, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức tinh gọn, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân;
Thứ tư, thúc đẩy xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền điện tử như là một công cụ hữu hiệu giúp tăng cường tính minh bạch và công bằng, ngăn ngừa tham nhũng cũng như nâng cao chất lượng của dịch vụ công, thực thi các giải pháp quản trị sáng tạo để phát triển các hình thức hợp tác công - tư trong đầu tư...
“Một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, khuyến khích và nuôi dưỡng sáng tạo là nền tảng thành công cho quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước ta trong điều kiện mới”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Kết thúc bài viết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ tin tưởng: “Đứng trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và quốc tế, với quyết tâm chính trị cao, thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, chúng ta nhất định sẽ tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, sớm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
(*) Tựa bài do Thanh Niên đặt. Xem toàn văn bài viết trên Thanh Niên Online (www.thanhnien.com.vn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.