‘Thế lực’ cây xanh

11/05/2015 06:11 GMT+7

Ít có địa phương nào trong cả nước mà cây xanh lại “có uy” như ở TP.Trà Vinh. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, không ít lần công trình đã vấp phải cây xanh. Lúc này, lãnh đạo tỉnh là những người ra phán quyết cuối cùng, và trong những phán quyết đó, ít khi nào “phe” cây xanh phải chịu thiệt thòi.

Ít có địa phương nào trong cả nước mà cây xanh lại “có uy” như ở TP.Trà Vinh. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, không ít lần công trình đã vấp phải cây xanh. Lúc này, lãnh đạo tỉnh là những người ra phán quyết cuối cùng, và trong những phán quyết đó, ít khi nào “phe” cây xanh phải chịu thiệt thòi.

Thành phố Trà Vinh nổi tiếng với hệ thống cây xanh dày đặc Thành phố Trà Vinh nổi tiếng với hệ thống cây xanh dày đặc - Ảnh: Tiến Trình

Nhiều nhân viên của Công ty TNHH MTV công trình đô thị Trà Vinh (Công ty cây xanh) vẫn còn nhớ đã không ít lần phải tranh luận gay gắt để giữ cho bằng được hàng cây cho thành phố. Như lần xây dựng bờ kè sông Long Bình, đoạn đi qua P.4. Lúc này cũng có ý kiến rất cương quyết phải chặt bỏ hàng cây dầu hơn 20 năm tuổi chạy dọc bờ sông. Thế nhưng, những người bảo vệ cây thì cương quyết phải giữ cây tới cùng. Thậm chí có cả những cuộc “đấu khẩu” giữa hai bên chặt và giữ cây. Sự việc lại được đưa lên lãnh đạo tỉnh. “Phe” chặt cây đành chấp nhận phán quyết cuối cùng là giữ cây.

Nhờ vậy mà mỗi khi đi dọc theo bờ kênh Long Bình, hàng dầu bên bờ sông vẫn vươn mình tỏa bóng mát. Cư dân Trà Vinh thường tự hào với những con đường rợp bóng cây xanh, nhưng ít ai biết những câu chuyện dài phía sau những người bảo vệ cây. 

Không ai dám đụng tới

Nhiều người dân ở Trà Vinh cho rằng lãnh đạo tỉnh thường hay ưu ái đến độ “thiên vị” cho… cây xanh. Đến mức, có một cây xanh nằm giữa cổng to đùng của một cơ quan nhà nước trên đường Lê Thánh Tôn và cơ quan này làm tờ trình xin chặt cây gửi cơ quan quản lý cây xanh, rồi công văn tới tay lãnh đạo tỉnh, những người giữ quyền quyết định vận mệnh của cây. Nhưng thật bất ngờ, lãnh đạo tỉnh ra quyết định… không cho chặt cây. Thế là cây xanh bình yên vô sự đứng áng trước cổng cơ quan này cho đến nay mà vẫn không ai dám đụng tới.

Hiện tại, trong “sổ bộ” của đơn vị quản lý cây xanh ở Trà Vinh, thành phố này có trên 20.000 cây xanh từ 5 - 10 tuổi đến trên 200 năm tuổi. “Để giữ được cây xanh như ngày nay là kết quả của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Trà Vinh”, ông Hồ Văn Trí, Giám đốc Công ty cây xanh nói. Sau ngày thống nhất đất nước, thống kê đô thị Trà Vinh còn trên dưới 1.200 cây sao trên 100 tuổi được trồng từ thời Pháp thuộc. Những cây xanh này sống bình yên trên những con phố, nếp nhà như những thành viên quen thuộc. Cho đến những năm khó khăn, nhiều người dân Trà Vinh thấy những hàng cây là… chất đốt dễ kiếm nhất. Nhiều cây xanh trăm tuổi trở thành nạn nhân của nạn róc vỏ cây để… làm củi. Ông Trí nhớ lại: “Lúc này anh Nguyễn Thái Bình (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Thấy vỏ cây xanh bị róc hàng loạt, anh đã lệnh cho công an, dân phòng mời các hộ dân phá cây lên làm việc. Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ cây xanh được đặt ra. Bắt đầu từ việc thống kê số cây xanh hiện có, vô “sổ bộ” và đánh số từng cây, mỗi cây xanh đều có nhật ký theo dõi… Từ khi có lệnh cấm, tuyệt nhiên không còn ai róc vỏ cây về làm củi”.

 “Thành phố trong rừng cổ thụ”

Một thời gian dài, việc trồng mới cây xanh trở thành chuyện thời sự ở đô thị Trà Vinh. Không có giống, tỉnh xin của các huyện mang đem về trồng. “Lúc đó mình đâu có lựa, có quy hoạch gì đâu. Anh em ở huyện cho cây gì thì mình trồng cây nấy. Từ những cây phù hợp với phố thị, đến những cây sau này mới thấy “trẹo”, thậm chí có những nơi trồng cả… tre”, ông Trí nhớ lại. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, trên các phố phường của Trà Vinh đã phủ xanh đủ loại cây. Bởi vậy nhiều người khi đến Trà Vinh đã dành cho đô thị này những mỹ từ như “thành phố trong rừng cổ thụ”, “thành phố xanh”, “thành phố công viên”...

Ở Trà Vinh, cây xanh không chỉ cho cảnh quan, che mát… mà trở nên quen thuộc, lưu giữ nhiều ký ức của người dân nơi đây. Tuy mỗi đường phố đều có tên, được cắm bảng tên đường hẳn hoi, nhưng người dân Trà Vinh lại có cách khác để nhớ tên đường. Ví dụ: đường Lê Thánh Tôn thì người ta gọi là đường Hàng Sao, đường 19 Tháng 5 thì gọi là đường Hàng Me, đường Nguyễn Thị Minh Khai thì gọi là đường Cây Dầu vì trên đường này ngày trước có cây dầu rất to. “Sau đó cây dầu bị tai nạn giao thông, xe đâm vào nên chết, nhưng giờ người ta vẫn nhớ nó”, ông Bảy Trạc, người dân cố cựu ở Trà Vình kể lại.

“Bảo vệ cây xanh, không có nghĩa là không đụng tới cây”, một nhân viên Công ty cây xanh nói. Tuy nhiên, theo quy chế quản lý cây xanh, mỗi khi “đụng chạm” đến cây xanh đô thị ở Trà Vinh là cả chuyện nhiêu khê. Những cây chết già, hay mục ruỗng phải khai tử thì báo cáo lên UBND tỉnh. Mọi quyết định đến vận mệnh của cây xanh đều phải có ý kiến cuối cùng của Chủ tịch UBND tỉnh. Hồi đầu tháng 4, để di dời một cây sao không số nằm trước cổng chính của doanh trại thuộc công an tỉnh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đơn vị này đã phải làm kiến nghị gửi Công ty cây xanh, UBND TP.Trà Vinh để các đơn vị này làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương cho dời và 2 ngày sau, UBND tỉnh có văn bản cho di dời cây xanh “ngoài luồng” này. “Cũng có những trường hợp mình phải di dời, thay mới cây, nhưng mọi bước đi đều rất thận trọng”, ông Trí nói.

Tỉnh Trà Vinh có dự án cải tạo cây xanh đô thị, cụ thể phải thay đổi số cây diết, là hậu quả của thời gian “huyện cho cây gì trồng cây nấy”, trên đường Điện Biên Phủ - Kim Thị Nhẫn. Trước khi dự án triển khai, địa phương đã tổ chức họp dân và xin ý kiến về việc thay thế này. Khi dân đồng ý cho thay đổi, cơ quan chức năng mới đưa ra danh sách những cây phù hợp để trồng mới cho người dân chọn lựa. Khi dân quyết định trồng cây gì sẽ trồng cây ấy. “Giữ cây, ngoài ý chí của lãnh đạo tỉnh thì còn phải được sự đồng thuận của người dân. Mình trồng cây mà dân không chịu thì người ta cũng lén làm cho chết”, ông Trí nói.

Ở Trà Vinh, không hiếm những trường hợp phạt rất nặng những người xâm phạm đến cây xanh, kèm theo đó là buộc phải trồng mới cây, trả lại hiện trạng. Chưa kể những trường hợp cây xanh là nạn nhân của… tai nạn giao thông (lái xe tông vào cây), thì cũng có những người bảo vệ quyền lợi của cây xanh buộc người gây tai nạn bồi thường, khắc phục hậu quả đã gây ra cho cây.

Sợ đụng tới rễ cây

Công trình thoát nước trên đường Nguyễn Thái Học phải làm giữa lộ để né cây xanh Công trình thoát nước trên đường Nguyễn Thái Học phải làm giữa lộ để né cây xanh - Ảnh: Tiến Trình

Hôm gặp chúng tôi, ông Giám đốc Công ty cây xanh Trà Vinh thoáng chút áy náy với cái bắt tay vội: “Thông cảm nhé. Anh em đang thi công hệ thống cấp thoát nước trên đường Nguyễn Thái Học, sợ đụng tới rễ cây nên tôi phải tận mắt ra coi thế nào”. Trước đó, công trình cấp thoát nước trên tuyến đường này đã gặp phải vấn đề khi “đụng tới” hàng sao trên dưới 50 năm tuổi. Như thường lệ, “phe cây xanh” thắng thế. Công trình thoát nước đi qua đường Nguyễn Thái Học phải thi công ở giữa lộ. Thế nhưng cũng chưa yên. Lúc thi công, đơn vị thi công thỉnh thoảng lại gặp phải rễ cây dang ra lộ, thế là phải ngưng thi công để chờ xin ý kiến của đơn vị quản lý cây.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.