Thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI: Vì mục tiêu phát triển bền vững

14/01/2011 02:26 GMT+7

* Nhà nước không “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp * Phát huy những nguồn lực tiềm năng * Cần tiếp tục bồi dưỡng thế hệ trẻ

Nhà nước không “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp

Sáng 13.1.2011, Đại hội tiếp tục làm việc tại các đoàn đại biểu, thảo luận các văn kiện Đại hội XI. Chiều 13.1 tại phiên thảo luận hội trường, đại diện các ngành, địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đặt ra trong Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011 - 2020.

Không để DNNN cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu trong phiên thảo luận tổ - ảnh: Lưu Quang Phổ

Để thực hiện “chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế” đề ra trong dự thảo Chiến lược Phát triển KTXH 2011 - 2020, ngoài việc đồng tình với các giải pháp mang tính đột phá nêu rõ trong Chiến lược, TP.HCM đề xuất thêm 5 giải pháp đảm bảo thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là phải đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường.

Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang thảo luận tại đoàn - ảnh: TTXVN

Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua, Nhà nước cần sớm xây dựng đạo luật về kế hoạch hóa, trong đó xác định rõ nội dung làm gì, làm cách nào, vào lúc nào và ai làm đối với từng cấp chính quyền có đặc điểm khác nhau (đô thị, nông thôn…). Đáng chú ý, ông Đua cho rằng: “Trong chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cần thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước sử dụng các chính sách, biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của Nhà nước. Chính thị trường sẽ tác động vào sự định hướng đầu tư của doanh nghiệp (trên cơ sở quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh), chứ Nhà nước không cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp”. Trên cơ sở đó, sẽ xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc sử dụng các công cụ hỗ trợ thị trường. 

Vấn đề sở hữu từ thực tiễn 20 năm đổi mới

Cơ sở thực tiễn 20 năm đổi mới ở Việt Nam đã khẳng định cần xây dựng một quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất tiên tiến là quan hệ sản xuất đan xen đa sở hữu có công hữu, có tư hữu, có tư nhân, có tất cả các thành phần kinh tế... Tôi mong cương lĩnh đại hội xác nhận lại điều đó. Đó là điều 20 năm đổi mới của đất nước chúng ta đã tổng kết và rút ra.

Bởi lẽ, bản chất của xã hội chủ nghĩa không phải là sở hữu, nếu chúng ta đi vào bản chất xã hội là sở hữu thì chúng ta đi vào vết xe đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây. Tôi xin khẳng định rằng trong nền kinh tế của chúng ta thì kinh tế nhà nước bao gồm đất đai, ngân sách giữ vai trò chủ đạo chứ không phải doanh nghiệp nhà nước, không phải công hữu là chủ đạo.

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc

Để làm được điều đó, ông Đua cho rằng vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chính là “tái cấu trúc” lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại hàng hóa và dịch vụ công cộng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, có những lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước như cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng; các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, đầu tư cho thị trường bất động sản sơ cấp…

Bên cạnh ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Đua cũng đề nghị “phải đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng: nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ như tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp nhiệm vụ do Trung ương thực hiện với nhiệm vụ được giao cho địa phương thực hiện và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau…, nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động”.

Cần chiến lược phát triển kinh tế tri thức tầm quốc gia 

Ngăn chặn, xử nghiêm biểu hiện vi phạm quyền dân chủ

Tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có nội dung Đảng cần tăng cường lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền chăm lo phát huy và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân theo pháp luật, tăng cường đồng thuận xã hội. Đồng thời, ngăn chặn xử lý nghiêm minh những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. “Trước yêu cầu đổi mới, chỉ có mở rộng dân chủ XHCN thực sự mới có đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự, bền vững. Cần thực hiện dân chủ và đoàn kết từ trong Đảng ra toàn xã hội; thực hiện thật tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

Đại diện TP Hà Nội trình bày tham luận tại ĐH, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, bên cạnh những thành công nổi bật, mô hình tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đang áp dụng đã bộc lộ những bất cập, không đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới khi bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã thay đổi sâu sắc. “Tiếp tục mô hình đó, đất nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường, phải hy sinh các cơ sở tăng trưởng dài hạn, nghĩa là dành lại phần rủi ro cho các thế hệ tương lai, cho con cháu chúng ta. Và nguy hiểm hơn, sự tiếp tục đó không cho phép Việt Nam thành công trong cạnh tranh và hội nhập vào mạng lưới phát triển toàn cầu, đẩy nền kinh tế tụt hậu và tụt hậu xa hơn”, ông Khanh nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Khanh, Hà Nội tán thành tuyệt đối quan điểm thay đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững, dựa vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ hiện đại, nêu rõ trong Chiến lược phát triển KTXH 10 năm tới. Theo đó, TP đề xuất 7 giải pháp chiến lược để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức một cách hiệu quả mà trước tiên là cần “khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia, coi đây là “trục” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và TP.HCM, coi đây là mẫu hình, là đầu tàu phát triển khoa học - công nghệ - công nghiệp của cả nước.

Giải pháp đáng chú ý khác, theo ông Vũ Hồng Khanh là: “Lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học - công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích họ xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo kênh để từ đó, tri thức công nghệ lan tỏa rộng rãi ra toàn bộ nền kinh tế”. 

Bảo vệ môi trường thời gian tới có ý nghĩa sống còn

Trong phần tham luận, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đề xuất 8 giải pháp, trong đó có giải pháp chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về bao cấp, xin - cho, nặng về kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng tầm đóng góp của ngành TN và MT trong nền kinh tế quốc dân; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và kết quả thanh kiểm tra cần được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Đồng thời với đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trước dự báo của các chuyên gia về mối nguy biến đổi khí hậu và nước biển dâng (nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển bị ngập hằng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh ĐBSCL bị ngập hầu như hoàn toàn; TP.HCM sẽ bị ngập khoảng 20%; khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất GDP khoảng 10%), Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị: “Cần sớm xây dựng Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, theo hướng thích ứng để sống chung với biến đổi khí hậu”.

L.Q.P (ghi)

 
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới vững bước tiến lên

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang - ảnh: TTXVN

Sáng 12.1, tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Thanh Niên trân trọng trích đăng như sau:

…Nhiệm kỳ qua, tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sớm cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng; kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp, giải quyết có kết quả nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; nền kinh tế tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng có chuyển biến tiến bộ.

Đạt được những kết quả trên có nguyên nhân quan trọng là do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc theo chương trình và quy chế hoạt động, nhạy bén trước những diễn biến mới của tình hình.

Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn một số mặt thiếu sót, khuyết điểm: Công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo có mặt còn yếu; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội còn chậm; nền kinh tế còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thấp; các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa còn nhiều yếu kém; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa vững chắc, đời sống của nhân dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng bị thiên tai chậm được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo chưa được thu hẹp; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đã đề ra. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên một số mặt kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng và đất nước trước tình hình mới.

Những thiếu sót, khuyết điểm trên có nguyên nhân do việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và phong cách làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn hạn chế; việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chưa tập trung, quyết liệt; trách nhiệm cá nhân trên một số lĩnh vực chưa rõ...

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước toàn Đảng về những khuyết điểm, thiếu sót nói trên.

...Ban Chấp hành Trung ương khóa X tin tưởng chắc chắn rằng những ưu điểm, kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua sẽ được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI kế thừa và phát triển, đồng thời cũng sẽ khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục lãnh đạo đưa sự nghiệp đổi mới đất nước vững bước tiến lên trong những năm tới, xứng đáng với sự tin cậy và giao phó của toàn Đảng, toàn dân ta.

Phát huy những nguồn lực tiềm năng

Bất động sản cũng là nguồn lực để đột phá hạ tầng

Để chuẩn bị nguồn lực “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” như nội dung trong 3 khâu đột phá được xác định tại văn kiện ĐH XI, vốn ngân sách là quan trọng, vì đã coi đó là khâu đột phá thì phải ưu tiên vốn cho hạ tầng. Thế nhưng, ngân sách quốc gia sẽ không chịu đựng nổi vì đầu tư cho hạ tầng cần nguồn vốn khổng lồ. Do đó, chúng ta cần huy động thêm nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. VN hiện đã bước qua ngưỡng thu nhập 1.000 USD/người/năm nên sắp tới vay ODA sẽ giảm, vì vậy phải tìm thêm nguồn của các ngân hàng tái thiết, lãi suất cao hơn vay ODA nhưng vẫn thấp hơn ngân hàng thương mại. Kênh tiếp theo là xã hội hóa nguồn lực, Nhà nước và doanh nghiệp cùng bỏ nguồn lực, như BT, BOT, công tư hợp doanh (PPP). Hàng loạt công trình lớn hiện đang chuẩn bị thử nghiệm hình thức PPP.

Còn một nguồn lực khác là thị trường bất động sản. Khi đầu tư mới hạ tầng, giá trị đất có thể tăng lên hàng chục lần nhưng vấn đề phải làm thế nào để giá trị thặng dư đó đổ vào hạ tầng chứ không thể lọt vào tay cá nhân nào đó. Cùng với đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực cao để khi có vốn rồi, có thể triển khai tốt các dự án.

(Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng)

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng để chấn hưng đất nước

Xuyên suốt nội dung toàn bộ văn kiện lần này là đã đến lúc đất nước chúng ta phát triển phải dựa vào con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh phát triển dựa vào tài nguyên, lao động.

Tôi mong muốn Đảng thể chế hóa toàn bộ thể chế, chính sách và các giải pháp lớn để biến tư tưởng xuyên suốt của Đại hội là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân... Đây là cách tốt nhất, bền vững nhất để chấn hưng đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều biến đổi khôn lường, bảo đảm thắng lợi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh hội nhập, hợp tác, phát triển quan hệ quốc tế.

(GS-TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội)

Bảo Cầm (ghi)

Cần tiếp tục bồi dưỡng thế hệ trẻ

Anh Võ Văn Thưởng - ảnh: L.Q.P

Dự kiến, tại Đại hội lần này, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng sẽ có bài tham luận về công tác Đảng với phong trào thanh niên. Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Thưởng cho biết:

Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội XI khẳng định rất rõ sự quan tâm của Đảng đến công tác thanh niên, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, bồi dưỡng và giáo dục thanh niên để tuổi trẻ VN được đóng góp và khẳng định trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự khẳng định đó phù hợp với nguyện vọng của tuổi trẻ. Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước từ nay đến năm 2020 mà Dự thảo báo cáo đề ra cũng liên quan đến việc bồi dưỡng và sử dụng thanh niên.

Anh có mong muốn và kiến nghị gì với Đảng về công tác thanh niên, và tương ứng, tổ chức Đoàn phải làm gì trong thời gian tới?

Chúng tôi mong Đảng tiếp tục quan tâm, lãnh đạo Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để làm tốt bốn nhiệm vụ. Một là, phải tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, truyền thống, lối sống để tạo nên các lớp thanh niên có đạo đức, có trí tuệ để thực hiện lý tưởng XHCN.

Thứ hai, cần quan tâm cho việc học tập, làm việc, vui chơi giải trí của thanh niên để góp phần hình thành các thế hệ thanh niên tiên tiến trong từng lĩnh vực như các cán bộ quản lý trẻ giỏi, các doanh nhân trẻ giỏi, các sĩ quan trẻ giỏi, các thanh niên nông thôn trẻ giỏi, các công nhân trẻ giỏi để làm nòng cốt, lôi kéo đông đảo thanh niên thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.

Ba là, phải lãnh đạo Đoàn trong việc tổ chức tốt phong trào 5 xung kích xây dựng bảo vệ Tổ quốc, hình thành các cơ chế chính sách, đặc biệt là các chính sách để thanh niên tình nguyện, xung phong đến với các vùng sâu vùng xa để xây dựng các vùng kinh tế mới, các đảo thanh niên, các làng thanh niên lập nghiệp.

Bốn là, cần tiếp tục coi việc xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng. Như vậy, Đoàn cũng phải giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú, các cán bộ trẻ, có năng lực, có đạo đức, có trí tuệ, dám nghĩ dám làm để bổ sung nguồn lực và sức chiến đấu cho Đảng.

Anh nhận định thế nào về công tác sử dụng cán bộ trẻ trong tình hình hiện nay?

Tư tưởng về việc tăng cường cán bộ trẻ ở các cấp đã được Đảng quán triệt từ lâu. Mới đây, Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khẳng định một quan điểm rất quan trọng là tạo ra sự đột phá về bố trí cán bộ trẻ từ cơ sở đến trung ương. Tại Chỉ thị 37, Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải tăng tỷ lệ cán bộ trẻ trong các cấp ủy. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng và tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy cũng như ở các vị trí công tác khác nhau vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Theo anh, nguyên nhân này bắt nguồn từ đâu và làm thế nào để khắc phục?

Có nhiều nguyên nhân, một mặt do tuổi trẻ chưa thực sự nỗ lực phấn đấu nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ. Mặt khác, cũng có thể cán bộ trẻ chưa được tạo điều kiện, chưa được giao nhiệm vụ để rèn luyện. Để khắc phục, Đoàn sẽ phải quan tâm hơn đến việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, sao cho mỗi cán bộ Đoàn, mỗi cán bộ trẻ phải học tập rèn luyện để có đạo đức để làm gương, có trí tuệ để nhận biết, có quyết tâm để thực hiện, có dũng cảm để dấn thân vào các nhiệm vụ khó khăn. Khi đó, tôi tin là các cấp ủy đảng sẽ quan tâm đến thế hệ trẻ và thế hệ trẻ cũng đáp ứng được kỳ vọng của các thế hệ đi trước.

Lưu Quang Phổ (thực hiện)

 

Nguyệt Minh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.