Thảm họa rình rập

04/04/2011 02:26 GMT+7

Do công tác cấp phép, quản lý hệ thống các mỏ đá còn lỏng lẻo, cộng với việc các chủ mỏ chủ yếu khai thác theo phương pháp thủ công, thiếu các phương tiện bảo hộ lao động (LĐ), nên hằng năm nghề khai thác đá đã cướp đi nhiều mạng sống của người LĐ, mà vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) chỉ là ví dụ đau thương mới nhất.

>> Sập mỏ đá, 18 người chết


Khai thác đá không đúng quy định tại mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An) đã dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc - Ảnh: K.Hoan

Xin cấp phép mỏ đá để... bán

Theo ông Lê Quang Huy, cán bộ phụ trách Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An, mỏ đá Lèn Cờ được gia hạn cấp phép khai thác đến tháng 8.2011. Doanh nghiệp (DN) được cấp phép là Công ty TNHH Chín Mến, có trụ sở tại địa phương do ông Phan Công Chín làm giám đốc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì ông Chín không đứng ra khai thác mà cho một số người thầu lại. Những người này không hề có chuyên môn cũng như không nắm rõ quy trình khai thác đá. Người dân cũng cho biết mỏ đá này đã từng có vài ba lần sập nhưng xảy ra vào ban đêm nên không gây ra tai nạn.  

Ông Phan Văn Tuyên, Phó chủ tịch UBND H.Yên Thành hôm qua cho biết, mỏ đá Lèn Cờ vừa được kiểm tra vào giữa tháng 3.2011 và Công ty TNHH Chín Mến bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng vì lỗi vi phạm không có bảo hộ LĐ và hợp đồng cho người LĐ. “Thẩm quyền cấp huyện chỉ được kiểm tra về hồ sơ, an toàn LĐ, vệ sinh môi trường... Còn về quy trình khai thác đá thì chịu. Thậm chí nếu phát hiện sai phạm thì huyện cũng không có thẩm quyền đình chỉ khai thác”, ông Tuyên nói.  

Đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng

Lúc 11 giờ 30 sáng qua, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy và đưa thi thể anh Nguyễn Thọ Hoàng (21 tuổi) ra khỏi hiện trường vụ sập mỏ. Anh Hoàng là nạn nhân thứ 18 và là nạn nhân cuối cùng của vụ sập mỏ đá Lèn Cờ đã được tìm thấy. 

Thượng tá Đào Hồng Lập, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, chiều qua cho biết, cơ quan này đang tiếp tục điều tra theo hướng vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi có đủ hồ sơ, sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Phó chủ tịch UBND H.Yên Thành, Phan Văn Tuyên cho biết, đã quyết định tạm đình chỉ khai thác mỏ đá Lèn Cờ để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra làm rõ các sai phạm.

Khánh Hoan

Theo ông Lê Quang Huy, ở Nghệ An đang có hơn 50 mỏ đá xây dựng đã được cấp phép khai thác. Về quản lý các mỏ đá hiện có nhiều ngành: Sở LĐ-TB-XH, Sở Xây dựng, Công thương và các địa phương… Tuy nhiên công tác quản lý, kiểm tra hiện gặp khó khăn do lực lượng quá mỏng.  

Tại Thanh Hóa, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 300 cơ sở khai thác, chế biến đá, trong đó tập trung ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Bỉm Sơn..., thu hút gần 2 vạn LĐ. Hầu hết các DN khai thác đá trên địa bàn Thanh Hóa đều thuộc loại DN vừa và nhỏ, chủ yếu theo mô hình tổ hợp tư nhân, vốn đầu tư ít, công nghệ, thiết bị lạc hậu, khai thác thủ công.

Báo động đỏ

Một thợ chuyên khoan đá để đặt mìn tại khu vực núi Nấp, xã Đông Phú, H.Đông Sơn (Thanh Hóa) tâm sự: “Làm nghề khai thác đá nguy hiểm lắm, chẳng biết sống chết lúc nào, nhưng vì miếng cơm manh áo, chúng tôi đành phải chấp nhận thôi”. Được biết, để có thể khoan, nhồi thuốc nổ mìn phá đá, mỗi ngày những người thợ này phải treo mình trên vách núi 7 - 8 giờ đồng hồ với chỉ một sợi dây thừng buộc vào chiếc đai sau lưng áo. Vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng trung bình mỗi tháng (nếu làm đủ ngày) họ cũng chỉ kiếm được từ 2 - 2,3 triệu đồng.

Ở các mỏ đá, có rất đông những phụ nữ làm các công việc như khuân, vác đá lên xe ngay dưới chân các mỏ đá. Hầu hết số LĐ này đều chỉ được thuê theo ngày, không ký hợp đồng, không bảo hiểm. Đây là những đối tượng thường xuyên phải đối mặt với tử thần.     

Ông Phạm Trung Thông, Trưởng phòng Thanh tra an toàn LĐ (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Nhà nước đã có những quy định nghiêm ngặt về quy trình khai thác, đảm bảo an toàn LĐ tại các mỏ đá. Tuy nhiên, theo ông Thông, việc thực hiện các quy định này trên thực tế còn chưa được nghiêm túc, thậm chí có nơi còn buông lỏng, nguy cơ tai nạn xảy ra rất cao. “Nguy cơ mất an toàn đã và đang ở mức báo động đỏ”, ông Thông cảnh báo.

Theo ông Thông, để đảm bảo an toàn trong khai thác đá, việc tuân thủ quy định khai thác cắt tầng, trong đó nếu khai thác thủ công thì các tầng không cao quá 6m là một trong những yếu tố then chốt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít mỏ đá áp dụng kỹ thuật khai thác này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, trong đó có một thực tế là đơn vị khai thác chỉ được cấp một diện tích mỏ khiêm tốn và thời hạn khai thác chỉ là 2 - 3 năm, khiến DN chọn cách làm “ăn xổi” để thu lợi nhiều nhất và nhanh nhất.

“Rất nhiều các mỏ đá đang khai thác theo phương thức máng dốc, tự chảy. Đây là cách khai thác rất mất an toàn nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn và đầu tư ít hơn so với khai thác cắt tầng. Phần lớn đơn vị khai thác đá là DN nhỏ lẻ, HTX… nên họ mạo hiểm chọn khai thác máng dốc tự chảy, bằng cách tạo ra các hàm ếch với độ cao nhiều khi lên đến 20 - 30m, trông qua đã thấy rất nguy hiểm nhưng lại tiêu tốn ít thuốc nổ, ít nhân công hơn mà thu được nhiều đá hơn”, ông Thông nói.

Những vụ sập mỏ đá làm chết nhiều người

* Ngày 15.12.2007, mỏ đá D3 phục vụ cho công trình thủy điện Bản Vẽ (H.Tương Dương, Nghệ An) bất ngờ đổ sập làm 18 công nhân và kỹ sư thiệt mạng. Tiếp đó, ngày 27.12.2007, sập mỏ đá Rú Mốc (xã Thạch Bàn, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) khiến 7 người chết và 1 người bị thương.

* Ngày 13.10.2010, tại khu vực chân núi Vức, xã Đông Vinh, H.Đông Sơn (Thanh Hóa) đá rơi đã làm anh Lê Đình Cảnh và Lê Đình Quảng chết, một người khác bị thương.

* Ngày 20.10.2010, tại mỏ đá ở xã Cẩm Sơn, H.Cẩm Thủy (Thanh Hóa), một khối đất đá lớn hàng nghìn tấn từ trên vách núi sạt lở xuống chiếc máy xúc do anh Lê Văn Tuấn (SN 1990), ngụ tại tổ 8, thị trấn Cẩm Thủy điều khiển, khiến chiếc máy xúc bẹp dúm, anh Tuấn chết ngay trong buồng lái của chiếc xe. Đá rơi cũng đã đè chết một LĐ khác là anh Bùi Văn Thuận (SN 1975), trú tại xã Cẩm Phong, H.Cẩm Thủy và làm 2 LĐ khác bị thương nặng.

Đâu là nguyên nhân?

Trước đây, Thanh Niên từng có bài viết báo động về thực trạng khai thác đá bừa bãi gây nên nhiều vụ sập núi đá kinh hoàng. Thế nhưng thực trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Tác giả bài viết sau đây, nguyên là một kỹ sư địa chất, từng công tác trong ngành khai thác đá, cho thấy rõ nguyên nhân của vấn nạn. 

Khai thác đá là một hoạt động khai thác mỏ. Nó đòi hỏi phải có bản thiết kế mỏ và khai thác theo đúng bản thiết kế. Việc này nhằm các mục đích sau đây: Tránh xảy ra tình trạng trữ lượng đá còn lớn nhưng không thể khai thác được vì không có đường vào các vỉa đá; Nâng cao hiệu suất khai thác mỏ đá; Tránh việc sụp đổ các vỉa đá gây ra tai nạn thảm khốc.

Khai thác theo thiết kế như thế, đá sẽ được bóc dần theo từng tầng, rất an toàn và thuận lợi cho người khai thác, không lãng phí tài nguyên. Nhưng nó đòi hỏi sự đầu tư ban đầu khá lớn để làm đường, mở vỉa, tạo tầng. Mặt khác, việc khai thác phải được thống nhất trên toàn bộ một khu mỏ rộng lớn. Tuy nhiên do thực trạng các mỏ đá hiện nay thường bị chia nhỏ cho các đơn vị khai thác, nên xảy ra tình trạng “khoét đá”. Nhiều mỏ đá sau một thời gian khai thác kiểu như thế, hình thành những vách đá dựng đứng có khi cao mấy chục mét.

Đánh mìn giúp cho công việc khai thác đá thuận lợi nhưng đồng thời phát sinh một hậu quả khác. Đó là, sau nhiều lần nổ, núi đá bị chấn động nên rạn nứt, hình thành những mảng rời khổng lồ. Nếu khai thác theo kiểu khoét núi, các mảng đá bị rạn nứt đó sẽ ở thế treo lơ lửng trên đầu người làm việc bên dưới vách đá. Cho đến khi các vết rạn đủ lớn, thì chỉ cần một tác động nhỏ là những khối đá khổng lồ có thể đổ ập xuống bên dưới. Đó chính là nguyên nhân gây nên các thảm họa chết người hàng loạt trong các mỏ đá của chúng ta vừa qua.

Vậy phải làm gì để phòng chống? Chúng tôi cho rằng, muốn tránh hoàn toàn các vụ sụp núi đá kinh hoàng như thế này, thì chỉ có nước đóng cửa toàn bộ các mỏ đá đang khai thác theo kiểu khoét núi như hiện nay. Nhưng điều này không khả thi. Chúng ta chỉ có thể kiên quyết từ nay trở đi không cấp phép theo kiểu xé lẻ đối với các mỏ đá mới phát hiện mà thôi.

Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị phải có ngay một dự án nghiên cứu để hạn chế thảm họa sụp núi đá. Có thể vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc kiểm tra các vết rạn nứt trong vách đá, quy định về khoảng cách an toàn từ chân núi đến nơi các công nhân làm việc…

Trần Đình Giàu

Khánh Hoan - Ngọc Minh - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.