Tết đoàn tụ đầu tiên của ‘thánh phượt’ Vừ Già Pó

19/02/2015 10:32 GMT+7

(TNO) Vừ Già Pó vẫn cao, to, duy nước da đen hơn hồi mới từ Pakistan về. Anh vẫn mê thuốc lào và “say” vợ. Tròn 9 tháng kể từ ngày Vừ Giá Pó, ở thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang từ Pakistan về đoàn tụ cùng gia đình.

(TNO) Vừ Già Pó vẫn cao, to, duy nước da đen hơn hồi mới từ Pakistan về. Anh vẫn mê thuốc lào và “say” vợ. Tròn 9 tháng kể từ ngày Vừ Giá Pó, ở thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang từ Pakistan về đoàn tụ cùng gia đình.

Đây là cái Tết đáng nhớ trong cuộc đời anh khi lần đầu tiên sau hơn 2 năm tha hương, Pó được ngắm hoa đào, hoa mận nở trắng xóa dịp xuân về. Đặc biệt nhất, đứa con thứ 6 của hai vợ chồng sắp chào đời trên cao nguyên đá.
Thanh-phuotCon đường dẫn vào nhà Vừ Già Pó hai bên là núi đá tai mèo
“Tháo vòng một cái, có con luôn”
Rảnh tay, Vừ Già Pó cầm chiếc điếu cày đưa lên miệng rít sòng sọc, khói trắng lờ mờ trong gian nhà bằng gỗ. Nhà thấp, chỉ có 2 cửa, ánh sáng không lọt được nhiều vào bên trong, chiếc bếp củi giữa nhà lúc nào cũng đỏ lửa.
Vừ Mí Súa, con trai áp út của Vừ Già Pó để lên đó một ấm nước. Nước sôi lần lâu lần mới, Vừ Già Pó vẫn ngồi với điếu cày và kể lại chuyện lưu lạc 5.800 km sang tận Pakistan.
Bình thản và dịu dàng, Ly Thị Lía, vợ Vừ Già Pó ngồi bên cạnh chồng, thi thoảng nói xen vài câu tiếng Mông, nhìn chồng âu yếm.
Thanh-phuotVợ chồng Vừ Già Pó đi đâu cũng có nhau
Pó cười sảng khoái khi có người hỏi về cái bụng mỗi ngày một to lên của Lía. “7 tháng rồi á. Không biết con trai hay con gái á. Hồi tôi đi sang Pakistan, nó tưởng tôi chết rồi nên “tháo vòng” ra. Sau tôi về thì có thai luôn”, Pó cười sung sướng. Lía cười tủm tỉm.
Pó năm nay 38 tuổi, vợ 35 tuổi. 5 đứa con của Pó và Lía đều đã lớn khôn cả. Mỗi đứa cách nhau chằn chặn 2 tuổi. Vừ Thị Chúa 18 tuổi lấy chồng ở xóm bên, đã có 2 cháu nhỏ. Con gái thứ Vừ Thị Hờ 16 tuổi, 3 con trai Vừ Mí Súa 14 tuổi, Vừ Mí Chạ 12 tuổi, Vừ Mí Vư 10 tuổi.
Từ ngày về lại Mèo Vạc, mỗi khi có ai đó nhắc đến hai chữ Trung Quốc, Pó lại giãy nảy lên: “Không sang đâu. Ở nhà với vợ thôi. Bố mẹ đã chết cả rồi. Có trả bao nhiêu tiền cũng không sang đâu”.
Pó kể, đi trồng thông trên rừng ở Trung Quốc 1 tháng chỉ được ăn thịt đúng một lần, bị đánh đập đau đớn suốt ngày.
Anh và 5 người khác trốn chạy, trong đó có em vợ của Pó là Ly Mí Na, nhưng lạc mất nhau. 2 tháng trước, Na đã trở về Khâu Vai. Còn một người đàn ông tên Vàng Mí Mua vẫn chưa thấy tung tích đâu.
Thanh-phuotNgôi nhà của vợ chồng Vừ Già Pó
Thanh-phuotVợ chồng Vừ Già Pó kể chuyện với khách
Vợ Vừ Già Pó đang có bầu tháng thứ 7
Mua được xe máy đi chợ Tết
Về đến Khâu Vai, Pó có 2 ngày chỉ để ngồi uống rượu, hút thuốc lào với họ hàng, nói chuyện với các nhà báo theo Pó về từ Hà Nội. Sau đó thì phát rẫy, trồng ngô, làm chuồng trại nuôi ngan, gà, sửa sang lại mái nhà cho vợ con.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nông Văn Ngay, Phó chủ tịch UBND xã Khâu Vai cho biết hiện nay số người dân từ Khâu Vai sang Trung Quốc làm thuê còn rất ít. Tết này họ cũng đã về đủ, đoàn tụ với gia đình.
Vì ở sát biên giới nên một số người chỉ tranh thủ đi vài tuần, vài tháng lúc nông nhàn rồi về luôn.
"Từ ngày Pó về, anh ấy trở thành "diễn giả" trong các cuộc họp ở huyện và xã, tuyên truyền cho bà con cả huyện Mèo Vạc không nên tự ý sang lao động ở Trung Quốc, sang đó là đối diện với hiểm nguy, chưa làm được tiền nhưng có khi đã bỏ mạng. Bà con Khâu Vai và các xã khác rất đồng tình với Pó", ông Nông Văn Ngay nói.
Pó trồng 15 kg hạt giống ngô, từ xưa vẫn thế, dư dả không có nhưng đủ ăn. Trồng thêm bí đỏ, nuôi ít ngan, gà ở sát nhà, thêm 1 con bò.
Trước đây để có tiền làm thủ tục cho Pó về nước, Lía bán 3 con bò, vay mượn tiền con gái lớn, họ hàng, giờ vẫn còn nợ con gái lớn một ít tiền, vừa làm vừa trả.
Ai thuê gì Pó cũng làm, từ xây nhà, làm đường. Mấy tháng vừa rồi, nhờ đi làm đường nối các xóm trong xã, Pó được trả công hơn 11 triệu đồng, anh dồn cả vào mua một chiếc xe máy.
Thế là Lía có muốn đi chợ Mèo Vạc, đi ăn cỗ ở đâu xa xa một chút, anh có thể chở đi. Đôi vợ chồng sắp có 6 mặt con vẫn tình cảm lắm. Đi đâu cũng có nhau.
3 cậu con trai của Pó, cậu học lớp 7, cậu lớp 6, cậu lớp 4. Cả 3 đều giống bố như đúc. Đặc biệt là Vừ Mí Súa, cậu cả. Đôi mắt Súa đen láy, đôi chân nhanh nhẹn, nói chuyện tự tin, vui vẻ. Pó bảo sẽ cố gắng làm lụng để cho các con khôn lớn, đi học đến khi nào không học được nữa thì thôi. Nhưng tuyệt đối, Pó không đi đâu ngoài Mèo Vạc.
Tết này nhà Pó không có lợn để thịt mời bạn bè, anh em, anh chỉ thịt con gà, nấu mèn mén, uống rượu. Nhìn thấy vợ có cái bụng to và các con khôn lớn, đã thấy no và “say”.
Thanh-phuotVợ chồng anh Pó chào tiễn khách
Mấy hôm nay, Vừ Mí Súa gọi điện cho chúng tôi, bảo nhà cháu đã ăn Tết xong rồi. Mấy bố con đang lên nương, chuẩn bị trồng ngô.
Mưa xuân xuống, những hạt ngô được tra trên hốc đất của miền đá tai mèo sẽ nảy ra, vươn lên những mầm xanh, vững chãi giữa bao la sương muối.
Nhà Pó chưa biết đặt tên thành viên thứ 7 là gì. Nhưng như Pó bảo, nó sẽ là cái tên tiếng Kinh có nghĩa là đoàn tụ, sung sướng, hạnh phúc.
Vừ Già Pó sinh năm 1977, năm 2012 sang Trung Quốc làm thuê nhưng bị đánh đập nên trốn chạy qua Myanmar, vượt dãy Himalaya, qua Ấn Độ, Pakistan. Anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được khi đang ở biên giới từ phía bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ.
Pó được nhân viên Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, các phóng viên, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan giúp đỡ xác định danh tính, đưa về nước an toàn ngày 11.5.2014, sau 2 năm 3 tháng xa nhà, vượt 5.800 km.
Một người đàn ông dân tộc Mông, không ngoại ngữ, không tiền, không hộ chiếu, chỉ duy nhất một bộ quần áo và đôi dép cứ nhắm thẳng hướng mặt trời lặn đi với niềm tin sắt đá là sắp về đến Khâu Vai nhà mình đã gặp được những người tốt bụng suốt hành trình, cho anh cơm ăn, nước uống… làm nên một hành trình kỳ tích.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.