Tấn công tội phạm nông thôn - Kỳ 6: Trộm mê két sắt, chê xe máy, ti vi...

28/07/2015 06:53 GMT+7

Thời gian gần đây, trên địa bàn hai tỉnh Bình Định, Phú Yên liên tục xảy ra các vụ trộm đột nhập đục két sắt hoặc khiêng cả két sắt đựng tiền.

Thời gian gần đây, trên địa bàn hai tỉnh Bình Định, Phú Yên liên tục xảy ra các vụ trộm đột nhập đục két sắt hoặc khiêng cả két sắt đựng tiền.

Két sắt của phòng tài chính UBND xã Bình Nghi bị kẻ trộm vứt ngoài đường sau khi lấy hết tiền và đốt sạch giấy tờ bên trong - Ảnh: Trị Bình
Tối 27.5, tại H.Tây Sơn (Bình Định) xảy ra 2 vụ trộm két sắt công sở. Kết quả khám nghiệm hiện trường của công an cho thấy kẻ trộm cắt khóa phòng tài chính và một phòng khác tại trụ sở UBND xã Bình Nghi khiêng nguyên két sắt nặng khoảng 100 kg rời khỏi hiện trường. Bọn trộm mang két sắt này ra ven đường ở thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi) rồi đục khóa lấy 280 triệu đồng và đốt toàn bộ giấy tờ đựng trong két!
Cuối tháng 4.2015, trộm đột nhập trụ sở Quỹ tín dụng Gia Hiệp (xã Gia Hiệp, H.Di Linh, Lâm Đồng) đục phá két sắt lấy đi 810 triệu đồng. Ngày 7.7.2015, Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ băng nhóm là thủ phạm vụ trộm này, bọn chúng khai, ban đêm đột nhập trụ sở trên, dùng búa tạ, xà beng, đục để phá két sắt lấy tiền cho vào bao tải đưa lên ô tô chở đi.
Lâm Viên
Trong đêm xảy ra vụ trộm, UBND xã Bình Nghi có phân công lực lượng trực bảo vệ trụ sở nhưng kẻ trộm vẫn ra tay trót lọt. Khi được thẩm vấn, những người này thừa nhận... ngủ quên.
Cũng trong đêm 27.5, kẻ trộm cắt khóa phòng thu ngân của chi nhánh Điện lực Phú Phong (H.Tây Sơn) đột nhập cắt khóa tủ trong phòng lấy 51 triệu đồng. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, những vết cắt khóa trong vụ trộm tại chi nhánh Điện lực Phú Phong tương tự như vụ cắt khóa đột nhập vào UBND xã Bình Nghi. Điều đáng nói là ngoài nhân viên bảo vệ, chi nhánh Điện lực Phú Phong còn thuê hẳn vệ sĩ bảo vệ nhưng kẻ trộm vẫn đột nhập và trộm được tiền!
Sáng 13.7.2015, cán bộ phòng kế toán của UBND xã Tây Thuận (H.Tây Sơn) phát hiện cửa phòng bị cạy khóa, két sắt trong phòng nằm lật úp, bị đục từ phía sau, toàn bộ số tiền bên trong khoảng 80 triệu đồng đã bị lấy cắp. Hiện trường cho thấy việc phá két sắt sẽ gây tiếng động rất lớn nhưng lại không bị phát hiện.
Trước đó, trụ sở UBND xã An Vinh (H.An Lão, Bình Định) và UBND xã Mỹ Phong (H.Phù Mỹ, Bình Định) cũng bị trộm đột nhập đục két sắt trộm tiền; tại tỉnh Phú Yên, kẻ trộm phá cửa phòng tài vụ của Phòng GD-ĐT H.Đồng Xuân bê nguyên két sắt có chứa hơn 300 triệu đồng, là tiền lương chuẩn bị phát cho giáo viên các trường; trộm đột nhập trụ sở UBND xã Hòa Phong (H.Tây Hòa) lấy két sắt đựng 260 triệu đồng; trộm két sắt của UBND xã Hòa Định Tây (H.Tây Hòa) có 17,9 triệu đồng; trộm cuỗm két sắt của Bưu cục Tuy Hòa đựng hơn 24 triệu đồng; kẻ trộm còn đột nhập vào Hội Chữ thập đỏ H.Sông Hinh lấy đi 19 triệu đồng của Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, nhân đạo và người khuyết tật...
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Lương Trường Sơn, Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm về TTXH, Công an H.Tây Sơn, khuyến cáo các cơ quan nhà nước, trường học, công ty không nên để tiền mặt qua đêm tại trụ sở và nên lắp đặt hệ thống cảnh báo trộm cắp.
Trong khi đó tại Phú Yên, theo đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 17 vụ trộm cắp két sắt. Thủ đoạn của kẻ trộm là dùng kềm cộng lực cắt khóa, cạy phá cửa để đột nhập vào bên trong. Ông cho biết: “Bọn trộm chọn những cơ quan lỏng lẻo, sơ hở trong bảo vệ, hoặc gia đình đi vắng để ra tay. Điều khá lạ là bọn chúng chuyên trộm tài sản trong két sắt còn những tài sản khác trong nhà như xe máy, ti vi... thì chúng không động đến. Thời gian bọn trộm hoạt động là từ 2 - 4 giờ sáng, là thời điểm người ta ngủ say”.
Đại tá Dũng nhận định, các nhóm trộm két sắt trong tỉnh Phú Yên hoạt động độc lập, không liên kết với nhau mà chỉ có sự liên kết giữa kẻ trộm địa phương với ngoài địa phương. Đây là tội phạm hoạt động có tính chuyên nghiệp, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh rất tinh vi. Vì vậy, muốn phá án trộm két sắt phải mất rất nhiều thời gian. “Chúng tôi đã phân các mũi trinh sát làm việc cả ngày lẫn đêm, bám sát địa bàn, dùng các biện pháp truy xét để phá án. Những vụ việc xảy ra, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án để điều tra; nhưng một số vụ đã hết thời hạn mà chưa truy tìm được thủ phạm nên đã tạm đình chỉ, khi nào phát hiện thì phục hồi điều tra”, đại tá Dũng nói.
 
Đề nghị truy tố băng trộm cắp công sở tại 18 tỉnh, thành
Ngày 24.7, đại tá Bùi Công Tráng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Quý (41 tuổi, ngụ H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) và 7 đồng phạm trong băng nhóm chuyên đột nhập các cơ quan, công sở trộm cắp tài sản.
Theo kết luận điều tra, Quý từng là một chủ thầu xây dựng nhưng do nghiện ma túy nên bị phá sản. Để có tiền sử dụng ma túy và tiêu pha, Quý câu kết với hàng loạt đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, thuê xe taxi đi đến các tỉnh để trộm cắp. Tính từ năm 2013 đến khi bị bắt (31.3.2015), Quý và đồng bọn đã gây ra 45 vụ trộm cắp ở các cơ quan, công sở tại 18 tỉnh thành phía bắc. Thủ đoạn của băng trộm này là ban ngày giả làm khách đến giao dịch tại các cơ quan, công sở nhằm thăm dò chỗ để két tiền, các tài sản có giá trị để ban đêm đột nhập, trộm. Trộm vài vụ ở tỉnh này, bọn chúng chuyển qua tỉnh khác, gây khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng chức năng.
Ngọc Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.