Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 1 : Mệnh nước

20/09/2014 15:40 GMT+7

(TNO) "Có người hỏi Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn ? Xin thưa : Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với nhà Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn…" - Sử gia Lê Văn Hưu.

Hình ảnh Lê Hoàn trong sách giáo khoa và trên sân khấu cải lương
Hình ảnh Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong sách giáo khoa và trên sân khấu cải lương - Ảnh tư lieu

Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, là vị hoàng đế đầu tiên mở đầu nền độc lập tự chủ của nước ta. Tuy nhiên, do “không biết phòng xa”, nên Đinh Tiên Hoàng chỉ làm vua được 12 năm thì bị Đỗ Thích sát hại. Ấu chúa Đinh Toàn (Tuệ) nối ngôi khi mới 6 tuổi. Vương triều nhà Đinh chưa có thời gian củng cố thì bên trong nội loạn diễn ra, bên ngoài thì Trung Quốc đang rắp tâm thôn tính. Nền độc lập non trẻ của nước nhà lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc.

Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính, nhìn lại lịch sử ta có thể khẳng định ông có đủ tài năng và tư cách hơn ai hết để đảm nhận trọng trách đó. Thế nhưng ở trong nước, một số công thần trung thành với nhà Đinh nhưng  do đầu óc thiển cận lo sợ Lê Hoàn quyền to lấn át ấu chúa, đã cùng nhau khởi binh nhằm tiêu diệt ông, bất chấp hiểm họa ngoại xâm cận kề sát nách. Cầm đầu cuộc chống đối không phải là những kẻ tầm tường mà là Định quốc công Nguyễn Bặc (chức vụ như tể tướng) cùng các đại thần khai quốc nắm trong tay nhiều binh lực như Ngoại giáp Đinh Điền, Vệ úy Phạm Hạp.

Nhà Tống lúc này căn bản đã dẹp xong các thế lực cát cứ, tái thống nhất Trung Quốc. Cho nên đối chọi với ngoại xâm lúc này không phải là thứ quân Nam Hán “cóc nhái” thời Ngũ Đại thập quốc mà là một đội quân xâm lược của một nước Trung Hoa thống nhất tương đối hùng mạnh dưới sự trị vì của Tống Thái tông Triệu Quang Nghĩa, một ông vua tiếng là “văn trị” nhưng rất hiếu chiến. Khi Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo đang trấn thủ Ung Châu dâng lên vua Tống “Đắc Giao Châu sách” (kế sách lấy Giao Châu), kiến nghị đây là thời cơ tốt nhất để đánh chiếm nước ta và xin được về triều tâu bày trực tiếp. Vua Tống định triệu Hầu Nhân Bảo về, nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn thâm độc hơn, cho rằng nước ta đang có nội loạn, nên phải bất ngờ đem quân sang đánh úp “như sét đánh không kịp bịt tai” và đề nghị không nên triệu Hầu Nhân Bảo về, vì như thế tin tức sẽ bị lộ. Tống Thái Tông y lời, cử  Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn…  đem đại quân hội từ bốn hướng chia hai đường thủy bộ “hẹn cùng sang xâm lược”.

Chưa hết, ở phía Nam, phò mã Ngô Nhật Khánh (con rể Đinh Tiên Hoàng) làm phản, dẫn quân Chiêm Thành với hơn 1000 thuyền chiến do đích thân vua Chiêm cầm đầu theo đường biển tiến thẳng vào kinh đô Hoa Lư, rắp tâm xâm chiếm nước ta, may mà đội quân này chưa tới nơi đã bị bão dìm chết, chỉ còn vua Chiêm sống sót.

Trong tình thế hiểm nghèo như thế, dưới sự hậu thuẫn của thái hậu Dương Vân Nga, Lê Hoàn một mặt nhanh chóng dẹp yên nội loạn, một mặt ráo riết chuẩn bị đối phó với quân xâm lược.

Được tin quân Tống sắp kéo sang, “khi triều đình bàn kế hoạch xuất quân, Phạm Cự Lượng cùng các tướng quân khác mặc áo trận đi thẳng vào nội phủ nói : "Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn’. Quân sĩ nghe vậy đều hô "vạn tuế!". Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế” (Đại Việt sử ký toàn thư - ĐVSKTT).

Đọc lại những trang sử thời Tiền Lê, chúng ta kinh ngạc về lòng khoan dung và đạo dùng người của Lê Hoàn (chúng tôi xin nhấn mạnh, “đạo dùng người”, chứ không phải “thuật dùng người”). Đối với lực lượng làm binh biến, ông bất đắc dĩ phải giết những người cầm đầu nhưng không sát hại bất cứ một ai trong gia đình và phe nhóm của họ. Nhân vật Phạm Cự Lượng vừa nêu chính là em ruột Vệ úy Phạm Hạp. Phạm Hạp không thể không giết, nhưng giết Phạm Hạp ông lại dùng em ruột Phạm Hạp là Phạm Cự Lượng làm đại tướng quân, rồi thăng đến Thái úy thống lĩnh quân đội. Nguyễn Bặc không thể không giết, nhưng con trai Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê lại được Lê Hoàn dùng làm tướng và thăng đến chức Hữu Điện tiền chỉ huy sứ thời Tiền Lê. Dùng người một cách chí công vô tư như thế, chỉ nghĩ đến sự tồn vong của đất nước mà không nghĩ đến sự an nguy của bản thân và dòng họ, trước đó không thấy và sau này cũng chưa từng thấy.

Và Lê Hoàn đã không phạm sai lầm. Phạm Cự Lượng tài đức vẹn toàn, được nhân dân đời đời ngưỡng mộ, là một vị thần ghi trong Việt điện u linh tập; và  không phải vô cớ mà vào đời Lý, vua Lý Thái Tôn cũng chính thức phong ông là một vị thần chuyên coi về hình ngục, tôn là “Hồng Thánh đại vương” , thờ tại đền Ngự sử; hiện nay ở các địa phương vẫn còn đến 4 di tích thờ ông. 

Còn Nguyễn Đê, chính là “Nhị tổ” của hoàng tộc nhà Nguyễn sau này, có người cho rằng Lê Hoàn đã “mất cảnh giác” khi sử dụng nhân vật này, vì chính Nguyễn Đê sau khi Lê Long Đĩnh mất đã cùng với Đào Cam Mộc giúp Lý Công Uẩn “cướp ngôi”. Nhận xét như vậy là thiển cận. Nguyễn Đê trước sau tận trung với nước và lịch sử không ghi nhận bất cứ một dấu hiệu “ăn ở hai lòng” nào của ông đối với Lê Hoàn, còn việc phò nhà Lý là phù hợp với lợi ích của dân tộc và xu thế lịch sử, hoàn toàn không phải để trả thù cha.

Việc Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu, lẽ ra là một chuyện bình thường, mấy trăm năm sau các sử gia thời Trần cũng coi là bình thường. Ta không thấy Lê Văn Hưu chê trách gì , Đại Việt sử lược - một cuốn sử cổ nhất viết vào thời nhà Trần còn truyền bản - cũng không bình luận. Mãi đến thời Lê về sau, các sử gia Nho giáo mới bắt đầu “lên cơn”. Câu nệ vào quan niệm “tam cương ngũ thường”, Ngô Sĩ Liên đã lên án Lê Hoàn và Dương Vân Nga “thông dâm” và coi cuộc hôn nhân này là “đáng hổ thẹn”,  Ngô Thì Sĩ còn mắng nhiếc thậm tệ hơn, gọi mối quan hệ này là “cầm thú”, cho đến thế kỷ 20 Trần Trọng Kim và một số nhà nghiên cứu khác vẫn còn lên giọng phụ họa. Ấy là do cho tới giữa thời Trần, Nho giáo ảnh hưởng đến nước ta không nhiều, cho nên thời đó một phụ nữ tái giá là chuyện bình thường, dù là hoàng hậu hay công chúa. Đầu thời Trần, bà Trần Thị Dung là hoàng hậu nhà Lý cũng tái giá làm phu nhân của Trần Thủ Độ đó thôi. Bởi vậy mà trong một thời gian dài nhân dân khi bày tỏ lòng tôn sùng hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đều không quên tôn sùng bà Dương hậu, thậm chí tại kinh đô cũ Hoa Lư người dân còn dựng tượng thờ hai vua ngồi hai bên và bà Dương hậu ngồi giữa, mãi cho đến thời Lê, khi Nho giáo trở thành chính thống, triều đình mới cho là “trái đạo” nên bỏ đi, triều đình bỏ nhưng dân thì không, sau năm 1945 dân lại thờ bà như cũ.

Chuyện tình ái giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn khi ông chưa làm vua mà Ngô Sĩ Liên gọi là “thông dâm” chỉ là sự suy diễn vô căn cứ. Ngày nay các văn nghệ sĩ cứ mặc sức tưởng tượng để thêu dệt về mối tình này, nhưng dù có thêu dệt thế nào đi chăng nữa thì với  việc “lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế”, Dương Vân Nga có chen chút tình riêng hay không không ai dám chắc, điều chắc chắn là hành động dứt khoát này của bà đã thuận theo lòng dân và mệnh nước, kịp cứu nước Việt ta thoát khỏi một hiểm họa. Và không phải ngẫu nhiên mà Lê Hoàn có tới 5 hoàng hậu nhưng nhân dân chỉ thờ mỗi bà Dương Vân Nga.

Hoàng Hải Vân

>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Bản sắc Việt: Lý Thái Tổ và vị thần hộ quốc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.