Tâm bão số 3 đổ bộ vào Thanh Hóa - Nghệ An

31/07/2011 01:13 GMT+7

Tối 30.7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An, với sức gió cấp 8 cấp 9.

 

Người dân thị xã Cửa Lò tháo dỡ các quán ăn ven biển trước lúc bão đổ bộ - ảnh: Ngọc Minh

Tại vùng tâm bão Thanh Hóa, do chủ động phòng chống, cộng với bão vào trong lúc đỉnh thủy triều đã rút nên không gây thiệt hại gì lớn. Hiện trọng tâm chống bão được chuyển sang các huyện miền núi, nơi rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét do mưa lớn sau bão gây ra.

Trước khi bão đổ bộ vào, từ sáng sớm 30.7, tại các xã vùng ven biển chính quyền địa phương đã tới từng nhà vận động người dân sơ tán tránh bão. Tất cả người già và trẻ nhỏ sinh sống gần mép nước đã được chính quyền sơ tán vào các điểm như nhà văn hóa, trường học, bệnh xá sâu trong đất liền. Tại huyện Hậu Lộc, chính quyền địa phương phối hợp lực lượng biên phòng sửa chữa, cứu hộ thành công 2 tàu cá bị gãy chân vịt và bị mắc cạn cách đất liền 3 km về bến an toàn.

Để chủ động đối phó mưa lũ sau bão, Thanh Hóa dự trữ lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khác nhằm phục vụ nhân dân các huyện miền núi và các vùng dễ bị cô lập, chia cắt khi có mưa lũ, với số lượng: gạo tẻ 590 tấn; mì tôm 10.550 thùng; nước uống 1.760 thùng; muối i-ốt 1.000 tấn; nilon, vải bạt 36.500m2; dầu hỏa 206 tấn; xăng dầu 1.605.000 lít...

Tại Nghệ An, trước khi bão bổ độ, gần 5.000 hộ với gần 18.000 người ở các vùng nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đến H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) kiểm tra và đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão. Mưa lớn đã khiến một số tuyến đường nội thị của TP Vinh bị ngập chìm trong nước.

Tại Hải Phòng, ông Vũ Hoài Nam, thường trực Ban phòng chống bão lụt H.Cát Hải, cho biết tuy gió chỉ cấp 4-5, nhưng sóng rất lớn kết hợp với triều cường đã đẩy nước biển tràn qua mái đê ở thị trấn Cát Hải. Nghiêm trọng nhất là tuyến đê đoạn Hòa Quang đến Gia Lộc, nhiều rọ đá đã bị sóng đánh bật ra khỏi đê, nước tràn qua gây ngập lụt ở hai khu dân cư Hải Lộc, Tiến Lộc. Còn theo ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tại Q.Đồ Sơn đã có vài trăm mét kè của Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu bị sạt lở, sóng to đánh tràn qua mặt kè gây ngập lụt ở một số tuyến đường thuộc trung tâm quận.

Tại Nam Định, gió giật cấp 8 kèm theo mưa to làm sạt lở 25m đê bối Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng), lực lượng hộ đê dùng vải bạt chắn sóng cùng nhiều vật tư dự phòng hoàn thành việc xử lý tuyến đê xung yếu này.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng 92 đã tiếp cận, cứu và đưa 2 cha con ông Nguyễn Văn Hiển (xã Hải Lý, Hải Hậu) vào bờ an toàn. Cha con ông Hiển trên đường tránh bão thì bè mảng bị chết máy, nước cuốn trôi ra biển cách bờ 4-5 hải lý. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy tàu cá của ông Trần Văn Dương (xã Giao Thiện, Giao Thủy) bị đứt dây neo trôi ra biển, trên tàu không có người.

Tại Ninh Bình, gió bão giật cấp 7-8 kèm theo mưa to ở vùng biển H.Kim Sơn. Trước đó, toàn bộ 122 phương tiện với 244 lao động đang hoạt động trên biển đã vào nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng biên phòng đã kêu gọi trên 700 lao động tại 248 lều đang trông coi ngao ngoài vùng bãi bồi Cồn Nổi vào bờ và hơn 920 hộ với trên 1.600 nhân khẩu về nơi trú bão an toàn.

Tại Hà Tĩnh, lực lượng địa phương đã sơ tán 186 hộ với 1.180 người ở H.Nghi Xuân và 1.120 hộ với 4.240 người ở H.Lộc Hà. Có 3.797 tàu thuyền với 13.717 lao động tàu cá đã nắm được thông tin về bão số 3 vào nơi cư trú an toàn.

Đến chiều tối 30.7, tại hai xã miền núi Hương Quang, Hương Điền (H.Vũ Quang) xảy ra trận lốc xoáy kèm mưa lớn khiến 35 căn nhà bị tốc mái, nhiều hệ thống giao thông liên xã bị hư hỏng nặng, hơn 110 ha hoa màu bị ngập nước. Thiệt hại ước tính hơn 250 triệu đồng. Riêng tại xã Hương Điền, 20 hộ dân sống dưới chân núi vườn quốc gia Vũ Quang đã di dời về nơi an toàn, tránh sạt lở đất đá...

Bão nhanh chóng suy yếu

Nam Bộ giông mạnh, gió giật

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết khoảng 18 giờ tối qua, bão số 3 đổ bộ vào đất liền với cường độ gió mạnh cấp 8 và mưa trên diện rộng, tâm bão nằm trên khu vực giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Tuy nhiên, lượng mưa không đều và không quá lớn, tính đến tối cùng ngày. Trong đó, lượng mưa đo được tại Thanh Hóa chỉ là 20 mm; Nghệ An phổ biến từ 50-100 mm, riêng TP Vinh có mưa 199 mm và đảo Hòn Ngư 238 mm; Hà Tĩnh 97 mm, riêng Hương Sơn là 10 6mm; các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ 5-20 mm.

Sau khi đổ bộ, bão nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi sâu vào đất liền và tan dần trên khu vực biên giới Việt - Lào. Trong đêm 30 và sáng nay 31.7, tại các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh trời mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

* Trong 2 ngày qua, Nam Bộ đã có mưa và giông trên diện rộng, trong đó cơn mưa vào chiều hôm qua 30.7 kèm theo giông mạnh và gió giật. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết, Nam Bộ nằm ở rìa xa của cơn bão số 3, nhưng vào thời điểm xảy ra giông mạnh, gió giật là lúc ở vịnh Bắc Bộ cơn bão này đang vào gần đến bờ, tạo nên ma sát, do vậy đã gây ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm như trên. Tại TP.HCM, số liệu quan trắc lúc 16 giờ chiều hôm qua ở trạm Tân Sơn Nhất đã ghi nhận gió mạnh 14m/giây (khoảng cấp 6, cấp 7).

Quang Duẩn - M.Vọng

 Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.