Sức mạnh nội lực - nền tảng của độc lập, chủ quyền

02/09/2011 02:02 GMT+7

“Để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước một cách hiệu quả, chúng ta nhất thiết phải có sức mạnh từ nội lực của chính mình…” - nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Thưa bà, từng là người chứng kiến và trực tiếp tham gia vào những giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước, dân tộc, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn này, bà có cảm xúc, suy nghĩ như thế nào?

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Tôi chắc chắn rằng mọi người dân VN, trong cũng như ngoài nước, ít nhiều đều đang có những trăn trở, suy nghĩ về vận mệnh của quốc gia, dân tộc; đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn từ cả bên trong và bên ngoài. Trăn trở, suy tư về những việc phải làm để phát triển đất nước, bảo vệ hòa bình, độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ những thành quả mà lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh, cống hiến mới có được.

Những năm 60-70 thế kỷ trước, VN đã có những đóng góp xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc của cả thế giới, đã đem đến cho các dân tộc thuộc địa niềm tin về cuộc đấu tranh đòi quyền độc lập dân tộc VN, trong dư luận quốc tế đã từng đồng nghĩa với “tự do, công lý” với tinh thần quả cảm, bất khuất trước sự áp bức và bất công. Nêu cao lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chúng ta được cả thế giới tiến bộ mến phục. Thậm chí có những người bạn quá yêu mến chúng ta, đã xem VN là “lương tri của thời đại”. Điều nói ở trên cắt nghĩa vì sao phong trào đoàn kết quốc tế, ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta chống chiến tranh xâm lược rộng lớn và mạnh mẽ chưa từng thấy.

Bà đã nhắc đến những thách thức mới đang đặt ra cho quốc gia, dân tộc. Xin chia sẻ cụ thể hơn góc nhìn của bà?

 Sau khi giành được độc lập, chủ quyền quốc gia, chúng ta đã trải qua mấy mươi năm hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu phát triển đất nước. Thế và lực của VN ngày nay đã khác hẳn trước. Nhưng do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, phải nói thẳng rằng chúng ta chưa thật sự vững mạnh như mong muốn.

 Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tích về phát triển kinh tế, nhưng kinh tế của đất nước chưa phát triển vững bền như Nghị quyết T.Ư đã nhận định, chưa tập trung được vào thế mạnh so sánh như kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế biển.

 Chúng ta chưa tự chủ trong một số lĩnh vực kinh tế mà còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Và điều đáng lo là tình hình này không được cải thiện mà ngày càng xấu đi. Kinh nghiệm của các nước cho thấy lệ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến lệ thuộc về chính trị, mất chủ quyền quốc gia.

 Bên cạnh đó, vấn đề biển Đông cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức to lớn về bảo vệ chủ quyền và cùng với đó là vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Cần phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xin bà cho biết, trước những thách thức đó chúng ta cần có những đối sách, bước đi như thế nào?

Theo tôi, việc quan trọng là làm cho nhân dân hiểu rõ: Tinh thần yêu nước lúc này là đặt lợi ích chung, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, cục bộ, địa phương. Mỗi người hãy góp sức xây dựng nền kinh tế của chúng ta, sớm vực nó lên thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay.

Vấn đề cấp bách trước mắt là phải kiên quyết ngăn chặn lạm phát, phải tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo hướng tăng cường nội lực, phát triển lực lượng sản xuất trong nước, đảm bảo ngày càng vững chắc tính vững bền và tính độc lập tự chủ của nền kinh tế quốc dân. Hết sức quan tâm vào vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, người lao động, trẻ em, người già...

 Đồng thời chúng ta cũng cần củng cố sức mạnh về văn hóa, tinh thần cho trước mắt và lâu dài, trong đó giáo dục đào tạo là cốt lõi. Nghĩa là chúng ta cần quan tâm đến chất lượng con người, đến nguồn nhân lực không chỉ về mặt trí tuệ mà cả về mặt tinh thần và thể chất, vì suy đến cùng con người là tác nhân chính của tất cả các hoạt động xã hội, từ kinh tế, đến gia đình xã hội, an ninh quốc phòng.

Mặt khác, kinh nghiệm từ giai đoạn lịch sử vừa qua nhắc chúng ta cần luôn coi trọng sự đoàn kết quốc tế để thêm sức mạnh cho mình. Chúng ta coi trọng các quan hệ hữu nghị truyền thống, coi trọng liên kết khu vực đặc biệt với các nước ASEAN với các định chế liên kết toàn cầu.

Đây là lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại những việc đã làm, thấy được những kết quả, thành tựu nhưng cũng cần phải thấy rõ những hạn chế, thiếu sót. Mỗi người, mỗi đơn vị, từ cấp cao đến cấp dưới phải vươn lên, tạo sức mạnh cho cả dân tộc có đủ sức đối phó với mọi đe dọa, thách thức; bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, biển đảo, bầu trời của Tổ quốc ta.

Xin bà phân tích cụ thể hơn về những giải pháp góp phần vào hiệu quả của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia?

Có một sự thật khách quan cần phải khẳng định là để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước một cách hiệu quả, chúng ta nhất thiết phải có sức mạnh từ nội lực của chính mình. Sức mạnh nội lực đó - mà trước hết là lòng dân - phải ngày càng được tăng cường vững chắc. Sức mạnh trường tồn của dân tộc VN bắt nguồn từ một tinh thần yêu nước cao độ, sự khao khát tự do, độc lập của cả một dân tộc đoàn kết, thống nhất. Tôi tin rằng những bài học lịch sử vô cùng quý báu mà cha ông ta đã để lại sẽ mách bảo chúng ta phải hành động như thế nào vừa kiên quyết, vừa tỉnh táo, khôn ngoan để đạt được mục tiêu của mình.

 Trước tình hình tranh chấp phức tạp ở biển Đông hiện nay chúng ta đã có tuyên bố rõ ràng lập trường trước sau như một của VN. Theo đó là việc hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với TQ, cố gắng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng giải pháp hòa bình, trên tinh thần tin cậy lẫn nhau. VN luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của nhân dân TQ đối với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Và, như bất cứ một dân tộc nào có trách nhiệm với tổ tiên, biết tự trọng, thì chủ quyền độc lập quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chúng ta quyết giữ gìn chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đến cùng.

 Ngày nay vấn đề luật pháp quốc tế, kết quả của nhiều năm đấu tranh của các nước có sức mạnh đặc biệt quan trọng. VN hoàn toàn có thể dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh ngoại giao chính thức, ta nên đặc biệt xem trọng ngoại giao nhân dân, cần làm cho nhân dân các nước, kể cả nhân dân TQ hiểu lập trường chính nghĩa và hữu nghị của VN.

Chỉ với sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững mạnh, một nền văn hóa dân tộc được phát huy với những con người VN có phẩm chất, năng lực, trí tuệ cùng với một quân đội giữ vững truyền thống ông cha và với lập trường ngoại giao khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Chỉ với sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững mạnh, một nền văn hóa dân tộc được phát huy với những con người VN có phẩm chất, năng lực, trí tuệ cùng với một quân đội giữ vững truyền thống ông cha và với lập trường ngoại giao khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay

Trường Sơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.