Sửa Điều 60 luật BHXH: Không tước quyền lựa chọn của người dân

22/05/2015 12:28 GMT+7

(TNO) Để các đại biểu Quốc hội có thông tin đầy đủ cho quyết định sửa đổi điều 60 luật BHXH 2014, Chính phủ cần cung cấp văn bản về ý kiến đã đóng góp cho luật này.

(TNO) Để các đại biểu Quốc hội có thông tin đầy đủ cho quyết định sửa đổi điều 60 luật BHXH 2014, Chính phủ cần cung cấp văn bản về ý kiến đã đóng góp cho luật này.

che-do-BHXH Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM) giải thích chính sách BHXH cho
công nhân sau khi công nhân đi làm trở lại - Ảnh: Trung Hiếu
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị như vậy tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay 22.5, liên quan đến Điều 60 của luật BHXH năm 2014.
Trước đó, ngày 21.5, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi Điều 60 của luật BHXH năm 2014 theo hướng: cho phép người lao động có quyền lựa chọn BHXH một lần hoặc bảo lưu theo luật BHXH 2006.
Điều đáng quan tâm là luật BHXH năm 2014 trên thực tế vẫn chưa có hiệu lực thi hành.
Việc Quốc hội phải đưa ra thảo luận sửa đổi Điều 60 có một phần liên quan đến vụ việc công nhân của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan) và một số doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60 về BHXH một lần theo Luật BHXH năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2014.
Đại biểu Dung dẫn quy định trong quá trình xây dựng luật, các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương đều phải đóng góp ý kiến và cho rằng, việc luật chưa có hiệu lực nhưng đã bắt buộc phải sửa đổi là chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, đại biểu này đề nghị cung cấp toàn bộ các ý kiến đã được đóng góp cho dự luật này, đặc biệt là ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng như các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi luật.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình trước Quốc hội cho biết, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận từ phía các Bộ, ngành, địa phương và của Hội đồng thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, quá trình cơ quan thẩm tra dự án luật của Quốc hội tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và quá trình Quốc hội thảo luận cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết BHXH một lần.
Liên quan đến đề xuất sửa đổi Điều 60 luật BHXH 2014, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Đoàn TP.HCM cho rằng, nên để cho người dân quyền chọn lựa chứ không nên áp đặt chỉ có một phương án, tước mất quyền lựa chọn của người dân.
“Phương án hiện tại được coi là nhân văn vì lợi ích lâu dài của người lao động, nhưng lợi ích của người dân cũng rất đa dạng. Có những người họ không cần lợi ích lâu dài chẳng hạn, đó là chưa kể thực tiễn đời sống đã có những việc như người ta chờ đợi bao nhiêu năm, cuối cùng lương hưu chỉ có hơn 900 ngàn đồng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc phải sửa luật BHXH trong khi luật chưa có hiệu lực cũng là một bài học kinh nghiệm cần lưu ý trong công tác lập pháp. “Khi tranh luận cần chú ý những ý kiến ngược chiều tạo ra sự phản biện, đôi khi phản ánh thực tế. Chúng ta vì nhân dân, nhân danh lợi ích của nhân dân nhưng đôi khi chúng ta không sát thực tế, cuối cùng gây ra sự phản ứng”, ông Nghĩa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.