Sốt ruột với số lỗ hàng nghìn tỉ đồng

17/01/2013 03:10 GMT+7

Tham nhũng, đầu tư dàn trải, lãng phí… gây thất thoát tiền tỉ, dù chỉ xảy ra ở một số tập đoàn, tổng công ty và một vài cá nhân nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tình trạng này khiến ông đau lòng, người dân sốt ruột.

10 “ông lớn” đã lỗ lũy kế 17.730 tỉ đồng

 

Các TĐ, TCT nợ hơn 1,3 triệu tỉ đồng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN T.Ư, tổng vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT đến cuối 2012 đạt 735.293 tỉ đồng, chỉ tăng 1% so 2011 (năm 2011 tăng 9% so 2010). Tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 2% so 2011. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng xét riêng rẽ tại một số đơn vị, tỷ lệ này đã vượt giới hạn cho phép, “cá biệt có nơi rất cao”.

Nợ nước ngoài của các công ty mẹ TĐ, TCT là 158.865 tỉ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Trong đó công ty mẹ của EVN, TCT hàng không, TCT phát triển đường cao tốc có nợ nước ngoài lớn.

Không khí tại Hội nghị Chính phủ đối thoại với tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) năm nay diễn ra khá trầm lắng, khi nhiều “quả đấm thép” của nền kinh tế không đạt kế hoạch đề ra, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều bị sụt giảm so với năm 2011. Thậm chí, nhiều “quả đấm thép” còn bị thua lỗ nặng.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp T.Ư báo cáo, năm nay tổng doanh thu của tất cả 73 TĐ, TCT đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng, chỉ bằng 92% so với kế hoạch và tăng 2% so với năm 2011. Mặc dù dầu khí, điện lực, xăng dầu có doanh thu lớn nhưng cũng không làm “sáng” được bức tranh chung khi các TCT Cà phê, Lương thực Miền Bắc, TĐ than khoáng sản (Vinacomin)… sản lượng, lợi nhuận đều giảm, không đạt mức kế hoạch đề ra.

Doanh thu thấp hơn kế hoạch kéo theo lợi nhuận trước thuế của các TĐ, TCT chỉ đạt 127.510 tỉ đồng, giảm 5% so với năm 2011. Con số tổng nộp ngân sách năm nay của các TĐ, TCT đạt 294.000 tỉ đồng, giảm 12% so với năm ngoái. Đặc biệt, một vài “quả đấm thép” rơi vào thua lỗ, như TCT đường thủy (Sawaco), TCT viễn thông toàn cầu. Theo báo cáo, mức lỗ phát sinh của tất cả các TĐ, TCT trong năm nay là 2.253 tỉ đồng, trong đó có một số đơn vị năm 2011 đã lỗ, năm nay lỗ tiếp. Đặc biệt, tổng lỗ lũy kế của 10 TĐ, TCT lớn đã lên tới 17.730 tỉ đồng.

Đại diện cho các TĐ không đạt chỉ tiêu, kế hoạch Chính phủ giao, trước khi vào phần báo cáo kết quả kinh doanh, ông Lê Minh Chuẩn - TGĐ Vinacomin - giãi bày: Năm 2012 là một năm quá khó khăn với TĐ này, khi nhu cầu đầu ra của than giảm sút mạnh, đặc biệt than trong nước giảm 15-20%, các hộ dùng than chính như điện, xi măng, thép, phân bón đều giảm tiêu thụ so với kế hoạch. “Thị trường xuất khẩu giảm cả lượng, cả giá nên so cùng kỳ 2011 giảm từ 15 đến 20%, dẫn đến doanh thu chỉ bằng 90% năm ngoái”, ông Chuẩn nói. Cũng trong hoàn cảnh đầy khó khăn, lãnh đạo của Vinaconex dù báo tin lợi nhuận công ty mẹ của TCT năm nay đạt 1.000 tỉ đồng, nhưng khả năng sau khi hợp nhất với một số thành viên chuyên kinh doanh bất động sản, chắc chắn sẽ không có lãi nhiều. Vì vậy, năm nay Vinaconex chỉ nộp được cho ngân sách 700 tỉ đồng.

Nhân dân phê phán là đúng

Sau khi lắng nghe ý kiến của các lãnh đạo các TĐ, TCT, Thủ tướng cũng chia sẻ, cái được lớn nhất của các “đầu tàu” kinh tế năm nay là đã đóng góp tích cực vào thành công chung của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm lao động thì hầu hết TĐ, TCT giữ việc làm, tiền lương, thu nhập ổn định cho người lao động. “Năm nay không tăng mạnh nhưng vẫn duy trì được sản xuất, doanh thu tăng 2% so với 2011, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 17% là khá hơn. Tôi nói với Bộ trưởng Bộ Tài chính lo lắng về mất cân đối ngân sách, vì chi thì dễ, còn hụt thu thì khó, nhưng đáng mừng năm nay, vừa giảm được bội chi còn 4,8% GDP mà cả nước vẫn cân đối được thu - chi”, Thủ tướng nói.

Ông khẳng định, vai trò của TĐ, TCT thời gian qua và sắp tới vẫn hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, yếu kém, thậm chí cả tiêu cực, lãng phí. “Trước hết về tham nhũng, ngay vụ việc tại Vinalines tuy xảy ra năm 2007 nhưng năm rồi mới khởi tố, dẫn tới hiệu quả hoạt động không tốt. Hình ảnh của Vinalines làm ảnh hưởng đến tất cả các DN nhà nước (DNNN). Điều đó khiến người ta phải đặt câu hỏi liệu còn Vina nào nữa không”, Thủ tướng trăn trở. Ông nhắc nhở lãnh đạo các TĐ, TCT: “Các đồng chí đã nghe rồi, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả, lãng phí trong DNNN chúng ta phải nghiêm túc để nhìn thấy vẫn còn rất nặng nề. Tuy rằng, chỉ xảy ra ở một vài cá nhân nhưng ảnh hưởng rất lớn, thực sự hết sức đau lòng. Nhân dân phê phán là đúng, bây giờ làm ăn tiêu cực, thua lỗ tiền tỉ như thế ai mà không sốt ruột. Dù tuyệt đại đa số làm ăn tốt, hiệu quả nhưng chúng ta còn đang khó khăn, biểu hiện này không thể coi thường”.

Thủ tướng chỉ đạo, đối với các TĐ, TCT hoạt động sản xuất kinh doanh giảm so với 2011, thua lỗ, thiếu hiệu quả, bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ khó khăn chung, lãnh đạo từng đơn vị phải nghiêm túc kiểm điểm, phân tích xem còn nguyên nhân nào khác, có phải do chưa nỗ lực hết sức hay do làm trái.

Đối với quá trình tái cơ cấu các DNNN, cổ phần hóa, giảm đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng phê bình vẫn còn chậm, nhất là cổ phần hóa khi cả năm 2012 mới làm được 13 DN. Ông nói: “Tất cả các đồng chí ngồi đây phải có phương án, cái nào nên bán, bán dưới giá thành, dưới giá đầu tư để cắt lỗ thì cũng phải làm, còn cái nào để chậm lại phải làm kỹ hơn. Tóm lại tiến lên có phương án thì rút lui cũng vậy, phải có trật tự, hiệu quả chứ bỏ chạy là nguy hiểm. Hồi xưa đánh nhau, người chỉ huy phải thông qua 2, 3 phương án rút thế nào để an toàn lực lượng, cho hiệu quả, còn rút mà hoang mang, bỏ chạy để xảy ra tiêu cực, mất mát thì nguy hiểm”.

Khởi tố 2 nguyên lãnh đạo thuộc Vinalines

Ngày 16.1, một nguồn tin cho biết Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can Đỗ Quốc Khánh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty CP vận tải dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam - Vinalines); Bùi Văn Viện (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP vận tải dầu khí Việt Nam) và Phạm Văn Đoàn (Giám đốc Công ty TNHH Hợp Thủy) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị can này bị cơ quan điều tra tình nghi đã lập khống dịch vụ tư vấn mua sắm tài sản thiết bị, gây thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng cho Tổng công ty CP vận tải dầu khí Việt Nam. Trước đó, tháng 10.2012, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thế Ngọc (nguyên Kế toán trưởng Xí nghiệp vận tải thuộc Tổng công ty CP vận tải dầu khí Việt Nam) về hành vi tham ô tài sản.

Thái Sơn

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.