“Siết” điều kiện đăng ký thường trú nội đô thành phố lớn

26/02/2013 09:42 GMT+7

(TNO) Sáng nay 26.2, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cư trú đã được Chính phủ trình lên phiên họp Thường vụ Quốc hội.

(TNO) Một trong năm vấn đề chủ yếu sửa đổi luật Cư trú mà Chính phủ trình lên phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay 26.2 là điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn (gọi tắt là nhập cư).

>> Khuyến khích nhập cư vào vùng ven
>> Siết nhập cư ở Thủ đô: Chưa phải tối ưu nhưng cần thiết?
>> Siết nhập cư vào nội thành Hà Nội
>> Lo tiêu cực gia tăng khi siết nhập cư
>> Siết nhập cư các TP lớn
>> Đề nghị Đà Nẵng hủy quy định hạn chế nhập cư
>> Cục Kiểm tra văn bản vẫn bác Nghị quyết hạn chế nhập cư của Đà Nẵng

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ vừa thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cư trú tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay 26.2.

Theo Tờ trình của Chính phủ, công dân được nhập cư vào các thành phố (TP) lớn trực thuộc T.Ư nếu có một trong các điều kiện: Có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình; có chỗ ở hợp pháp mà không phải là nhà ở thuộc sở hữu của mình và tạm trú liên tục từ 2 năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.

Ha Noi "siet" nhap cu 
Với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội thì thực hiện theo luật Thủ đô - Ảnh: Ngọc Thắng

Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của các cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP và trường hợp được người cho thuê, cho mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc phòng công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú.

Với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội thì thực hiện theo luật Thủ đô.

So với quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại luật Cư trú hiện hành (Điều 20), các điều kiện nói trên được quy định theo hướng chặt chẽ hơn. Đó là ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ một năm lên hai năm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

 Siết cư trú
So với quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại luật Cư trú hiện hành (Điều 20), các điều kiện nói trên được quy định theo hướng chặt chẽ hơn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, thẩm tra các điều khoản trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành với việc bổ sung về điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Tuy nhiên, về thẩm quyền quy định diện tích này thì còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo luật là giao cho HĐND TP trực thuộc T.Ư.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giao cho Chính phủ quy định về diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ tại các TP trực thuộc T.Ư để bảo đảm thống nhất trên cả nước về diện tích bình quân.

Tuy nhiên, về điều kiện “phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng”, cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như vậy là “chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau”.

Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị: Để bảo đảm đầy đủ các quy định của pháp luật về dân sự và nhà ở thì cần quy định cụ thể gồm hai văn bản rõ ràng, đó là Hợp đồng dân sự về cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ có chứng thực của chính quyền địa phương hoặc công chứng, và văn bản của người có sổ hộ khẩu đồng ý cho người thuê, mượn, ở nhờ được đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Ngoài ra, theo Ủy ban này, việc quy định “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” có thể dẫn đến những hạn chế quyền của người dân, bởi vì việc ở nhờ, mượn hay thuê nhà ở thường không có tính ổn định, có sự phụ thuộc vào các hợp đồng dân sự về thời hạn thuê, mượn, ở nhờ, về giá thuê nhà ở cũng như phụ thuộc vào điều kiện công tác, làm việc, sinh hoạt.

Và như vậy, nếu quy định chỉ được đăng ký thường trú vào nơi đang tạm trú sẽ có khả năng nhiều người mặc dù đã tạm trú tại TP trực thuộc T.Ư rất nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại TP đó do phải thay đổi chỗ ở nhiều lần mà không có nơi nào tạm trú tới 2 năm.

Theo nghị trình, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Cư trú sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.