Sẽ khởi tố kẻ buôn người

26/02/2011 15:30 GMT+7

Nhiều khả năng cảnh sát Bangkok sẽ khởi tố bà Shen Pai Wan, người tổ chức đưa phụ nữ Việt Nam sang Thái Lan đẻ thuê, về tội buôn người.

 

Bộ trưởng Bộ Sức khỏe cộng đồng Jurin Laksanavisit đến thăm cô gái VN mang thai hộ ở Bệnh viện Serirak - Ảnh: Dailynews.co.th

 

Bà Shen Pai Wan, người Đài Loan, 35 tuổi, quản lý Công ty TNHH 101 Babies, có trụ sở tại Bangkok. Bốn người Đài Loan, một người Trung Quốc đại lục và ba người Myanmar khác cũng đã bị bắt giữ vì có liên quan trong đường dây của bà Shen và làm việc trái phép ở Thái Lan.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị cấm ở Thái Lan. Theo luật hiện hành, người mang thai hộ phải là họ hàng thân thuộc với người sẽ nhận con. Ông Suin Thongma, tổng thư ký Hội đồng Y tế Thái Lan, cho biết bệnh viện và bác sĩ được phép cung cấp dịch vụ liên quan đến mang thai hộ không mang tính thương mại, nhưng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn theo chỉ thị của Hội đồng Y tế. Còn bác sĩ Somboon Kunatikom, chủ tịch Trường đại học Phụ sản Hoàng gia Thái Lan, cho biết dự luật bảo vệ trẻ em được sinh ra bằng kỹ thuật y tế nhằm giải quyết vấn đề mang thai hộ bất hợp pháp hiện vẫn chưa được thông qua. Theo dự luật này, người thuê sẽ bị phạt đến 10 năm tù và/hoặc phạt tiền 200.000 baht, còn người môi giới sẽ bị phạt đến 5 năm tù và/hoặc bị phạt 100.000 baht.

Đại sứ quán VN đến thăm 14 cô gái

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đình Chăm, tham tán phụ trách lãnh sự Đại sứ quán VN tại Bangkok, cho biết hiện 14 cô gái đều an toàn. Một cô nằm ở bệnh viện chuẩn bị sinh. Nhân viên đại sứ quán đã đến thăm và động viên cô ấy hai lần. Ngoài ra, 13 cô còn lại hiện đang được tạm trú tại cơ quan của Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Ông Bùi Đình Chăm còn cho biết lãnh đạo Đại sứ quán đến thăm 13 cô gái vào sáng nay 26-2.

VY HOÀN (từ Bangkok)

Trên trang web (http://www.baby-1001.com/eng/faq.htm) của Công ty 101 Babies, nhiều ảnh phụ nữ đang mang thai được giới thiệu, mỗi người có một mã số riêng, được chụp trong nhà và ngoài sân ở nhiều tư thế khác nhau.

Công ty này tập trung vào các khách hàng Đài Loan và giải thích mang thai hộ được cho phép ở Đài Loan, nhưng là bất hợp pháp nếu thương mại hóa việc mang thai hộ. Do đó, họ đã mở văn phòng ở Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia) và một văn phòng liên lạc ở VN với điều kiện khách hàng phải trực tiếp hoặc liên lạc bằng thư điện tử hoặc điện thoại với văn phòng chính. Dịch vụ mang thai hộ, với trứng và tinh trùng hiến tặng, được quảng cáo trên trang web này với giá 32.000 USD không bao gồm phụ phí.

Vào lúc 9g sáng 25-2, Bộ trưởng Bộ Sức khỏe cộng đồng Thái Lan Jurin Laksanavisit cùng nhóm cảnh sát điều tra vụ việc đã đến thăm cô gái VN đang mang thai hộ có mã số 14, hiện được chăm sóc tại Bệnh viện Serirak, khu Serithai, Bangkok, để hỏi một số chi tiết liên quan.

“Chín trong số các phụ nữ cho biết họ đồng ý tham gia dịch vụ đẻ thuê do được hứa trả số tiền 5.000 USD cho mỗi đứa trẻ. Trong khi đó, có bốn người khác khẳng định họ đã bị lừa tham gia dịch vụ này. Có hai người muốn chấm dứt mang thai”, chỉ huy phó Cục Cảnh sát di trú Thái Lan Manu Mekmok nói.

Bộ Phát triển xã hội và an sinh con người Thái Lan đã đưa 13 cô đến một ngôi nhà an toàn để được chăm sóc toàn diện. Giám đốc Bệnh viện Serirak nói: “Chúng tôi có sứ mạng chăm sóc mọi bệnh nhân, không phân biệt họ mang thai trong tình huống nào”. Mỗi năm, có dưới mười ca tìm kiếm người mang thai hộ, và phần lớn những khách hàng này đều đến từ Đài Loan. Chính quyền đang điều tra bệnh viện tư nhân ở Min Buri, vốn được phép cung cấp dịch vụ mang thai hộ từ năm 2008, xem liệu việc giúp đỡ các phụ nữ mang thai trong ống nghiệm có bất hợp pháp hay không do có một số người bị ép phải mang thai.

Ông Jurin Laksanavisit cho rằng bắt buộc các phụ nữ mang thai chống lại ý muốn của họ là gây ảnh hưởng xấu đến người mang thai hộ và uy tín của ngành y tế Thái Lan. Nếu người mang thai hộ không là cha mẹ hay họ hàng thân thiết với người nhận con thì đó là trái pháp luật. Trong trường hợp này, bác sĩ can thiệp về y tế cũng phạm luật về thụ thai trong ống nghiệm. Bộ thảo luận vấn đề này trong ngày 25-2-2011 với cơ quan điều tra đặc biệt, Hội đồng Y tế và giới chuyên gia của Đại học Phụ sản Hoàng gia Thái Lan. “Chúng ta phải nghiêm túc xem xét vấn đề này, nếu không Thái Lan sẽ trở thành địa chỉ cho hoạt động buôn người dưới hình thức mang thai hộ” - ông Jurin nhấn mạnh.

Ấn Độ đã thông qua luật để bảo vệ quyền lợi của các phụ nữ đẻ thuê - Ảnh: Times of India

Ấn Độ thắt chặt luật kiểm soát mang thai hộ

Đã từ lâu Ấn Độ được mệnh danh là “thủ đô đẻ thuê của thế giới”. Tuy nhiên, chính quyền New Delhi đang thắt chặt các điều luật kiểm soát hoạt động mang thai hộ.

Theo ước tính của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, công nghiệp mang thai hộ ở nước này sẽ đạt quy mô 2,3 tỉ USD vào năm 2012. Các bệnh viện và trung tâm y tế ở Ấn Độ ra mức giá 10.000-28.000 USD đối với dịch vụ đẻ thuê trọn gói, bao gồm chi phí thụ tinh, tiền trả cho người mang thai hộ, phí đỡ đẻ, vé máy bay, tiền khách sạn... Bác sĩ phụ khoa Shivani Sachdev Gour thuộc Bệnh viện tư nhân SCIH ở New Delhi cho biết mỗi tháng bệnh viện của bà tiếp nhận khoảng 25 trường hợp xin đẻ thuê từ Anh, Mỹ và các nước Trung Đông. Nhu cầu mang thai hộ ở Ấn Độ cũng rất lớn bởi khoảng 14% trong tổng số 80 triệu cặp vợ chồng vô sinh trên thế giới là ở Ấn Độ.

Tòa án tối cao Ấn Độ hợp pháp hóa dịch vụ mang thai hộ vì mục đích thương mại từ năm 2002. Tuy nhiên, từ đó đến nay chính quyền New Delhi chưa có một đạo luật cụ thể nào để quản lý dịch vụ nhạy cảm này. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều công ty môi giới hay những cá nhân trung gian đã lừa đảo, đẩy nhiều phụ nữ nghèo vào “nghề” mang thai hộ mà không được sự bảo vệ cần thiết.

Mới đây Quốc hội Ấn Độ đã thông qua luật quy định về công nghệ sinh sản hỗ trợ, trong đó quy định phụ nữ mang thai hộ có độ tuổi từ 21-35 và chỉ được phép sinh năm lần, bao gồm cả con ruột. Người mang thai hộ không được phép nhận phôi thai từ một cặp vợ chồng quá ba lần. Nếu người mang thai hộ có chồng thì phải được sự chấp thuận của chồng. Các bệnh viện và trung tâm y tế sẽ phải tuyệt đối giữ bí mật tên tuổi của người mang thai hộ. “Đây là bước tiến quan trọng để bảo vệ lợi ích của các bậc cha mẹ và quyền của người mang thai hộ”, luật sư về quyền công dân Kamini Jeswal ở New Delhi khẳng định.

Dịch vụ đẻ thuê bùng nổ ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, dịch vụ đẻ thuê tuy chính thức bị cấm nhưng lại đang phát triển mạnh. Dù không có số liệu chính thức, nhưng theo ước tính vào tháng 4-2010 của tạp chí Đô Thị Miền Nam ở Quảng Châu thì trong vòng 30 năm qua, đã có khoảng 25.000 đứa trẻ ra đời từ dịch vụ đẻ thuê ở Trung Quốc.

Ông Jiang Lei, một nhà môi giới đẻ thuê ở Bắc Kinh, cho biết hiện tại mỗi năm có 500-600 trẻ sinh ra từ dịch vụ đẻ thuê ở Trung Quốc. Khoảng 50 công ty dịch vụ đẻ thuê đang hoạt động tại Trung Quốc, chủ yếu ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu và tỉnh Hà Bắc. Chi phí dịch vụ đẻ thuê ở Bắc Kinh lên đến 44.320 USD. Khách hàng phải trả cho công ty môi giới từ 4.500-6.000 USD tiền “dịch vụ kết nối” với các bác sĩ.

Phần lớn người đẻ thuê ở Trung Quốc là phụ nữ nghèo đến từ các thành phố nhỏ hoặc vùng nông thôn, có độ tuổi từ 22-35. Ông Jiang Lei cho biết do hợp đồng đẻ thuê tại Trung Quốc không có giá trị pháp lý nên không ít rắc rối đã xảy ra, ví dụ như những đứa trẻ mới sinh bị bỏ rơi hoặc người đẻ thuê không chịu giao con cho khách hàng.

HIẾU TRUNG
(Theo Times of India, PTI, Shanghai Daily)

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.