Sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: Nước đang dâng cao trong hầm có người mắc kẹt

17/12/2014 12:03 GMT+7

(TNO) Thông tin nước đang dâng cao trong đoạn hầm mà 12 người mắc kẹt bên trong khiến lực lượng cứu hộ hết sức lo lắng.

(TNO) Lúc 10 giờ hôm nay 17.12, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì cuộc họp khẩn được tổ chức ngay tại lán trại chỉ huy việc cứu hộ cứu nạn vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng- Đạ Chomo. Thông tin nước đang dâng cao trong đoạn hầm mà 12 người mắc kẹt bên trong khiến lực lượng cứu hộ hết sức lo lắng

 Việc làm cấp thiết trước mắt là có biện pháp khoan lỗ để hút nước ra,
tiếp tế lương thực, nước uống cho các nạn nhân bên trong
Ông Nguyễn Xuân Tiến cho biết hiện mũi khoan chính phía trước đoạn hầm đã khoan được 30 m. Một mũi khoan phía đối diện cũng đã được tiến hành, dự kiến sẽ phải khoan 50 m. Hiện tại, công binh Quân khu 7 đang tiến hành khoan rút nước cho đoạn hầm bị sập.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo việc làm cấp thiết trước mắt là có biện pháp khoan lỗ để hút nước ra. Đồng thời phải tiếp tế lương thực, nước uống cho các nạn nhân bên trong.
Sau khi khảo sát tình hình từ vị trí sập hầm, ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà 10 báo cáo hiện tại nước bên trong đang tiếp tục dâng cao, nếu không hút nước ra kịp thì nước sẽ ngập và bít ống thông hơi.
Về phương án cứu hộ, ông Lan đưa 2 phương án. Phương án 1: Tiếp tục đào hầm, kè sắt gỗ chữ A men theo thành hầm để giải cứu 12 người đang kẹt bên trong. Phương án 2 song song, nếu khảo sát phía trên đường hầm, nếu đất không sụt lở sẽ đào đất thông ống 60 cm hoặc 90 cm để 12 người bị kẹt chui ra.
Lúc 2 giờ 30 hôm nay (17.12), 31 công binh của Quân khu 7 mang theo phương tiện máy móc đến hiện trường vụ sập hầm phối hợp cứu hộ cứu nạn. Đại tá Phạm Văn Hùng, Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cho biết đã huy động 110 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường phối hợp việc cứu hộ. Công an Lâm Đồng cũng huy động hơn 100 Cảnh sát cơ động đến dựng lán trại, lập trạm cứu thương và lo việc hậu cần. Ngành lâm nghiệp huy động lực lượng đến cưa cây để làm cừ vách hầm.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty CP Sông Đà 505 phải luôn có cán bộ túc trực trong hầm để điều phối việc cứu hộ cứu nạn. Còn đại tá Hoàng Công Thạo đề nghị mỗi bộ phận cứu hộ có 1 tổ trưởng thuộc Công ty Sông Đà để điều phối công việc, vì một ngày trôi qua, lực lượng cứu hộ đông nhưng thiếu sự điều hành và phối hợp nên chưa mang lại hiệu quả cao.
Ông Lê Viết Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng (chuyên gia về đào hầm mỏ), cho biết: “Nếu làm liên tục và tích cực thì sớm nhất 2 ngày nữa mới có thể thông hầm”.
 
Tích cực cứu hộ
Bàn kế hoạch cứu hộ
Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng (trái) chỉ đạo việc cứu hộ
Chở vật liệu vào hầm
Công binh xác định vị trí sập trên bản đồ
Làm lán trại
Hàn sắt đưa vào hầm
Làm trại cứu thương
Lực lượng cứu hộ
Tập kết gỗ
Bản đò vị trí sập hầm

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.