Sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo: 12 công nhân đã được cứu thoát an toàn

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư khen lực lượng cứu hộ (TNO) Theo thông tin mới nhất, 12 công nhân đã được cứu thoát ra khỏi hầm vào khoảng 16 giờ 30 chiều nay 19.12.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư khen lực lượng cứu hộ

(TNO) Theo thông tin mới nhất, 12 công nhân đã được cứu thoát ra khỏi hầm vào khoảng 16 giờ 30 chiều nay 19.12.

Các công nhân mặc dù rất yếu, nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo...
 ... và được đưa ngay vào lán y tế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư khen lực lượng cứu hộ
Dù đang có chuyến công tác tại Thái Lan, khi nhận được tin 12 công nhân được cứu thoát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui mừng và đã có thư khen ngợi lực lượng cứu hộ.
Trong thư Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, Công an tỉnh Lâm Đồng; Y tế tỉnh Lâm Đồng; Điện lực tỉnh Lâm Đồng; UBND huyện Lạc Dương; UBND xã Lát; Các bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công thương, Y tế; Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng); Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (Bộ Công an); Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7, Lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an TP.HCM; Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Sông Đà; Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng của các ngành tham gia công tác cứu nạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy truyền thống cao đẹp với tinh thần thương người như thể thương thân.

"Đây là kết quả rất đỗi vui mừng, đáp ứng mong đợi của người thân, đồng bào cả nước những ngày qua đã quan tâm theo dõi, sẻ chia, ủng hộ", Thủ tướng viết trong thư.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng động viên, thăm hỏi các công nhân bị nạn; đồng thời chỉ đạo các y, bác sĩ tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế để khám, cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho các công nhân bị nạn, hỗ trợ gia đình có khó khăn sớm ổn định trở lại.
Tối nay đại diện báo Thanh Niên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng thăm và trao tiền hỗ trợ của báo cho 12 công nhân gặp nạn, mỗi người 5 triệu đồng.

Hiện tất cả 12 công nhân được điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, trong đó chị Ngọc nặng nhất đang được chăm sóc đặc biệt.

Cũng trong tối nay lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/người cho các công nhân.
Đại diện báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ cho các công nhân
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đến thăm hỏi, động viên chị Ngọc
[16 giờ 40] Toàn bộ 12 công nhân gặp nạn đã được đưa ra ngoài an toàn.  12 công nhân được đưa ngay về trại dã chiến của bộ phận y tế. Các công nhân khá yếu, nhưng vẫn tỉnh táo. Một công nhân được chuyển thẳng về Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. 11 công nhân còn lại vẫn đang nằm tại trại y tế dã chiến. 
Ngay trong tối nay, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, PV Thanh Niên sẽ trực tiếp gửi khoản tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/người của Báo Thanh Niên cho 12 công nhân gặp nạn.
Thông tin từ đại tá Phạm Văn Tỵ, ngay trong chiều tối nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, sẽ ký quyết định khen thưởng tập thể cứu hộ cứu nạn tham gia ứng phó với vụ tai nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã tặng lẵng hoa và "thưởng nóng" 100 triệu đồng cho lực lượng quân đội tham gia cứu hộ.
Rất nhiều xe y tế xuất hiện. Các xe được đưa thẳng vào hầm. Không khí toàn bộ khu vực diễn ra cứu hộ như vỡ òa. Niềm vui không thể nào tả xiết.
Được biết, 12 công nhân thoát ra từ đường hầm phụ bên trái, đường hầm do lực lượng công binh đào.
Lực lượng công binh kể lại, khi gần đến vị trí những công nhân gặp nạn, họ nghe thấy được tiếng người phía bên kia la lên là nhìn thấy ánh sáng. Khi tiếp cận được khu vực hầm bị sập thì mọi người thấy 12 công nhân đang đứng phía dưới với nước ngập ngang ngực.

Lần lượt từng người được đưa ra khỏi hầm. Có 5 người bị đuối sức khi vừa ra tới cổng hầm. Đường hầm phụ cứu hộ bên trái được đào sau, nhưng tốc độ nhanh, đã "đến đích" trước.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, cho biết hiện tại sức khỏe 11 công nhân nam vẫn tốt, đang nghỉ ngơi tại trại y tế dã chiến. Riêng chị Ngọc sức khỏe yếu hơn, nên được chuyển ngay về Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng. 
Sau khi nghỉ ngơi, các công nhân đã được chuyển dần về Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng. Trong tối nay, tất cả 12 công nhân sẽ được đưa hết về bệnh viện.
[15 giờ 30] Trước thông tin việc đào đường hầm phụ bên trái đang tạm dừng, đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, kiêm Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về cứu hộ cứu nạn, cho biết ngách trái gặp đá cuội khá lớn, lực lượng công binh đang tìm cách khắc phục. Do đá lớn hơn nhiều so với trường hợp bên ngách hầm phải, công binh không thể dùng mìn phá đá mà phải đưa thiết bị chuyên dụng vào phá. 
16 giờ, đại diện Công ty Điện lực Lâm Đồng đã trao số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng cho đội cứu hộ cứu nạn của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.
Đại tá Tỵ cũng cho biết Việt Nam đủ sức cứu hộ trong vụ việc này, nên chưa cần kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo ông Tỵ, tình hình đào hầm đang tiến triển khá tốt, có thể ngày mai sẽ tiếp cận được với các công nhân gặp nạn.
Đại tá Tỵ cho biết thêm, Bộ Quốc phòng đã điều 2 lữ đoàn cùng 1 tiểu đoàn công binh vào hỗ trợ. Đây là tiểu đoàn công binh từng nhiều lần diễn tập cứu hộ cứu nạn với quân đội các nước, đồng thời cũng trực tiếp thực hiện những công trình quốc phòng có độ phức tạp cao.

Diễn tập cứu nạn ngay tại hiện trường, chuẩn bị phương án đón 12 công nhân gặp nạn
[15 giờ 20] Công ty TNHH MTV Dịch vụ công trình đô thị Đà Lạt chở 2 nhà vệ sinh công cộng đến cửa hầm thủy điện Đạ Dâng -  Đạ Chomo phục vụ lực lương cứu nạn, đồng thời don dẹp vệ sinh khu vực đóng lán trại cứu hộ.  
[14 giờ] Nước trong hầm đã rút hết. Đường hầm phụ bên phải đã đào sâu được 20 mét. Theo ban chỉ huy cứu hộ tại hiện trường, dự kiến với tiến độ này, khuya nay hoặc rạng sáng mai, 12 công nhân bị kẹt trong đoạn hầm sụp sẽ được cứu thoát. 
Công binh đào hầm phụ là giải pháp tối ưu
Trao đổi với Thanh Niên Online trưa nay 19.12, Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, cho biết quân đội đã điều động phương tiện hiện đại và nhân lực tham gia công tác cứu hộ. Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về khả năng mời các đội cứu hộ nước ngoài cùng tham gia, ông Phạm Ngọc Minh cho rằng lực lượng và trang thiết bị của quân đội hoàn toàn có đủ khả năng đảm bảo công tác cứu hộ. Qua khảo sát, nền địa chất ở hiện trường rất yếu, giải pháp huy động bộ đội công binh đào hầm phụ tiếp cận khu vực có nạn nhân bị mắc kẹt là phương án tối ưu nhất để đảm bảo an toàn nhất cho các nạn nhân và lực lượng đang tham gia cứu hộ.
Phan Hậu
Cùng thời điểm, lực lượng công an và y tế đã tổ chức diễn tập cứu hộ ngay tại hiện trường, chuẩn bị các phương án đón các công nhân mắc nạn.
Giám đốc Công an Lâm Đồng Bùi Văn Sơn cho biết tốc độ đào hầm phụ đang tiến triển tốt. Lực lượng cứu hộ đã lên phương án đón các công nhân bị kẹt trong đoạn hầm sụp.
[13 giờ 20] Trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên Online, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết công tác đào hầm, cứu hộ đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, Bộ cũng đã có đưa ra một phương án dự phòng, nhờ một đối tác Nhật Bản tham gia cứu hộ, và đã thông báo để họ chuẩn bị. Nếu tình hình không đạt yêu cầu thì sẽ chính thức nhờ họ hỗ trợ máy móc thiết bị và chuyên gia. 
[12 giờ] PV Thanh Niên Online vừa ra khỏi cửa hầm, sau khi trực tiếp vào tận điểm khoan chính trong hầm. Đường hầm khá ẩm thấp, nước khắp nơi. Hầm phụ bên phải đã đào được 11 mét, hầm trái đào được 10 mét.
Đại úy Nguyễn Việt Giang (Binh chủng Công binh), cho biết việc đào hầm diễn ra thuận lợi.
Tại nơi tiếp phẩm và liên lạc với 12 công nhân bị kẹt, một công nhân túc trực liên tục. Anh Giản Viên Dung (người Nghệ An), phụ trách tiếp phẩm, cho biết anh là người cùng làng với anh Nam (anh Nam thường xuyên liên lạc với mọi người bên ngoài - PV).
Anh Dung cho biết anh Nam có một vợ và hai con. Còn chị Ngọc, cùng quê Nghệ An, cũng đã có một con. Vì là người cùng làng, cùng chất giọng địa phương, anh Dung gần như đảm nhận luôn việc liên lạc với anh Nam.
Lúc 11 giờ 30, anh Dung đã liên lạc được với anh Nam để nhắc đã đến giờ tiếp phẩm. Nhưng khi dung dịch tiếp phẩm được đưa vào thì tạm thời chưa liên lạc lại được với anh Nam vào thời điểm đó.
Clip: Cận cảnh lực lượng cứu hộ đào hầm đưa các công nhân ra ngoài
Công nhân đang đưa can dung dịch vào để tiếp tế cho công nhân bị nạn
[11 giờ 45] Từ hiện trường PV Thanh Niên Online nhận được cuộc điện thoại từ số 09039329..; giọng nói yếu ớt của một cụ bà cất lên giới thiệu tên là Chu Thị Lan Đình (71 tuổi) và cụ ông là Lê Hồng Công (76 tuổi). Hằng ngày vẫn theo dõi trên Báo Thanh Niên vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo.

Cụ hỏi thăm: “Các công nhân giờ này thế nào rồi chú? Chúng tôi mong lực lượng cứu hộ sớm thông được hầm đưa họ ra ngoài”.

“Biết họ ở trong hầm 4 ngày rồi, rất lạnh, vợ chồng già tôi lo lắng cho sức khỏe của họ, nên qua chú nhờ chuyển đến 12 công nhân mắc kẹt củ sâm Hàn Quốc và quế trị giá hơn 30 triệu đồng để bồi bổ sức khỏe và giữ ấm cho cơ thể”, cụ Đình nói. 

Cụ Đình cho biết sẽ gửi nhanh sâm và quê lên Đà Lạt để kịp sáng mai nhờ chúng tôi gửi đến Ban chỉ huy cứu nạn chuyển đến các công nhân bên trong hầm.
Hầm phụ bên phải đã đào đến gần các công nhân gặp nạn
[11 giờ] Mũi khoan tại cửa xả đã khoan được tới vị trí các công nhân gặp nạn. Nước phụt ra từ lỗ khoan rất mạnh khiến các công nhân đang tiến hành khoan giật mình chạy thoát ra ngoài. Khi xác định được mũi khoan đã thành công, mọi người ôm nhau reo hò.
Theo ông Trần Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Công ty Sông Đà 10, người trực tiếp chỉ huy và chứng kiến thời điểm nước phụt mạnh từ mũi khoan, cho biết: "Cảm xúc lúc này rất khó tả, anh em chỉ biết ôm nhau vui mừng vì mục tiêu rút nước cho đoạn hầm sập đã thành công. Nước rút sẽ dễ dàng hơn cho việc đào hầm cứu hộ rất nhiều".
Ông Tấn cho biết thêm, hiện mũi khoan cách nền hầm 1,2 mét. Nước sẽ không dâng lên cao hơn mức này. Đội khoan sẽ tiếp tục khoan vào sâu thêm, đánh tan bùn, để bùn sẽ theo lỗ khoan chảy ra ngoài.

Từ 4 giờ sáng tới hiện tại, khoảng 400 mét khối bùn đã được đưa ra ngoài. Hiện nay, theo quan sát của PV Thanh Niên Online, nước từ lỗ khoan phun ra đã giảm, chứng tỏ mực nước bên trong đã rút, không còn tạo áp lực mạnh như lúc trước.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục duy trì mũi khoan ở cửa xả
Máy khoan nhỏ khoan lỗ chuyển thức ăn, bơm oxy vào nơi công nhân gặp nạnMáy khoan nhỏ khoan lỗ chuyển thức ăn, bơm oxy vào nơi công nhân gặp nạn
[10 giờ] Một xe cứu hỏa được điều động vào phía trước hầm thủy điện để hút nước.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã có mặt tại hiện trường cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.
Dùng xe cứu hỏa để rút, xả nước từ đường hầm chính
[9 giờ 45]: Lực lượng cứu hộ triển khai thêm mũi khoan trên đỉnh đồi, song song với mũi khoan cũ.
[ 9 giờ 40]: Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết việc đặt mìn phá đá ở đoạn hầm phụ bên phải đã hoàn tất, bảo đảm an toàn. Ở mũi khoan phía hạ lưu đã thông vào đoạn hầm sập, lực lượng cứu hộ liên tục liên lạc với các công nhân bị kẹt để tiến hành đo vạch nước. Nhiều khả năng chiều nay nước trong đoạn hầm sập sẽ được rút, xả hết.
Theo ông Tiến, lực lượng cứu hộ hiện tại đã huy động đến 600 - 700 người. Riêng việc tiếp phẩm đã chuyển sang sử dụng các dung dịch chứa nhiều vitamin, chất bổ..., 4 tiếng/lần tiếp phẩm. 
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ quay lại hiện trường vụ sập hầm thủy điện để tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Mũi khoan mới trên đỉnh đồi.

Giảm số giờ/ca, luân chuyển liên tục các kíp đào hầm
[9 giờ 15] Đại tá Phạm Hữu Tuấn (Binh chủng Công binh) lý giải về quyết định nổ mìn ở đường hầm phụ bên phải: Việc đào hầm phụ gặp đá to, nên lực lượng cứu hộ quyết định khoan và đặt một lượng nhỏ thuốc nhỏ, chỉ đủ làm vỡ đá, chứ không có tác động lớn gì đến xung quanh.
Cũng theo đại tá Tuấn, phương án đào từ phía hầm thượng lưu vẫn là phương án cứu hộ khả thi nhất. Mũi khoan thông đến đoạn hầm sập sáng nay ở phía hạ lưu sẽ đảm nhiệm việc rút xả nước, cấp oxy... cho các công nhân bị kẹt bên trong
Hiện tại, sức khỏe của các công nhân bị kẹt vẫn tốt. Nước ngập trong hầm đang hạ nhanh sau khi mũi khoan phía hạ lưu bắt đầu phát huy tác dụng trong việc rút, xả nước. Hôm nay, lực lượng cứu hộ sẽ đẩy nhanh tiến độ bằng cách tiếp tục giảm số giờ trên mỗi ca đào, còn 2 giờ/ca. Theo ông Tuấn, công binh đã điều động 110 chiến sĩ tham gia trực tiếp đào hầm cứu hộ. 

Tại cửa xả, mũi khoan đã khoan vào khoảng 60 mét, chuẩn bị tiếp cận khu vực bị sập. Bùn, nước tràn ra xối xả tại khu vực miệng cửa xả
[9 giờ] Đại tá Tỵ cho biết tình hình khoan cứu hộ đang có nhiều thuận lợi. Việc đào hai đường hầm phụ tiếp cận từ hai phía trái phải đoạn hầm sụp sẽ tiếp tục triển khai trong hôm nay. Theo ông Tỵ, đây là biện pháp cứu hộ an toàn nhất để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các công nhân bị kẹt và cả lực lượng cứu hộ.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng công binh, cho biết lực lượng cứu hộ sẽ cho nổ một lượng nhỏ thuốc nổ ở đường hầm phụ bên phải để phá một số vật cản. 
Hút nước từ đoạn hầm bị sập ra ngoài
[8 giờ 45] Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết mũi khoan phía hạ lưu (có nhiệm vụ hút nước ra ngoài) đã khoan thủng đến đoạn hầm bị sập. 
[8 giờ 30] Cuộc họp tại sở chỉ huy kết thúc. Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, kiêm Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về cứu hộ cứu nạn cho biết trong ngày hôm nay, việc khoan đào hầm cứu hộ vẫn tiếp tục triển khai đồng thời 3 hướng như ngày hôm qua.
[7 giờ 30] Ban chỉ huy cứu nạn yêu cầu các lực lượng về sở chỉ huy để Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến họp triển khai phương án cứu nạn trong ngày thứ 4.
Ban chỉ huy cứu nạn tại khu vực sập đường hầm thủy điện cho biết đã huy động tất cả các loại phương tiện tốt nhất, hiệu quả nhất từ tất cả các lực lượng như công binh, công an, điện lực... để triển khai các phương án cứu hộ.
Các loại xe, phương tiện từ hiện đại đến thô sơ đã có mặt tại hiện trường sẵn sàng chờ lệnh triển khai trong mọi tinh huống
 

Các xe nghiệp vụ viễn thông đã triển khai tại hiện trường
Sáng nay, VNPT Lâm Đồng phối hợp với Vinaphone đưa xe chuyên dụng vào để đảm bảo thông tin liên lạc ở khu vực bị sập hầm.
Ông Đoàn Duy Tuyền, phòng kỹ thuật VNPT Lâm Đồng, cho biết xe chuyên dụng phát sóng phải đưa từ TP.HCM lên vì ở Lâm Đồng không có sẵn. Tối qua, VNPT Lâm Đồng đã kéo cáp quang vào cách vị trí vụ tai nạn 4 km. Hiện tại ngoài sóng Viettel, sóng Vinaphone và Mobifone đã phủ toàn bộ khu vực cứu hộ. Lực lượng viễn thông đang cố gắng kết nối 3G để phục vụ việc truyền tải thông tin của báo chí.
[6 giờ] Hai mũi khoan phía sau chỉ còn cách khoảng 5 mét so với vị trí của công nhân mắc kẹt. đường hầm phụ bên phải đã đào được 15 mét, đường hầm bên trái đào được 10 mét. Đại diện lực lượng cứu hộ cho biết càng vào sâu đất đá mềm hơn nên việc đào hầm có thuận lợi.
Vào lúc 22 giờ tối qua, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã viết thư tay, chuyển cho các công nhân thông qua đường ống tiếp thức ăn. Nội dung thư cho biết ở phía ngoài lực lượng cứu hộ đang làm việc hết mình để đưa công nhân ra sớm nhất. Ông Yên cũng động viên các công nhân cố gắng giữ tinh thần, sức khỏe.
Xe giàn khoan của lữ đoàn 293 binh chủng công binh từ Cam Ranh - Khánh HòaXe khoan của lữ đoàn 293 binh chủng công binh từ Cam Ranh - Khánh Hòa được đưa đến
Xe múc đất, san lấp vật cảnXe múc đất, san lấp vật cản
 Xe của lực lượng cứu hộ từ TP.HCMXe của lực lượng cứu hộ từ TP.HCM
 Xe của lực lượng cứu hộ từ TP.HCMXe của Điện lực Đà Lạt
Xe dùng vận chuyển thiết bị trong đường hầmXe dùng vận chuyển thiết bị trong đường hầm
Máy phát điện luôn phiên sử dụngMáy phát điện luôn phiên sử dụng
Xe viễn thông tiến vào hiện trường

Tranh thủ lót dạ bằng mì gói

Trực chiến 24/24
Infographic: Toàn cảnh vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.