Sập giàn giáo tại Formosa: Nhiều bất thường về bảo hiểm xã hội của các nạn nhân

30/03/2015 15:50 GMT+7

(TNO) Trả lời Thanh Niên Online sáng nay 30.3, ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình, tiết lộ nhiều điểm bất thường xung quanh việc đóng bảo hiểm xã hội cho các nạn vụ sập giàn giáo kinh hoàng tại công trường Formosa tối 25.3.

(TNO) Trả lời Thanh Niên Online sáng nay 30.3, ông Lê Hùng Sơn - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình, tiết lộ nhiều điểm bất thường xung quanh việc đóng bảo hiểm xã hội cho các nạn vụ sập giàn giáo kinh hoàng tại công trường Formosa tối 25.3. 

Sập giàn giáo tại Formosa: Nhiều bất thường về bảo hiểm xã hội của các nạn nhânÔng Lê Hùng Sơn - Ảnh: Đinh Dụng
Ông Sơn cho biết: Từ năm 2014 trở về trước, Công ty Nibelc Việt Nam (trụ sở đặt tại Ninh Bình, nhà thầu phụ cung cấp nhân lực cho nhà thầu chính Samsung C&T  - PV) đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội cho tương đối đông lao động và đóng cũng tương đối kịp thời. Tuy nhiên, từ tháng 1, công ty bắt đầu báo giảm danh sách tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất nhiều, khoảng 500 lao động. Hiện công ty này chỉ còn đóng bảo hiểm xã hội cho 149 người.
Các y bác sĩ đang chăm sóc cho các nạn nhân vụ sập giàn giáo - Ảnh: Nguyên Dũng
Thanh Niên Online: Công ty Nibelc Việt Nam đã đóng bảo hiểm xã hội cho 13 người chết và 28 người bị thương trong vụ sập giàn giáo tại Formosa hay chưa?
Ông Lê Hùng Sơn: Thông thường, trụ sở doanh nghiệp đóng ở đâu thì chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở địa phương đó. Theo đối chiếu sơ bộ của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình, 41 nạn nhân, gồm 13 người tử nạn và 28 người bị thương, không nằm trong danh sách đã đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Chúng tôi bước đầu xác nhận có 5 trong số 13 công nhân tử nạn đã nằm trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội trước đây. Tuy nhiên, từ tháng 6.2014 đến tháng 1, Công ty Nibelc Việt Nam báo giảm đóng bảo hiểm xã hội đối với cả 5 lao động này với lý do tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Lúc 8 giờ 30 sáng 26.3, nhân viên của Công ty Nibelc Việt Nam đã đến bảo hiểm xã hội huyện Gia Viễn (Ninh Bình) nộp hồ sơ tăng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho 771 lao động.
Hiện trường vụ sập giàn giáo tại Formosa Hà Tĩnh - Ảnh: Nguyên Dũng 
* Theo ông, việc tăng 771 lao động đóng bảo hiểm ngay sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn liệu có bất thường?
- Việc này có mấy điểm bất thường và chúng tôi đang làm rõ. Thứ nhất, tối hôm trước xảy ra tai nạn, sáng hôm sau người ta đã tới đăng ký đóng tăng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Thứ hai là họ đăng ký một cách ồ ạt. Thứ ba, bằng cảm quan, cán bộ bảo hiểm xã hội nhận thấy, gần như tất cả chữ ký của các lao động trong hồ sơ của công ty nộp là do một người ký. Điểm bất thường thứ tư là có những trường hợp công ty báo tăng nhưng lại truy thu từ tháng 1 năm nay.
Theo quy trình tiếp nhận và giải quyết chế độ của cơ quan bảo hiểm xã hội, chúng tôi đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty Nibelc Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị công ty này cung cấp bảng thanh toán lương và hợp đồng lao động từ tháng 1.2015 của những trường hợp công ty báo tăng nhưng truy thu từ tháng 1.2015.
* Trong danh sách Công ty Nibelc Việt Nam nộp tại Bảo hiểm xã hội huyện Gia Viễn có tên những công nhân gặp nạn trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa?
- Chúng tôi cũng có đặt câu hỏi này với nhân viên của Công ty Nibelc Việt Nam nhưng người ta không nói cụ thể là trường hợp nào. Trong biên bản tiếp nhận hồ sơ có xác nhận chung chung, trong số những người báo tăng này thì có cả những người bị tai nạn tối 25.3.
* Xin cám ơn ông.
Một nạn nhân trong vụ sập giàn giáo ở Formosa (Hà Tĩnh) đang nằm điều trị tại bệnh viện, cung cấp những thông tin ban đầu cho cơ quan chức năng về vụ tai nạn - Ảnh: Khánh Hoan
Theo ông Lê Hùng Sơn, nếu công nhân tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì không chỉ bản thân người lao động được thụ hưởng chính sách mà phía chủ sử dụng lao động cũng giảm được nhiều gánh nặng.
Cũng theo ông Sơn, nếu công nhân đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong trường hợp bị thương do tai nạn lao động gây ra sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.
Khi điều trị ổn định vết thương, người lao động đi giám định vết thương, nếu suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% sẽ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Theo quy định, chỉ cần đã tham gia đóng 1 tháng bảo hiểm xã hội và đóng với mức lương tối thiểu vùng, tức mức lương thấp nhất, thì mức trợ cấp tai nạn lao động một lần mà người lao động được hưởng sẽ ở vào khoảng gần 30 triệu đồng.
Trong trường hợp, người lao động suy giảm từ 31% sức khỏe sau tai nạn lao động trở lên sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn thường xuyên hàng tháng cho đến khi qua đời.
Trường hợp người lao động tử nạn do tai nạn lao động, nếu tham gia bảo hiểm xã hội, kể cả trong tháng đầu tiên, cũng được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở (khoảng 11,5 triệu đồng) và chế độ tai nạn lao động bằng 36 tháng lương cơ sở (trên 40 triệu đồng).
Thêm vào đó, nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội tử vong do tai nạn lao động thì bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ hoặc vợ (chồng) quá tuổi lao động mà không có nguồn thu nhập nào khác cao hơn mức lương cơ sở thì sẽ được hưởng chế độ tuất thường xuyên không quá 4 định suất, mỗi định suất 575.000 đồng/1 tháng. Con của người lao động, trong trường hợp này cũng sẽ được hưởng chế độ tuất cho đến khi đủ 18 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.