Sài Gòn sau ngày đổi đời - Kỳ 1: Dẫn đường cho bộ đội

27/04/2015 14:42 GMT+7

(TNO) Trưa ngày 30.4.1975 lịch sử, có lẽ khoảng nửa dân số Sài Gòn lúc đó quên ăn trưa. Lớp thì nô nức đón chào bộ đội, lớp thì lo lắng tìm người thân ở các nơi.

(TNO) Trưa ngày 30.4.1975 lịch sử, có lẽ khoảng nửa dân số Sài Gòn lúc đó quên ăn trưa. Lớp thì nô nức đón chào bộ đội, lớp thì lo lắng tìm người thân ở các nơi.

Tiếp quản nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975 - Ảnh tư liệu Sawaco 

Đội quân Hồng thập tự

40 năm trước, những ngày rày nóng bỏng tin tức chiến sự, không chỉ từng ngày mà từng giờ. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa liên tục “di tản chiến thuật”, lùi dần về Sài Gòn và phương Nam. Đầu tháng 4, trong buổi sinh hoạt dã ngoại, che mắt chính quyền, chúng tôi được mật lệnh “Chiến tranh có thể ác liệt và kéo dài khi chính quyền Sài Gòn tử thủ”. Phải chuẩn bị cả vật chất lẫn tinh thần để ứng phó. Chúng tôi được huấn luyện sơ cấp cứu cấp tốc, mỗi đứa có thẻ chứng nhận của Hội Hồng thập tự, kè kè bên hông túi cứu thương bằng vải với chữ thập đỏ chói. Bên trong, ngoài một ít thuốc sơ cứu thông thường, toàn là tài liệu của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam dành cho vùng mới tiếp quản.

Chúng tôi được chia thành từng nhóm, 3 - 4 người, bám vào các khu lao động, thường hoán đổi chỗ ở. Cuối hè 1974, tôi vào Sài Gòn. Tính đi làm kiếm tiền phụ mẹ cho 6 đứa em ăn học mà không thể, vì không vào đại học thì đi lính. Đi lính cũng có tiền nhưng tôi sợ chết nên chọn con đường học đại học và đi làm thêm đủ thứ để tự trang trải mọi chi phí.  Phải gác ước mơ làm bác sĩ và thầy giáo để học luật. Giản đơn, học luật không tốn nhiều tiền, không phải điểm danh, có thể tự học nên đi làm thêm thoải mái. Mới vào học, đã được mấy anh chị lớp trên, vừa hoạt ngôn, vừa học giỏi, lại đep trai, xinh gái rủ rê đi sinh hoạt cuối tuần. Sau 1975 mới biết, mấy anh chị đó, toàn là cơ sở hoạt động nội thành. Ban đầu nói chuyện giúp nhau học hành, hỗ trợ tìm việc làm thêm, dần dà qua chuyện đời, rồi bức xúc trước bao nghịch cảnh và tham gia cách mạng lúc nào không hay.

Hoạt động thuộc Ban mặt trận Thành đoàn, tôi thường xuyên qua lại các địa chỉ như Vườn Xoài (Trung tâm Thanh Cần), 370 Lê Văn Duyệt - trụ sở Thanh Lao Công (nay là đường Cách mạng tháng 8), Nhà thờ Chúa Cứu Thế (Kỳ Đồng) và 229 Hiền Vương - trụ sở phong trào JUC (nay là đường Võ Thị Sáu).

Tôi được anh Trần Đình Vĩnh (nhà báo Quốc Vĩnh, cựu Phó tổng biên tập thời báo Kinh tế Sài Gòn) và chị Ngọc Dung (lúc đó gọi là Châu, cựu giám đốc khách sạn Hải Sơn, Đà Lạt) mời tham gia “tổ chức” nhưng trước đó đã nhận lời với anh Nguyễn Văn Hậu (Năm Kiên, bên Thanh Lao Công, đã mất). Ngày 20.4, sau khi sinh hoạt dã ngoại ở Thủ Đức về, tôi “thoát ly” nhà trọ, tham gia chuẩn bị đón cách mạng vào Sài Gòn. Nhóm tôi được trang bị một ít tiền, một hộp giấy stencil (giấy sáp), 2 cây viết sắt, mấy hộp giấy và mực để quay roneo. Thêm một ít vải xanh, vàng, đỏ để làm băng đeo tay cờ mặt trận mini. Ngồi canh radio, nắm tình hình, dùng bút sắt viết lên giấy sáp các thông tin, rồi kéo thành từng tờ trên giấy và phát cho mọi người. Từ ngày 29, chiến sự nhanh tới mức, chưa in xong truyền đơn thì tin tức đã lạc hậu.

Người dân vùng lân cận Sài Gòn khổ cực di tản trong chiến tranh - Ảnh: Laurent, chụp từ Bộ ảnh "Hồi niệm" triển lãm tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, tháng 4.2013

Trực giác mơ hồ mà tin cậy

Mấy ngày đó, thành phố nhốn nháo, đạn pháo ì oàng vọng về từ các vùng phụ cận. Có cả pháo lẫn bom ném xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Dân tình đa số hoang mang và nháo nhào di tản. Mình thì náo nức nhưng không dám biểu lộ, cứ vô can góp ý động viên. Có mấy chị hoảng hốt kháo nhau: “Việt Cộng vào là lấy kềm nhổ móng tay dài, cắt quần ống loe. Nghe nói mũi giả là vặt mũi luôn. Thứ gì giả là vặt tất”. “Làm sao mấy ổng biết giả?”. “Thì tui nghe nói vậy”… Nghe tức cười, mấy lần suýt lộ bí mật vì ngứa tai, định nói rõ chủ trương của cách mạng. May mà dừng lại kịp thời.

Mấy ngày đó, cả nhóm cứ lâng lâng rạo rực, rất ít ăn và ngủ. Trực giác cho biết sẽ có một sự kiện ghê gớm sắp xảy ra, mơ hồ mà tin cậy. Suốt đêm 29 ngồi may cờ và băng đeo tay. Sáng sớm 30.4 rị mọ làm xong truyền đơn trấn an bà con sau khi Long Khánh, cửa ngõ Nam Sài Gòn, thất thủ thì nghe tin xe tăng quân Giải phóng đã qua cầu Rạch Chiếc. Tiếng xe tăng rầm rập trong não, ám ảnh thành âm thanh cuộc đời. Lóng ngóng chẳng biết làm gì, cả bọn vứt “vũ khí”, chỉ mang băng và cờ ào ra đường, đón lõng và dẫn đường cho bộ đội vào thành phố.

Không hiểu bạn Tuyến, bên Khoa học, kiếm đâu ra chiếc jeep lùn, cắm cờ giải phóng, đeo băng Mặt trận chạy qua cầu Trương Minh Giảng. Tôi nhảy phóc lên xe, cầm khẩu carbin, dẫn đường cho bộ đội. Cứ hỏi đâu thì chỉ đó, xong việc lại chạy tiếp, tự chỉ huy nhau làm nhiệm vụ, quên cả ăn trưa, mà không thấy đói. Có lẽ vì quá vui, quá bất ngờ, quá sức tưởng tưởng của mọi người. Dọc đường, dân chúng lũ lượt ra đường. Lớp thì nô nức đón chào bộ đội, lớp thì lo lắng tìm người thân ở các nơi. Dừng chân nghỉ ở đâu là dân tiếp đồ ăn thức uống tới đó. Có mấy người đứng tuổi cứ chạy ra dặn: “Nhà tôi ở đằng kia, số…, có gì em cứ kêu nha”. Chút lo âu, dè dặt ban đầu dần tan biến bởi mấy anh bộ đội hiền và dễ thương đến lạ lùng.

Trưa ngày 30.4 lịch sử, có lẽ khoảng nửa dân số Sài Gòn lúc đó quên ăn trưa!

Tiếng hòa bình đã thấy

Công việc dẫn đường còn tiếp tục tận chiều tối. Tối đó, như một phản xạ bản năng, anh em cùng tụ về 370 Lê Văn Duyệt ăn mì gói, rôm rả chuyện trò trong niềm vui bất tận. Ngạc nhiên nhất là bạn Châu. Có mấy anh bộ đội hỏi thăm, biết cả tông tích lai lịch của gia đình ở Bảo Lộc. Khi đã vãn chuyện, tôi lấy xe đạp chở chị Phi Nga lang thang khắp phố, tận hưởng niềm vui hòa bình. Khát vọng của lời ca “20 năm chờ từng phút giây, hôm nay tiếng hòa bình đã thấy” (Đồng dao hòa bình, Trịnh Công Sơn) đã thành sự thật. Ông đã dự báo chính xác và diễn đạt tuyệt vời cảm xúc của mọi người dân Việt khi chiến tranh kết thúc. Tiếng hát vang vọng trong tim, nghẹn ngào hạnh phúc. Nước mắt cứ lăn dài, ngọt ngào và ngây ngất. Đường phố lắm đoạn còn ngổn ngang, dây thép gai vẫn hiện diện nhưng ngoan hiền chứ không rập rình đe dọa. Ai sống trong thời khắc lịch sử đó, mới hiểu phần nào cảm giác, chứ không thể diễn tả. Biết bao lần lầm lũi đạp xe qua các đường phố Sài Gòn, với những lo toan rình rập và sợ hãi đủ thứ. Tôi và các bạn bè trang lứa, từng cháy bỏng mơ “được đi giữa Sài Gòn thong dong hạnh phúc”. Bây giờ hạnh phúc đang trong tay, cứ như đang mơ và muốn gào thật to cho thỏa. Mấy anh bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố vừa tiếp quản, nhỏ nhẹ nhắc hai chị em về nhà, mới sực tỉnh về lại 370. Khuya ấy, tôi đã đọc cho mọi người nghe bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Bài thơ tôi thuộc từ hồi đệ ngũ (lớp 8), trong tập san Lòng Mẹ của chính quyền Sài Gòn, để nói hộ lòng mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.