Rượu độc tràn lan

21/01/2013 03:15 GMT+7

Với công thức pha chế sởn gai ốc, gồm cồn công nghiệp, nước giếng và thêm một chút... thuốc trừ sâu, những lò rượu dỏm vẫn ngang nhiên tồn tại và đang ráo riết tung hàng bán tết.

Rượu độc tràn lan
Vận chuyển rượu sau khi chế xuất đi tiêu thụ - Ảnh: Nam Anh

Rượu độc tràn lan
Rượu từ cồn pha nước giếng bẩn để la liệt trước cơ sở chế xuất - Ảnh: Minh Sang

Rượu độc tràn lan
Cận cảnh công nghệ chế xuất rượu từ cồn pha nước giếng bẩn - Ảnh: Minh Sang

Trong vai chủ quán nhậu Hà Nội đi lùng mua rượu quê bán tết, tôi được anh Nguyễn Văn Q. (39 tuổi, ở TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), người thuộc lòng các lò ở Đại Lâm (thuộc xã Tam Đa, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) dẫn mối. “Cứ 2 hôm một lần tôi lại đánh xe chở từ 10 - 12 thùng phuy 220 lít đi đổ buôn khắp các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… và Hà Nội. Mỗi chuyến chủ lò trả 300.000 đồng tiền công”, vừa nói Q. vừa dẫn tôi men theo con đường đất bụi mù, gồ ghề, để tới lò nhà bà B., thuộc hàng có cỡ ở Đại Lâm.

Nước giếng bơm lên... thùng phuy

 

Chỉ nhìn bằng mắt thường thôi cũng đủ thấy là rượu chế từ cồn với nước giếng là không đạt chất lượng rồi. Nhưng toàn bộ số rượu mà các hộ chế ra đều được đem đi tiêu thụ ở ngoại tỉnh. Cộng với việc ở làng này vẫn chưa có ai tử vong vì dùng rượu nên rất khó cấm được họ

Ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch xã Tam Đa (H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)

Khi chúng tôi đến, bà B. vừa tiếp chuyện vừa làm công việc thường nhật của mình: pha chế rượu. Chốc chốc, vài ba thùng phuy được “chưng cất” xong,  đóng nắp cẩn thận, rồi được đưa lên thùng xe tải. Điều lạ là lò rượu nhà bà B. chẳng có nồi nấu, bếp lò, men, cơm ủ… mà thay vào đó, “rượu” được dẫn vào hàng loạt những thùng phuy cáu bẩn để ven đường bằng vòi bơm nước. “Ông chẳng hiểu gì hết. Ông tính đi, gạo rẻ bây giờ mỗi yến cũng tốn cả trăm ngàn đồng. Mà một yến giỏi lắm cũng chỉ nấu được hơn 7 lít rượu. Ở đây họ bán 10.000 đồng/lít, tính sơ đã thấy lỗ chỏng vó rồi, nhưng lò nào cũng sống khỏe thì ông biết nhờ đâu rồi”, Q. giải thích khi thấy tôi thắc mắc.

Q. đi trước lần theo đường ống bơm nước, còn tôi bám sau. Đoạn cuối của đầu dây máy bơm dẫn chúng tôi tới một cái giếng. Chỉ tay xuống mặt nước giếng nổi váng vàng, Q. bảo: “Đấy, trước nay lò này vẫn dùng nước giếng pha với cồn để thành rượu trắng kiểu này nên mới có giá 10.000 đồng/lít”. Rồi Q. khoe mình vốn từng là dân làm rượu cồn đổ buôn đi Hà Nội, nên cậu ta có thể đọc vanh vách “chiêu” chế rượu “nút lá chuối” của lò bà B: “Đầu tiên đổ chừng 15 - 20 lít cồn công nghiệp, sau đó đấu vòi mà bơm nước giếng vào, dùng gậy khuấy đều. Cuối cùng là dùng thiết bị đo nồng độ. Nếu nồng độ cao, thì bơm thêm nước giếng, còn thấp quá lại bỏ thêm cồn. Chế rượu kiểu này, nếu khách có nhu cầu, bà B. đủ khả năng cho ra lò cả chục ngàn lít mỗi ngày”.

“Nhưng nước giếng vàng thế thì pha sao được rượu?”, tôi thắc mắc. “Tất nhiên là nước giếng vàng như vậy pha rượu bị khê hết. Nhưng chỉ cần dùng đầu đũa chấm vào lọ thuốc trừ sâu rồi nhúng vào phuy rượu, cứ làm như thế khoảng năm lần, sau đó khuấy đều một lúc rượu sẽ trong vắt như mắt mèo thôi”, Q. tiết lộ.

Vẫn theo lời Q., từ lâu, người dân Tam Đa chỉ dùng nước giếng cho việc tắm rửa. Để đảm bảo sức khỏe, các hộ gia đình đã phải đầu tư hàng loạt hệ thống lọc nước đắt tiền. “Hiện rất nhiều người dân ở Tam Đa vẫn uống rượu, nhưng họ uống rượu nấu bằng men thuốc bắc với gạo nếp hoặc gạo tẻ và chưng cất bằng nước lọc vốn dùng để thổi cơm. Chứ tuyệt nhiên không uống rượu cồn với nước giếng do chính tay họ pha chế ra”, Q. nói thêm.

Khi quay trở ra, viện lý do mua rượu với số lượng lớn để kinh doanh, cần có giấy chứng nhận chất lượng, tôi liền nhận được cái nguýt rõ dài của bà B. “Ôi dào, làng này có ai uống rượu mà bị chết đâu. Bao nhiêu năm nay rồi, không riêng gì nhà này mà nhiều hộ làm rượu khác ở Tam Đa đâu có cần đăng ký sản xuất hay chứng nhận chất lượng”, bà B. nói như đuổi khách.

“Siêu” men

 

Mỗi tháng không dưới 50 người loạn thần

Bác sĩ Nguyễn Quang Bính, Trưởng khoa Điều trị nghiện của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết: vài năm trở lại đây, số người nhập viện để điều trị chứng bệnh rối loạn tâm thần do rượu đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận không dưới 50 lượt bệnh nhân tới điều trị. Riêng năm 2012 đã có tới 600 bệnh nhân nhập viện do dùng rượu. Các trường hợp này đều được xác định đã uống thứ rượu dỏm.

Qua xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện loại rượu này có hai thành phần độc tố vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép và gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Đó là aldehyde có trong dung dịch ngâm xác người, chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong rượu nấu thủ công và pha cồn. Thứ hai là chất furfurol, chất này vô cùng độc hại với hệ tim mạch, thần kinh, gây dị dạng thai nhi...

Theo bác sĩ Bính, dùng phải rượu kém chất lượng cũng rất dễ dẫn tới loạn thần mãn tính.

Qua thực tế ở xã Tam Đa, rồi cả làng Vân nấu rượu nổi tiếng từ bao đời nay thuộc xã Vân Hà, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi chứng kiến người dân không chỉ đua nhau chế rượu cồn pha nước giếng, mà họ còn dùng cả men tươi không biết nguồn gốc từ đâu.

Đó là những túi có trọng lượng 500 gr, được bày bán đầy rẫy với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/túi. Thế mạnh của “siêu men” này là có thể cho sản lượng rượu gấp rưỡi so với các loại men thông thường. Nghĩa là 10 kg gạo sẽ nấu được 11 lít rượu, thay vì 7,5 lít như dùng men truyền thống. Còn khi nấu với sắn củ, sản lượng đạt tới con số không tưởng: 14 lít/10 kg sắn.

Các chủ cửa hàng chuyên cung cấp “siêu” men ở Tam Đa và Vân Hà cho chúng tôi hay, loại men này được nhập về từ Trung Quốc. “Ban đầu người ta còn để nguyên nhãn mác có chữ Trung Quốc trên các gói men. Về sau biết tâm lý dân mình rất sợ không đảm bảo chất lượng nên họ phải làm lại bao bì có in chữ Việt Nam. Giờ thì người nấu rượu dùng loại men này nhiều lắm, vì cho năng suất cao”, một chủ cửa hàng cung cấp “siêu” men ở Tam Đa tiết lộ. Qua quan sát, trên bao bì mỗi gói men này có ghi dòng chữ “Công ty men rượu Hà Nội”, cùng lo go là hình tháp chùa Một Cột. Tuy nhiên, khi xem kỹ trên bao bì chủng loại men này chúng tôi phát hiện không hề có ghi hạn sử dụng, ngày sản xuất, cũng như địa chỉ, số điện thoại của Công ty men rượu Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đình Minh, Phó chủ tịch xã Tam Đa, nói rằng nghề nấu rượu có từ hàng chục năm nay, nhưng hiện trên 300 hộ sản xuất mặt hàng này trong xã vẫn chưa hộ nào có giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận chất lượng rượu làm ra. “Chỉ nhìn bằng mắt thường thôi cũng đủ thấy là rượu chế từ cồn với nước giếng là không đạt chất lượng rồi. Nhưng toàn bộ số rượu mà các hộ chế ra đều được đem đi tiêu thụ ở ngoại tỉnh. Cộng với việc ở làng này vẫn chưa có ai tử vong vì dùng rượu nên rất khó cấm được họ ngừng sản xuất. Và dù đã ra quân dẹp rất nhiều lần, nhưng từ trước đến giờ chưa xử lý được một vụ vi phạm nào”, ông Minh phân trần.

Vẫn theo ông Minh, do không đủ thẩm quyền cũng như năng lực nên chính quyền địa phương rất mong muốn các cơ quan chuyên ngành vào cuộc, lấy mẫu rượu đi phân tích để có bằng chứng xử lý nghiêm các cơ sở chế biến rượu từ cồn pha nước giếng.

Điều tra của Hà An

>> Rượu dỏm “giết” người
>> Ngộ độc rượu giả, 19 người chết
>> Ngộ độc rượu, 2 người tử vong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.