Rõ như ban ngày

11/01/2012 00:22 GMT+7

Loạt phóng sự điều tra Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm trên Báo Thanh Niên những ngày qua đã làm chấn động dư luận, nó càng đặc biệt hơn trong bối cảnh hàng loạt ô tô, xe máy liên tục cháy nổ, người dân hoang mang, còn cơ quan hữu quan thì lúng túng.

Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu phải chịu sự quản lý giám sát chặt chẽ của nhà nước nhưng những gì mà PV Thanh Niên phát hiện đang đặt ra hàng loạt câu hỏi. Điểm pha chế “xăng dỏm” vừa phát hiện có phải là duy nhất hay còn nhiều điểm tương tự khác trên cả nước chưa bị lộ? “Công nghệ” này là kết quả tự phát của một nhóm người hay là được tổ chức một cách chặt chẽ, tinh vi khi đã đặt ra những thiết bị cầu chì, niêm phong bị cắt nhưng không ai để ý? Những kẻ tham gia vào quy trình “công nghệ” này sẽ bị xử lý như thế nào? Và còn rất nhiều những câu hỏi khác nữa về vai trò của quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa và những hệ lụy của nó.

Hành vi rút bớt xăng là hành vi trộm cắp tài sản, với những dấu hiệu phạm tội rõ ràng. Hành vi bơm chất lỏng vào téc bù vào lượng xăng đã bị hút ra mặc dù chỉ nhằm mục đích che giấu hành vi trộm cắp, nhưng còn nguy hiểm hơn hành vi trộm cắp, bởi nó đã biến toàn bộ téc xăng “xịn” thành “xăng dỏm”. Những mánh lới gian lận đã mang lại cho kẻ bất lương món lợi khổng lồ. Những thiệt hại gây ra cho xã hội từ hành vi gian lận này còn lớn gấp trăm ngàn lần, bởi lẽ không loại trừ trong những thiệt hại ấy, có không ít thiệt hại về tính mạng của người vô tội và nó làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng một mặt hàng được quản lý đặc biệt như xăng dầu nói riêng.

Theo quy định tại Điều 100 của bộ luật Tố tụng hình sự, tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm. Khi mà dấu hiệu của tội phạm đã “rõ như ban ngày” qua loạt bài phóng sự của Thanh Niên, từ ảnh chụp cho đến số xe, cơ quan điều tra cần phải ra ngay quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 104 bộ luật Tố tụng hình sự để điều tra, xác định trách nhiệm của những người, cơ quan liên quan.

Cũng theo quy định của pháp luật, ngoài việc phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp, những người liên quan sẽ còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không chỉ về giá trị lượng xăng bị họ trộm cắp, mà còn cả những thiệt hại do “xăng dỏm” gây ra.

Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh rằng chủ các cây xăng cũng không phải là người bị thiệt hại trực tiếp bởi họ đã nhận được đủ số lượng, và do đó, cũng đã thu đủ tiền bán xăng từ người mua. Thiệt hại cuối cùng ở đây chính là những người hằng ngày phải sử dụng phương tiện ô tô, xe máy.

Từ nhiều năm nay, người tiêu dùng VN luôn đối mặt với những thiệt thòi do bất cập trong quản lý, điều hành giá xăng dầu. Nay họ sẽ còn bức bối hơn khi biết rằng, hằng ngày phải bỏ tiền thật để mua hàng dỏm, mà món hàng đó là món hàng đặc biệt, không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc mà còn có thể gây thiệt hại về tài sản, tính mạng.

Nhiệm vụ của cơ quan chức năng lúc này là phải vào cuộc thực sự để trả lời câu hỏi bức xúc xung quanh câu chuyện này. Và quan trọng hơn là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, nhất là những loại hàng hóa đặc biệt do nhà nước độc quyền quản lý.

Thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.