Quân đội thời bình càng cần mạnh

22/12/2014 08:22 GMT+7

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân VN, Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân VN,  Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: Bạch Dương

*Thưa thượng tướng - Thứ trưởng, nhìn lại quá trình 70 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, quân đội ta đã thực hiện thế nào lời dạy của Bác Hồ “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”?

- Lời dạy ấy của Bác Hồ, từ những ngày đầu cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, và mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị. Đó vừa là phương châm, định hướng chỉ đạo trong xây dựng, chiến đấu của quân đội, đồng thời đó cũng thể hiện tính chất đặc trưng của Quân đội Nhân dân VN. Điều quan trọng nhất của lời dạy ấy là gì? Đó là trung với Đảng, hiếu với dân. Quân đội chúng ta sinh ra để phục vụ nhân dân, nhưng không phải phục vụ nhân dân một cách chung chung, mà phục vụ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì Đảng cũng từ nhân dân mà ra, và Đảng cũng chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đảm bảo cho đất nước chúng ta độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững định hướng đi lên CNXH, người dân được sống trong hòa bình, ổn định, phát triển.

Nhiều nhiệm vụ mới, khó khăn mới...

Nhận thức thứ hai về lời dạy của Bác Hồ, đó là quân đội ta nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Với điều kiện chưa phải là quân đội của một nước mạnh, một nước giàu, chúng ta phải lấy chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân làm phương châm chỉ đạo xây dựng và chiến đấu của quân đội. Trong lịch sử chúng ta, kẻ thù đều là những nước lớn trên thế giới, với lực lượng quân sự rất hùng mạnh. Có những kẻ thù chưa biết thua ai bao giờ, thế nhưng đến VN thì thất bại. Chúng ta đều giành chiến thắng, mặc dù vô cùng gian khổ, hy sinh rất lớn. Đó chính là nhờ chúng ta  dựa vào dân mà đánh giặc, toàn dân đánh giặc.

Không chỉ trong chiến tranh, mà thời bình cũng đặt ra cho quân đội nhiều nhiệm vụ mới, khó khăn mới và có cả những kẻ thù mới. Kẻ thù ấy có thể không phải là một quốc gia nào cụ thể, một đội quân nào cụ thể, mà kẻ thù ấy là những thách thức trong điều kiện phát triển và hội nhập. Đảm bảo hòa bình cho đất nước, cuộc sống bình yên cho nhân dân, nhưng lại phải bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đấy là thách thức vô cùng lớn. Bảo vệ Tổ quốc bằng vũ lực đã khó khăn lắm rồi, nhưng bây giờ bảo vệ Tổ quốc mà không sử dụng vũ lực thì khó khăn ấy càng lớn hơn. Nếu nhìn sang xung quanh chúng ta thì thấy, môi trường cơ bản là thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều kẻ nhòm ngó lợi ích chính đáng của nhân dân ta về chủ quyền lãnh thổ, về độc lập tự chủ, về con đường đi lên CNXH.

Đặc công tinh nhuệ tại lễ duyệt binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đặc công tinh nhuệ tại lễ duyệt binh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: Ngọc Thắng

Nói về lời dạy Bác Hồ, chúng ta hãy nhớ thêm một câu: “Quân đội VN là một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác, và một đội quân lao động sản xuất”. Các quân đội trên thế giới đều chỉ là những đội quân chiến đấu. Còn đội quân công tác là gì? Là giúp dân, là xóa đói giảm nghèo, là đảm bảo các khu vực phát triển ổn định. Về đội quân lao động, xét theo nghĩa chung của thế giới, thì quân đội không có lao động. Ở ta, quân đội trước hết là tự nuôi lấy mình, tăng gia sản xuất. Cho đến ngày hôm nay thì phần lớn các đơn vị trong quân đội đều tự túc được phần nuôi ăn.

Những kết quả đó đều xuất phát từ lời dạy rất ngắn gọn nhưng vô cùng đầy đủ của Bác Hồ từ khi quân đội chúng ta mới thành lập.

 Thời bình càng cần mạnh

* Chúng ta vừa trải qua một năm 2014 với nhiều thách thức, quân đội ta đã thực hiện các nhiệm vụ như thế nào và sẽ có những thách thức gì sắp tới?

- Kể cả những quốc gia trong lịch sử chưa hề có chiến tranh thì vẫn có những thách thức đối với sự nghiệp quốc phòng. Chúng ta cũng vậy, không phải ngoại lệ. Thách thức đầu tiên là việc xây dựng quân đội đủ khả năng để bảo vệ Tổ quốc nhưng không trở thành gánh nặng của đất nước, đây là thách thức mang tính cơ bản nhất. Không thể nói quân đội thời bình không cần mạnh mà quân đội thời chiến mới cần mạnh. Quân đội thời bình càng cần mạnh vì càng mạnh càng đảm bảo hòa bình bền vững hơn.

Bảo vệ Tổ quốc bằng vũ lực đã khó khăn lắm rồi, nhưng bây giờ bảo vệ Tổ quốc mà không sử dụng vũ lực thì khó khăn ấy càng lớn hơn. Nếu nhìn sang xung quanh chúng ta thì thấy, môi trường cơ bản là thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều kẻ nhòm ngó lợi ích chính đáng của nhân dân ta về chủ quyền lãnh thổ, về độc lập tự chủ, về con đường đi lên CNXH

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Trong những năm vừa qua, chúng ta vẫn được sống trong môi trường hòa bình, chúng ta vẫn giữ gìn chủ quyền của mình, đất, biển, trời của mình. Với các tranh chấp, chúng ta giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đó là điểm mà đa số cộng đồng thế giới ủng hộ mình, ủng hộ vì chính nghĩa.

Một thách thức nữa đặt ra, đó là ổn định chính trị xã hội. VN là một đất nước ổn định và thân thiện, là điểm đến an toàn của bạn bè quốc tế. Nhưng không phải không có những kẻ phá rối để trục lợi, để áp đặt ý chí của họ.

Một thách thức nữa đó là thách thức phi truyền thống: những vấn đề về tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, đấu tranh với các hiện tượng thiên nhiên như biến đổi nguồn nước, biến đổi khí hậu... Đó là nhiệm vụ của nhiều ngành khác nhau nhưng cho tới thời điểm này thì nó mang tính chất quốc phòng.

Chúng ta không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước mình, mà trong những năm vừa qua chúng ta đã tham gia vào các hoạt động của quốc tế để đóng góp vào hòa bình và ổn định thế giới.

 * Trong tình hình mới, VN đã gia tăng hoạt động đối ngoại quốc phòng, mở rộng khả năng hợp tác quốc phòng với nhiều nước. Xin ông cho biết một vài nét cụ thể trong nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng của quân đội ta?

- Cho đến những năm đầu thế kỷ 21 thì hợp tác quốc phòng đã trở thành một nhu cầu quan trọng giữa các cặp nước song phương cũng như nhiều nước với nhau. Đặc trưng của đối ngoại quốc phòng là xây dựng lòng tin. Trong những năm vừa qua, đặc biệt từ năm 2003, Nghị quyết T.Ư 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã xác định vấn đề này một cách rõ ràng, nhưng đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI tổng kết 10 năm Nghị quyết 8 khóa IX thì nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng được đặt ra hết sức quan trọng bên cạnh lĩnh vực đối ngoại chính trị, kinh tế, văn hóa…

Đối ngoại quốc phòng là biện pháp bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, bằng biện pháp hòa bình. Chúng ta sẽ tiếp tục nhiệm vụ này với hai nguyên tắc: một là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, thứ hai là độc lập tự chủ đường lối phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta phải trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cho đến nay tôi tin rằng cộng đồng quốc tế và khu vực đã hiểu chúng ta và họ tin rằng VN sẽ không dùng lực lượng quân sự để làm bất kỳ một điều gì gây hại đến lợi ích chiến lược, đến chủ quyền lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, trừ khi VN bị xâm lược hoặc bị xâm hại đến các giá trị của đất nước. Tôi cho đây là thành tích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân - quân đội đóng góp một phần khiêm tốn trong đó.

 So với thế giới chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều

* Xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đặt ra những yêu cầu, thách thức nào cho quân đội ta trong việc làm chủ phương tiện, khí tài mới?

- Nếu ta đem máy bay, tàu ngầm, hệ thống tên lửa phòng không hoặc những trang thiết bị quân sự mà so với khẩu AK và những trang thiết bị quen nhìn thấy từ các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì thấy chúng ta hiện đại quá nhanh. Nhưng nếu so với thế giới thì thấy rằng chúng ta phải còn cố gắng rất nhiều. Thực ra, hiện đại hóa quân đội còn ở những khía cạnh khác, ít ai nhìn thấy. Hiện nay, theo tôi khía cạnh mà quân đội tiến nhanh nhất đó là hiện đại con người, đào tạo con người thích nghi với môi trường mới và tình hình mới. Cán bộ chiến sĩ chúng ta càng ngày càng có kỹ năng tốt hơn, càng ngày càng có nhiều kỹ sư, nhiều chuyên gia tham gia vào quân đội.

Theo tôi có hai vấn đề lớn cần phải rất chú ý. Trước hết là bản lĩnh chính trị của các chiến sĩ quân đội. Trong thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hóa cao độ như vậy thì việc giữ vững bản lĩnh chính trị là thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ. Cần phải đổi mới trong phương pháp lãnh đạo tư tưởng, trong phương pháp tuyên truyền giáo dục cán bộ chiến sĩ để chúng ta vừa giữ được truyền thống nhưng cũng phải sống được trong môi trường mới. Vấn đề thứ hai là phải đào tạo con người mới XHCN, có trình độ cao về khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội... Con người mới XHCN trong quân đội hiện nay phải thích nghi được với điều kiện mới về mặt trang bị kỹ thuật, đáp ứng được với cuộc chiến tranh hiện đại có thể xảy ra.


 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.