QH thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chế tài nghiêm người đứng đầu

05/11/2013 03:00 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại những quy định chế tài chung chung theo kiểu hô khẩu hiệu, khi ban hành sẽ không thể cải thiện được tình trạng lãng phí...

QH thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chế tài nghiêm người đứng đầu

Nhiều tuyến đường vừa làm xong lại bị đào lên, gây lãng phí rất lớn -Ảnh: Diệp Đức Minh

Đại biểu (ĐB) Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) “phê” dự thảo luật chưa nghiên cứu làm sáng tỏ điều kiện để phát hiện, quy định trách nhiệm và các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm lãng phí. “Nếu Ban soạn thảo không nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện để dễ phát hiện và các chế tài để xử lý nghiêm thì chắc chắn khi luật này được ban hành cũng không cải thiện được mấy thực trạng về vấn đề lãng phí, lãng phí diễn ra quá nhiều nhưng khó xử lý được ai”, ĐB Hương nói.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ rõ hàng loạt nhà máy như mía đường, sắt thép, xi măng vừa qua phải dừng sản xuất, lỗ hoặc các dự án dang dở theo kiểu “bỏ thì thương vương thì tội”… do quyết định đầu tư sai gây ra, nhưng không có quy định nào trong dự thảo đề cập xử lý trách nhiệm người ra quyết định này. “Một người tham nhũng 1 tỉ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 50 - 70 tỉ đồng thì ai sẽ là người gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn”, ĐB Thúy đặt câu hỏi và đề nghị cần phải tìm lỗ hổng của cơ chế để bít lại, nếu không mọi nỗ lực sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. “Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của người ra quyết định không phù hợp gây ra lãng phí. Đất nước còn nghèo càng phải tiết kiệm chống lãng phí, làm vậy vừa được lòng dân vừa có tiền đầu tư thêm cho các lĩnh vực khác”, ĐB Thúy nêu rõ.

Chưa có quy định về tội lãng phí

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành như dự thảo luật quy định là không cụ thể. Dẫn chứng lâu nay có dự án khi xét riêng không thấy lãng phí nhiều, nhưng xét tổng thể lại lãng phí rất lớn như đào đường, vỉa hè làm ống nước, cống và cáp ngầm hay trong khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường… ĐB Minh đề xuất nên quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành khi thiếu kết nối thông tin, thiếu sự phối hợp để bảo vệ cộng đồng, gây thiệt hại ngân sách. Đặc biệt, quy định Bộ Tài chính phải là cơ quan đầu mối nắm bắt nhiệm vụ, kiểm tra trực tiếp. “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là bất di bất dịch, nhưng đồng hành với nguyên tắc này phải quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu của từng mắt xích công việc và đòi hỏi những người này khi quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước phải thực sự công tâm, không vì lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng ngân sách nhà nước được đầu tư, sử dụng có hiệu quả, hạn chế tối đa sự thất thoát lãng phí”, ĐB Minh kiến nghị.

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đánh giá hầu hết các sai phạm được phát hiện trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ hành vi tư lợi của những người giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước. “Thêm vào đó, việc lãng phí thường hầu hết các thành viên trong cơ quan, đơn vị đều được hưởng lợi thì thử hỏi bao nhiêu nhân viên trong cơ quan đơn vị này dám mạnh dạn đứng lên tố cáo”, ĐB đặt câu hỏi và đề nghị cần có quy định rõ ràng hơn, cụ thể, chặt chẽ và nghiêm khắc hơn đối với trách nhiệm người đứng đầu cũng như toàn thể công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị khi để xảy ra hành vi lãng phí gây thất thoát ngân sách, tài nguyên.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo luật Sửa đổi đều có quy định về xử lý hình sự đối với hành vi lãng phí, song luật Hình sự hiện nay chưa có quy định về tội lãng phí nên không có căn cứ để thực hiện. “QH nên sớm đưa chương trình sửa đổi, bổ sung luật Hình sự để làm căn cứ xác định và xử lý tội phạm gây lãng phí”, ĐB Bé đề nghị.

Rút ngắn được nội dung nào thì sẽ rút

QH thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chế tài nghiêm người đứng đầu1

Việc đề nghị rút ngắn thời gian họp QH rất đúng, nó phù hợp với nội dung của đề án đổi mới hoạt động của QH. Chúng ta họp bao nhiêu ngày phải căn cứ vào nội dung làm việc tại từng kỳ và thời gian nội dung này đều trình ra xin ý kiến ĐBQH trước khi triệu tập và tại phiên trù bị. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo nghiên cứu thêm, không phải đợi các kỳ họp sau, tại kỳ họp này nghiêm túc rà soát lại chương trình, nội dung của mình đã sát chưa và có thể rút ngắn được nội dung nào thì chúng ta sẽ rút ngắn.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Một bộ 9 thứ trưởng là rất lãng phí

QH thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chế tài nghiêm người đứng đầu3

Một số ĐB đã phát biểu trong nghị trường, một số cơ quan không chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ về bổ nhiệm các cấp chức vụ. Quy định một bộ là 4 thứ trưởng nhưng ta để 5 đến 9. Nếu 9 đồng chí được bổ nhiệm thì phải có thêm 5 ô tô, tối thiểu là Camry 2.4 trở lên, rồi thêm 5 lái xe, 5 phòng làm việc rất sang trọng, 5 cán bộ giúp việc, 5 nhà ở hay nhà công vụ. Tôi nghĩ việc này phải chấp hành rất nghiêm chỉnh, không sẽ gây ra lãng phí rất lớn trong bộ máy.

Vấn đề thứ hai là biên chế trong cơ quan. Tôi ví dụ một đơn vị nhỏ 100 biên chế, nếu 30 người không làm việc thì lương tối thiểu của 30 người một tháng mất 75 triệu đồng, chưa kể đi công tác, xăng xe… Số không làm việc họ lại tiêu cực, thừa thời gian lại ngồi bàn tán, mất đoàn kết, làm rất nhiều chuyện, nội bộ có vấn đề. Cho nên tôi xin đề nghị QH giám sát điều này thật tốt.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)

QH họp hành nhiều cũng rất lãng phí

QH thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chế tài nghiêm người đứng đầu4

Cách đây 1 năm, trong một buổi tập huấn tôi có được nghe một chuyên gia cung cấp thông tin rằng nếu mỗi một phút chúng ta ngồi tại hội trường này thì nhà nước phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng. Bình quân mỗi một kỳ họp như thế, một ngày chúng ta mất khoảng 1 tỉ đồng. Nó không phải là lớn nếu chúng ta đưa ra thảo luận và đi đến quyết định, giải quyết các vấn đề quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân, mang lại lợi ích cho quốc gia. Nhưng 1 tỉ đồng cho một ngày họp sẽ rất lớn nếu chúng ta không làm được những việc đó. Với thực tế diễn ra như vậy thì nguy cơ gây lãng phí đang diễn ra, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Có phải là của QH chúng ta không? Tôi rất mong QH xem xét đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn để rút ngắn thời gian của mọi kỳ họp, có như vậy các kỳ họp của chúng ta sẽ chất lượng và hiệu quả hơn.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)

Nhiều bộ, địa phương sai phạm trong sử dụng vốn trái phiếu

QH thảo luận dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chế tài nghiêm người đứng đầu5

Qua nghiên cứu báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 50 của QH và kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn từ 2012 - 2016, có 6 bộ gồm GTVT, NN-PTNT, Quốc phòng, Y tế, Xây dựng, GD-ĐT đã phát hiện có sai sót, lãng phí. Riêng Bộ GTVT kiến nghị xử lý 521,86 tỉ đồng. Qua thanh tra 19 tỉnh, Thanh Hóa có sai phạm 40/53 dự án, kết luận giảm giá trị dự toán 39 tỉ đồng, Hà Tĩnh phát hiện sai phạm 10,84 tỉ đồng, Thừa Thiên-Huế phát hiện 10,972 tỉ đồng, Đắk Nông bị yêu cầu trả vốn trái phiếu chính phủ là 29 tỉ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi 25,82 tỉ đồng... Trong thực tế thanh tra và kiểm toán nhà nước không thể kiểm tra hết các dự án ở các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như ở địa phương, cho thấy số tiền do lãng phí gây ra trên thực tế rất lớn so với chúng ta kiểm tra.

ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp)

Anh Vũ 

 >> Dự luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nghiêm cấm sử dụng ngân sách để tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành
>> Thường vụ Quốc hội "mổ xẻ" về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
>> Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm và phòng chống tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.