Phong tỏa đường lên núi Cấm

07/05/2012 03:14 GMT+7

Ngày 6.5, UBND H.Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã phong tỏa đường lên núi Cấm cho đến khi dọn dẹp xong hiện trường và xử lý các khối đá trên vách còn gây nguy hiểm. Như vậy, người dân, khách hành hương muốn lên núi phải đi theo lối cũ là lội bộ men theo con đường suối Thanh Long hoặc đường Vồ Thiên Tuế và phải mất từ 3 - 5 giờ mới lên được đỉnh (thay vì đi xe ô tô chỉ mất hơn 10 phút). Việc phong tỏa đường còn ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sống trên núi trong việc vận chuyển nông sản, hàng hóa lên, xuống núi hằng ngày bằng xe gắn máy.

 Phong tỏa đường lên núi Cấm
Sau thảm nạn làm chết 6 người hôm 5.5, đường lên núi Cấm đã bị phong tỏa - Ảnh: Thanh Dũng

Theo Công ty CP phát triển du lịch An Giang, 44 xe ô tô chở khách lên xuống núi Cấm cũng đã tạm ngưng phục vụ. Ông Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc công ty cho biết, đã mời đội thi công thuộc Công ty 621 (là đơn vị trước đó xây đường lên núi Cấm) đến khảo sát hiện trường tìm nguyên nhân xảy ra thảm nạn lở núi đè chết 6 người hôm 5.5. Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND H.Tịnh Biên, khẳng định “không có chuyện sạt lở vách núi hay đá bị lăn do phá núi mở đường”. Ông Yến cho rằng do đá ở trên cao lâu ngày bị mưa gây xói mòn và rơi xuống. Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang hôm qua cũng đã chỉ đạo các ban, ngành ngày 7.5 lên núi Cấm kiểm tra tổng thể, xử lý các khu vực có khả năng xảy ra sạt lở, đá lăn, đá tuột. Con đường lên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên) dài trên 7 km, rộng khoảng 9 m, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm, được đưa vào sử dụng vào tháng 3.2009.

Ông Phạm Văn Trác, một người dân sống lâu năm trên núi Cấm cho biết khi thi công mở đường lên núi, đơn vị thi công đã dùng mìn phá đá, rất có thể làm chấn động khiến các khối đá bị long chân. Theo kinh nghiệm của ông Trác, đá trên núi Cấm nhiều nơi là đá không chân, các loại nằm lẻ loi như đá "mồ côi" (dân địa phương còn gọi là đá gửi), khi có tác động nếu không có vật cản như cây rừng thì rất dễ bị tuột, rơi xuống. Ông Trác cho rằng thảm nạn xảy ra hôm 5.5 là do hòn đá "mồ côi" gây ra. “Đi trên đường này thấy đá nằm cheo leo lo lắm. Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến thảm nạn do đá núi gây ra. Năm 1983, dân khu vực này từng chứng kiến một trận lở đá làm 2 sư cô bị đá núi đè chết”, ông Trác kể.

Thanh Dũng

>> Mất lái, xe tải lật văng lên vỉa hè
>> Tàu hỏa va chạm xe ben, hai toa tàu văng khỏi đường ray
>> Bàng hoàng kể lại vụ xe khách lao vào quán
>> Xe container lật, đè chết hai cha con
>> Xe tải lật gây ách tắc giao thông hơn 1 giờ trên đèo Cả
>> Xe tải tuột dốc đâm vào nhà dân 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.