Xích lô Sài Thành

16/03/2012 09:25 GMT+7

Nhưng hễ xích lô lăn bánh xuống đường trung tâm nội ô là có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Phía sau nó là số phận của hàng chục con người "dưới đáy" như họ tự nhận.

Nhưng hễ xích lô lăn bánh xuống đường trung tâm nội ô là có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Phía sau nó là số phận của hàng chục con người "dưới đáy" như họ tự nhận.

"Tận diệt" xích lô

Ngày 14-3 tôi ghé trụ sở của Nghiệp đoàn xích lô quận 1 (thuộc Tổng liên đoàn lao động TPHCM) ở ven kênh Bến Nghé.

 
Xích lô "dù" vẫn ngấm ngầm hoạt động ở khu vực Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: T. N. A.

Những chiếc xích lô du lịch khá đẹp đã khóa dây lại thành chùm, đắp phủ bạt bên đường. Người lái xích lô quần tụ trong hàng nước, trò chuyện nhỏ to, không biết đi đâu làm gì cho hết ngày dài.

 
Mỗi lần có hợp đồng cần trăm chiếc xích lô phục vụ du lịch, phục vụ sự kiện hay quảng cáo, chúng tôi đi khắp thành phố để tìm xe, nhưng tìm không ra. Anh em sợ bị bắt, đã chuyển nghề hoặc đi bán vé số, lượm ve chai hết cả
Anh Nghĩa - Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô quận 1

Một cán bộ của nghiệp đoàn nói: "Mấy ông thanh tra giao thông bắt dữ quá. Anh em không dám chạy. Xích lô du lịch luôn mặc đồng phục, áo trắng, mũ xanh, nhưng vẫn bị bắt giam xe".

Theo quy định, nhân viên nghiệp đoàn chỉ rời khỏi trụ sở khi có hợp đồng, chở khách xong, họ về trụ sở, không chạy rong bắt khách. Chạy hợp đồng, mỗi tiếng chỉ thu 40-50 ngàn đồng.

Trích ra 10 ngàn để lo đồng phục, giặt giũ, chi phí cho công tác điều hành và làm quỹ tương trợ lúc hậu sự. Cuộc sống co kéo qua ngày, thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Người đạp xích lô ở nghiệp đoàn đều có hàng chục năm trong nghề. Với họ, chiếc xích lô như ân nhân, như cần câu cơm, như một sinh mệnh.

Nghề xích lô ở Việt Nam vốn xuất phát từ Sài Gòn. Theo tài liệu, chiếc xích lô xuất hiện ở Campuchia và Sài Gòn vào năm 1939, do một người Pháp tên P.Coupeaid sáng chế.

Xích lô nhanh chóng thay xe ngựa và xe kéo bởi sự tiện dụng, linh hoạt, cũng như kiểu dáng vừa cổ điển vừa hiện đại của nó.

Xích lô ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác, người lái đều ngồi trước, chỉ riêng xích lô Việt Nam và Camphuchia người khách ngồi trước, ung dung tạo ra một kiểu dáng độc đáo, thuận tiện việc ngắm phong cảnh.

Trước năm 1975, Sài Gòn tồn tại hàng vạn xích lô, nhiều công ty chuyên doanh, cho thuê xe, mướn công nhân chạy. Hai miền thống nhất, các quận lập hợp tác xã xích lô.

Trên 24 quận huyện ước có khoảng 40.000 xích lô. Riêng quận 1 và quận 4 ở khu trung tâm đã lưu thông gần 5.000 chiếc. Bố đạp ban ngày, con chạy ban đêm.

Chạy xích lô gồm đủ mọi thành phần. Một giáo viên từng chạy xích lô thời kỳ bao cấp kể lại: "Lương giáo viên lúc đó không đủ nuôi gia đình, buổi tối tôi tranh thủ chạy xe ra quận 1 kiếm thêm. Phòng giáo dục kêu lên phê bình, nhưng tôi hỏi đồng lương như vậy, con tôi sống ra sao đây. Họ không nói gì nữa".

Cuối những năm 1980, hợp tác xã tan rã, Thành phố chủ trương lập nghiệp đoàn xích lô đưa anh em vào tổ chức quản lý. Nghiệp đoàn ra đời năm 1991, quy tụ được 900 anh em.

 
Một trong những người chạy xích lô cuối cùng của Sài Gòn đang hành nghề trong mưa.

Anh Nghĩa, Chủ tịch nghiệp đoàn xích lô quận 1, kể: "Nghiệp đoàn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng, mua xe cho anh em. Anh em trả dần. Xoay đồng vốn, mua được hơn 80 chiếc xe. Đúng lúc ấy, bỗng ra đời chủ trương hạn chế xích lô đi vào khu trung tâm".

Lệnh cấm ban ra, xe xích lô bị bắt nhiều, chất thành đống như củi khô. Nhờ kỷ luật và trách nhiệm, anh em nghiệp đoàn vẫn trả được hết nợ với ngân hàng.

Chỉ riêng trường hợp anh Lâm Văn Nam, bị bắt xe sớm quá, không làm gì để trả nợ được. Nghiệp đoàn phải đến địa phương xác minh hoàn cảnh, thuyết phục ngân hàng xóa nợ.

Từ năm 2008 đến nay, khi hầu hết các tuyến đường chính đều cấm xích lô, theo tính toán của nghiệp đoàn, toàn thành phố còn không quá 300 chiếc xích lô. Riêng nghiệp đoàn chỉ vỏn vẹn bám trụ được 30 người.

Nét đẹp phù hoa

Xích lô ngoài Bắc quen dùng chở hàng nên thô kệch. Xích lô Sài Gòn được thiết kế đẹp, đệm cao, lọng dày. Đàn bà quý phái áo dài, túi cói, trang điểm kỹ, gọi xích lô đến tận cửa nhà.

Xích lô có thể nâng hạ, người ta dễ dàng bước lên xe. Xích lô đạp không gây ô nhiễm, không tạo tiếng ồn, không mùi xăng dầu. Mùa mưa, mùa nắng đi xích lô đều rất tiện.

Những người chạy xích lô cuối cùng ở nghiệp đoàn nói với tôi: "Để đường thông hè thoáng, chấp nhận bỏ nghề xích lô, nhưng bảo xích lô gây ra ách tắc giao thông, gây tai nạn giao thông thì oan.

Sức người đạp xích lô gây tai nạn được với ai? Người chạy xe, chỉ mong không tắc đường để còn kiếm sống, gây ách tắc để làm gì?"

 
Anh Hòa kể chuyện bị bắt.

Bốn năm cấm tiệt xích lô ở quận trung tâm, người ta dần mất thói quen truyền thống.

Người ta chuyển qua đi tắc xi, đi xe ôm. Một số chấp nhận đi bộ. Cảnh xích lô lọng vàng rồng rắn rước dâu chỉ còn trong phim quảng cáo, phim ca nhạc.

Nhưng ai ngờ, cấm ta thì được, đâu cấm được Tây. Khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn thích nét văn hóa bản địa mà họ tìm khắp thế giới không thấy.

Chị Ngọc, điều hành tour của một công ty du lịch lớn, nói: "Tháng ba này chúng tôi đón 5 đoàn khách du lịch bằng đường tàu biển. Mỗi đoàn như vậy từ 1.300- 2.000 khách.

Đoàn nào cũng yêu cầu du lịch bằng xích lô. Chúng tôi chỉ đáp ứng được cho 100 - 120 khách của mỗi đoàn. Lý do là bên nghiệp đoàn xích lô chỉ còn vỏn vẹn 30 chiếc xe.

Xoay tour đón khách, phải cật lực mới đáp ứng được thời gian khách lưu trú trong thành phố".

Bảng điều hành của nghiệp đoàn, thấy ngày nào cũng có đơn hàng chở khách. Mỗi tháng bình quân 30 anh em đưa đón từ 1.500 tới 2.000 khách nước ngoài.

Anh em nói: "Tất cả các công ty đại gia về du lịch đều là khách hàng của chúng tôi. Họ đặt chúng tôi chở khách hàng ngày, nhưng chúng tôi không dám chạy. Chỉ những hợp đồng nhỏ, vài ba chiếc, đi vào buổi tối, chúng tôi mới dám nhận. Ai đời, cuộc sống khó khăn, có khách mà không dám chạy!".

Bao giờ lại thấy xích lô?

Anh Hòa, người chạy xích lô có 4 đứa con nhỏ nói với tôi: "Sáng thứ 4, ngày 14- 3, nghiệp đoàn chúng tôi, 38 chiếc xe đang long trọng chở đoàn khách nước ngoài tới sát Dinh Thống Nhất thì thanh tra giao thông ập tới.

Chúng tôi cuống cuồng chở cả khách Tây mà chạy thoát thân. 5 chiếc bị bắt, xe bị tịch thu rồi. Khách nước ngoài thì bị mời xuống đường, đi đâu mặc kệ các ông bà".

Anh Hòa than thở: "Trước đây chúng tôi đi xe không khách mới bị bắt, giờ đang chở khách cũng bị bắt".

Tôi hỏi sao không phản ảnh, xin xe cho anh em làm ăn. Lãnh đạo nghiệp đoàn nói: "Hầu như toàn bộ các tuyến đường của quận 1 đều đã cấm xích lô. Lăn bánh xuống đường là vi phạm rồi".

Khách mê đi xích lô đến mức lắm khi phải đem xích lô đến cho họ chụp ảnh lưu niệm. Có lần khách sẵn sàng trả 5 đô la cho ngành du lịch chỉ để được chụp ảnh chung với chiếc xích lô!

Anh Nghĩa cho biết, thành phố cũng hiểu nhu cầu du lịch xích lô nên đã từng giao cho Tổng cty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đứng ra lập đội xích lô tối thiểu 100 chiếc.

Nhưng các công ty du lịch khác không muốn phụ thuộc Saigontourist. Bên cạnh đó, vốn đầu tư vào bến bãi, vào con người cũng là vấn đề, nên chưa thực hiện được.

Trước nhu cầu cuộc sống, mưu kế sinh nhai của ba chục hội viên không bảo hiểm xã hội, những người chạy xích lô của nghiệp đoàn vẫn phải xuống đường mỗi ngày trong sự hồi hộp, lo lắng.

Họ có thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Nhưng, nếu nghiệp đoàn không hoạt động nữa, loại hình du lịch xích lô Sài Gòn độc đáo cũng sẽ chấm dứt.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.