Vượt núi học nghề giúp người “vượt cạn”

31/12/2008 09:59 GMT+7

Mua và Mỷ quen đi bộ chứ không quen đi ôtô. Đường từ trung tâm tỉnh Hà Giang đi đến huyện Quản Bạ dốc núi cứ lộn vòng vèo, quẹo trái rồi ngoặt sang phải làm hai cô váng vất. Mấy lần Mua và Mỷ nôn thốc nôn tháo, rồi ngồi im bất động như bức tượng.

Hai cô gái trẻ ấy rời bản làng đã gần bốn tháng, đến Bệnh viện tỉnh Hà Giang học đỡ đẻ, để sau này trở về bản làm cô đỡ, mong thay đổi được thói quen sinh nở nguy hiểm của phụ nữ bản làng mình.

Chuyện sinh đẻ ngàn đời

Từ huyện Quản Bạ, chúng tôi tiếp tục theo chân cán bộ y tế đến tận bản Thùng, một bản nghèo cách trung tâm xã Ma Lé, huyện Đồng Văn 4km dốc núi đường đất lổn nhổn đá, thứ đặc sản của cao nguyên đá Hà Giang.

Bản Thùng nằm vắt ngang sườn núi dưới dải nắng chiều vàng óng, thân cây cổ thụ đứng lừng lững ở đầu bản tạo nên vẻ đẹp nên thơ che giấu cái nghèo. Ngồi bên vệ đường sát ngôi nhà đầu bản, một người đàn bà đứng tuổi được đám cháu mình bao vây xung quanh. Những vệt nước mũi khô và đất khô dính trên má lũ trẻ như ria mèo con. Cả bản có 275 khẩu, có 36 trẻ trong độ tuổi từ mới sinh đến năm tuổi. Tất cả được sinh ra ở nhà mình dưới bàn tay đỡ đẻ của những người phụ nữ trong nhà, không được hưởng những điều kiện vệ sinh tối thiểu ngay từ lúc chào đời.

Người đàn bà nói trên tên là Giằng Thị Chúa. Bà đỡ đẻ cho con dâu và cắt rốn cho ba đứa cháu của mình bằng cây kéo mà ngày thường vẫn dùng để cắt vải, cắt tóc và cắt mọi thứ khác trong nhà. Khi chúng tôi hỏi thăm, bà Chúa sai cháu mình chạy vào bếp lấy ra cây kéo bằng thép màu đen. Bà nói: “Không có ai dạy đỡ đẻ. Tự biết lấy. Ngày xưa mẹ đỡ đẻ cho. Đến giờ thì đỡ cho con dâu. Ai nhờ thì đỡ”.

Ngay cả chị Vàng Thị Chá là cán bộ y tế của bản Thùng cũng tự đẻ ở nhà với sự giúp đỡ của mẹ chồng. Chị Chá cho biết người dân bản thường dùng dụng cụ đỡ đẻ gồm một mảnh vải băng rốn, chỉ để buộc rốn, kéo cắt rốn hoặc dùng dao bằng tre hoặc nứa. Phụ nữ ở bản thường đẻ ngồi trên ghế thấp sát nền đất, khi con rơi xuống đất, họ nhặt lên tắm rửa cho con.

Anh Củng Phùng Vinh, trạm trưởng y tế xã Ma Lé, cho biết trừ một vài ca đẻ khó được đưa đến trạm xá, đại đa số trẻ ở 12 xóm trong xã đều được sinh ở nhà trong điều kiện vệ sinh tương tự. Mặc dù trạm xá nơi anh quản lý được trang bị đầy đủ dụng cụ đỡ đẻ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh nhưng vì lý do phong tục (người dân tộc thiểu số thường xấu hổ, không muốn sinh nở trước mặt người lạ) và địa lý (bản làng cách trạm y tế từ vài kilômet đến hơn 10km, đường đất lẫn đá rất khó đi) nên người dân không đến trạm xá để sinh con.

Các cô đỡ ngày mai

Một tay bà Giằng Thị Chúa dắt cháu, tay kia cầm chiếc kéo đã được dùng để cắt rốn cho cháu mình lúc mới sinh - Ảnh: Uyên Ly
Tỉ lệ tử vong cao

Chuyện sinh đẻ thiếu vệ sinh ấy không chỉ là chuyện của riêng xã Ma Lé ở huyện Đồng Văn, mà là vấn đề của cả tỉnh Hà Giang từ nhiều năm nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong nơi mẹ và trẻ sơ sinh ở những khu vực vùng cao phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng... cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung của cả nước.

Chẳng hạn như trong năm 2002, tỉ lệ toàn quốc về tử vong mẹ là 165/100.000 ca đẻ sống thì ở Cao Bằng là 411/100.000 ca đẻ sống. Tỉ lệ trẻ tử vong (trong độ tuổi từ 26 tuần thai đến bảy ngày sau sinh) toàn quốc là 22,2/1.000 ca đẻ sống thì ở Yên Bái là 27,4/1.000 ca đẻ sống.

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại VN đang thực hiện dự án “Cô đỡ thôn bản” để giúp phụ nữ các bản làng xa xôi vượt qua tâm lý xấu hổ, tiếp cận với điều kiện đỡ đẻ sạch. Dự án gây tác động tới những cô gái trẻ ở các thôn bản, đưa các cô đi học kiến thức về sức khỏe sinh sản và sau đó về lại bản mình giúp đỡ chính mình và những phụ nữ khác. Dự án đang đào tạo 60 cô đỡ, kéo dài trong 18 tháng và đang được tiến hành tại một số tỉnh như Hà Giang, Ninh Thuận, Kontum.

Các cô được học tập trung sáu tháng, sau đó quay về bản mình trong nửa năm để thực hành và quay lại học nốt sáu tháng còn lại để bổ sung những kiến thức còn thiếu được tìm ra trong thời gian thực hành.

Tại Hà Giang, sau bốn tháng theo học, các cô gái trẻ từ các thôn bản xa xôi đã được trang bị những kiến thức khá vững vàng về sinh nở. Học viên Sùng Thị Say ở xóm Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn mô tả cảnh sinh nở của phụ nữ ở thôn cô: “Kéo cắt rốn ở bệnh viện được vô khuẩn nhưng ở nhà không vô khuẩn, cứ lấy kéo ra cắt thôi. Ở viện chỉ lau em bé chứ không tắm em bé vì sợ hạ thân nhiệt, còn ở thôn thì tắm cho em bé. Em thấy sinh nở ở bệnh viện tốt hơn vì điều kiện sạch sẽ, vô khuẩn. Sạch sẽ tức là không bị nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn sẽ có hại cho bà mẹ. Em bé không sạch sẽ dễ bị nhiễm khuẩn rốn gây uốn ván sớm và tử vong”.

Sùng Thị Say nói rằng sau khi học xong cô sẽ quay trở về xóm Lô Lô Chải để giúp bản mình, tư vấn cho những phụ nữ trong bản về thế nào là đẻ sạch, giúp họ vượt qua nỗi xấu hổ. Say cũng cho rằng việc đi học tốt cho bản thân Say và gia đình cô. Cô sẽ biết giữ vệ sinh sạch sẽ.

Lùi Thị Liên - học viên đến từ xóm Màn Hái, xã Chí Cà, huyện Xín Mần, đã có hai con - tỏ ra ân hận: “Em thường tự đẻ một mình, có chồng giúp. Con em đẻ ra do bà nội cắt rốn bằng thanh tre xong rồi tắm... Nếu em đẻ nữa thì sẽ đến trạm xá thôi. Đẻ ở trạm xá tốt hơn”.

Tuy nhiên, sau khi học xong, việc duy trì công việc cô đỡ ở thôn bản của các cô còn khá mông lung. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, cán bộ đào tạo của dự án này tại Bệnh viện tỉnh Hà Giang, cho biết chưa có chế độ lương dành cho các cô đỡ khi trở về thôn bản mình.

Trong khi đó tại Ninh Thuận, UBND tỉnh và Sở Y tế đã cam kết với UNFPA về việc tuyển dụng các cô đỡ như cán bộ y tế tại bản làng và trả một mức lương nhất định hằng tháng. Mỷ, Say, Liên và các học viên khác đều mong muốn được nhận lương sau khi quay về bản. Có nhiều phụ nữ ở thôn bản đang cần được các cô giúp đỡ.

Theo Uyên Ly / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.