Về đâu thời... hết việc?

28/03/2009 10:08 GMT+7

Bình Định - thủ phủ nghề chế biến gỗ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang trải qua những ngày gian khó. Tin mới nhất từ Sở Công Thương tỉnh, chỉ 20% số doanh nghiệp gỗ tìm thấy đơn hàng phập phù cho năm 2009.

Số còn lại thì vò đầu bứt tai với núi nguyên liệu tồn đọng và đống nợ ngân hàng cao chất ngất. Ít nhất có 200.000m3 gỗ trị giá hơn 1.000 tỉ đồng đang chết gí trong kho bãi. Danh sách Cty, xí nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, thanh thải lao động ngày một dài ra. Con số 3.000 công nhân bị đẩy trả về đồng ruộng hoặc vất vưởng ra đường, tuỳ nghi di tản đến cuối tháng ba, chắc chắn chưa phải con số cuối cùng.

9 giờ sáng. Một, hai, rồi ba bóng người lững thững bước qua cổng nhà bà Hoàng Thị Nụ - ở tổ 10, khu vực 6, phường Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn. Họ chẳng buồn chào hỏi ai, cũng chẳng ai ngó ngàng tới họ. Lặng lẽ, vô hồn, bất cần, mệt mỏi, cả nhóm khật khừ tiến vào cái ngách chật chội, rồi rẽ ngang, mất hút sau hai dãy nhà tồi tàn, ẩm thấp.

Lại nhóm nữa xuất hiện. Lần này có khác. Một mái đầu bù xù áp sát cửa sổ, ánh mắt nhướng lên, háo hức đảo qua gian khách. Chợt phát hiện người lạ, nó cụp xuống, ra chiều ngại ngùng, bối rối. Chủ nhà giới thiệu: "Công nhân thuê trọ chỗ tôi cả đấy. Xưởng dãn việc, họ tới xớ rớ cho có mặt, rồi về, gọi là có việc làm. Nhiều bữa, chẳng ai thèm ló mặt ra đường, cứ đóng cửa ngủ vùi từ sáng tới tối".

Bà Nụ có 11 phòng trọ, tận dụng "kiếm cơm" từ khoảnh đất cuối vườn. Thời hưng thịnh, mỗi phòng phải nhồi nhét tới 4 - 5 người. "Nay, nhìn tới nhìn lui chỉ còn 15 mống. Mà họ cũng sắp trả phòng đến nơi rồi" - bà kêu lên, ngao ngán trước cái tiền đồ rã đám của công cuộc mưu sinh.

Hết đường "nhảy"

Nguyễn Trần Như là thợ đóng gói của Cty TNHH Bình Phú (chuyên sản xuất bàn ghế và các sản phẩm ngoài trời) ở Khu công nghiệp Phú Tài. Nhà dưới Phước Sơn, Tuy Phước, mới làm 3 năm, anh chàng đã "nhảy" hết Hoàng Hà, Hoàng Trung đến Thiên Nam để tìm kiếm cơ hội lớn hơn, nhiều khi chỉ bằng 50 -100 ngàn đồng/ tháng.

Ở Bình Phú, bình quân mỗi tháng Như được trả công 1,7 - 1,8 triệu đồng. Nhưng đó là con số của dăm ba tháng trước, thời mà đơn hàng dồn dập, chủ doanh nghiệp còn chiều luỵ, hối thúc tăng ca tăng kíp, có hôm làm ròng rã từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Cái thời "huy hoàng" ấy không hẹn ngày trở lại kể từ sau Tết và nhất là từ đầu tháng ba đến nay.

"Đã có thông báo từ công ty. Ai ở thì ở, việc bao nhiêu làm bấy nhiêu. Ai đi đâu cứ đi, bao giờ có hàng, nhà chủ sẽ gọi". Như bảo, họ nói "nước đôi" thế thôi, chứ mươi bữa nửa tháng nữa có lạy lục vật vã cũng chẳng tìm đâu ra "cửa ở". Không có việc thì ở chỗ nào, ở làm gì! "Em sở dĩ còn lai vãng tại khu nhà trọ bà Nụ là nhờ nguồn gạo tiếp tế ông bà già từ quê gửi lên. Nấn ná vậy để chờ ai hú một tiếng thì... nhảy, lần hồi kiếm sống qua ngày".
 
"Vận hội" dường như đang mỉm cười với người thợ nửa mùa sức dài vai rộng này. Một người bạn thợ hồ hứa sẽ cho Như đi theo phụ việc, "có mắm ăn mắm, có muối ăn muối". Điều khiến Như băn khoăn là thứ công việc bụi bặm đầy đất cát ximăng kia liệu có "trường hơi"?

Không ai trả lời giúp Như câu hỏi hoang mang, mờ mịt ấy, kể cả anh bạn đồng hương tốt bụng. Dẫu sao, Nguyễn Trần Như vẫn tự nhận mình là người may mắn: "Không như hai chị gái và ông anh rể em, cũng thuê phòng trọ tại đây. Họ vãn việc rồi mà chưa biết phải đi đâu, về đâu".

Theo chân Nguyễn Văn Minh - người đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị "hồi hương", tái diễn sự nghiệp chân lấm tay bùn,  tôi khom người lách qua cánh cửa cao chưa tới mét rưỡi. Gian phòng bé như lỗ mũi, tối hù khiến tôi suýt va vào mấy bóng người đang cặm cụi phía dưới.

Họ- một cặp vợ chồng- đang im lìm, nhẫn nhịn chia sẻ công việc bếp núc cho một bữa trưa. Chồng Phạm Văn Phúc, đến từ n Thạnh, Hoài n; vợ Nguyễn Thị Như Ny (Phước Sơn, Tuy Phước). Sự tùng tiệm, nghèo khó, kham khổ, thiếu thốn  phơi bày trần trụi trên nền gạch nứt nẻ, giữa quầng sáng leo lét hắt ra từ chiếc bếp gas cũ kỹ trộn với sắc màu lờ nhờ nhập nhoạng từ ngoài hiên chiếu vào.

Bữa trưa, họ dùng dằng co kéo, sẻ san, nương tựa vào nhau đó có giá 3.000 đồng gồm quả trứng vịt và mớ rau muống bằng nắm tay trẻ con. Ny hồn nhiên: "Hôm nào rộng rãi hay mủi lòng vì sợ ảnh suy kiệt, em tăng cường thêm gói mì tôm. Còn thì trường kỳ rau muống, trường kỳ trứng vịt".

Nhìn Ny thật khắc khổ cạnh anh chồng nói 29, song lại mang dáng điệu đăm chiêu, lầm lì, từng trải của người đàn ông ngoài tuổi 40. Tôi khích Phúc khi chỉ vào chiếc bếp gas lập loè, chiếc tivi màn hình cỡ gang tay, chiếc đầu đĩa tróc lở cũ càng kê sát vách, anh chàng giãy nảy: "Giả nghèo giả khổ gì đâu. Đồ bỏ đó anh ơi. Đầu đĩa đi xin, chưa xài đã hỏng, vứt thì tiếc mà sửa thì không đủ tiền. Chỉ có bếp gas là thành quả đáng giá nhất của em sau 5 năm lăn lóc tại Phú Tài và sau không biết bao bận cãi cọ, dằn xóc với hàng xóm do mình cứ lọ mọ củi lửa còn họ lại quá dư thừa bức bối, căng thẳng, ngột ngạt. Thôi thì bóp bụng, mình bán anh em xa, mua láng giềng gần".

Phúc vốn là công nhân của Cty CP chế biến gỗ nội thất Pisico trước khi sang Bình Phú đầu quân bên cạnh vợ. Về đây, anh vẫn còn "chân" ở Pisico chừng nào bên đó xoay xở được đơn hàng mới. Giờ, trước mắt cả Phúc lẫn Ny là một ngã ba gập ghềnh, hun hút: Ra n Thạnh - xứ chồng hay xuống Phước Sơn - quê vợ. Để bấu víu, để cầu cạnh, để nương náu chờ thời.

 

Rất nhiều nhà trọ vắng khách ở Khu công nghiệp Phú Tài.

Về đâu thì cũng đầy âu lo phấp phỏng bởi nguồn thu nhập 2 triệu đồng/tháng không còn. Chẳng nhiều nhặn gì, nhưng trừ 200 ngàn tiền nhà, trừ tiền điện, tiền nước, chi tiêu tằn tiện, dè sẻn, mỗi tháng cũng dành dụm được 400 - 500 ngàn đồng gửi về quê mua sữa cho con. Đứa con 4 tuổi của họ, suốt mấy năm nay phải gửi bà ngoại nuôi giùm. "Nhớ con đến quay quắt nhưng chịu, không dám đèo bòng. Đưa nó lên, lấy tiền đâu gửi trẻ"- giọng Ny buồn như có nước mắt.

"Hiệu ứng domino"

Cú sốc của ngành gỗ (và không chỉ ngành gỗ) kéo theo nó những hệ lụy dây chuyền. Ông Phan Văn Vân - Phó Giám đốc Cty CP dịch vụ các khu công nghiệp - đơn vị cung ứng dịch vụ hậu cần cho hai khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, than đã hết thời mua may bán đắt.

Sản phẩm chủ lực của Cty ông Vân là suất ăn công nghiệp, đã "sụt giảm theo chiều thẳng đứng" kể từ quý IV/2008. Từ chỗ cung ứng bình quân mỗi ngày gần 4.000 suất cho 26 đơn vị, đến nay lượng khách hàng của doanh nghiệp chỉ lèo tèo ở mức trên dưới 1.000, chủ yếu là cán bộ văn phòng. Nhóm thực khách chung thuỷ cuối cùng kia, chắc chắn còn rơi rụng nhiều trong những ngày tới.

Để cứu mình, doanh nghiệp một mặt thúc quân đòi nợ (có đại gia khi "nghỉ ăn" còn treo nợ hàng trăm triệu đồng), mặt khác chuyển sang ve vãn các trường học trên địa bàn. "Cũng chẳng dễ dàng gì. Chúng tôi mỏi miệng chào hàng nhưng hiện mới chỉ có 1 trường hưởng ứng"- ông Vân cho biết. Tới lượt mình, Cty ông cũng nghiến răng cắt giảm lao động, đưa quân số từ 49 người xuống còn 32 cho đỡ phần chật vật.

Theo "khảo sát... bằng mắt" (do chưa có số liệu điều tra chính thức) của ông Đoàn Văn Vỹ - Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu - thì lao động tại 80 doanh nghiệp của Khu công nghiệp Phú Tài đã giảm mạnh từ 20.000 xuống còn hơn 10.000 người.

Trần Quang Diệu mọc mũi sủi tăm nhờ vào sự tồn tại của khu công nghiệp. Ngày trước, nếu "thóc tới đâu, bồ câu tới đó", hàng trăm hộ gia đình chuyển đổi từ nghề nông, nghề rừng sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, cho thuê nhà trọ, mở xưởng sửa chữa cơ khí phục vụ khu công nghiệp thì nay, nhóm đối tượng này, cũng bị bầm giập trước ngón đòn suy thoái kinh tế.
 
Ông Vỹ lật sổ tay: Số cơ sở kinh doanh từ 400 điểm mua bán tấp nập đã giảm xuống còn 320 điểm cầm cự vật vờ. Nhiều cửa hàng cửa hiệu buộc phải mở cửa mỗi ngày chỉ vì không còn lựa chọn nào khác chứ chẳng phải vì đồng lời, đồng lãi.

Tình hình trên đặt lên vai chính quyền địa phương một gánh nặng chưa có tiền lệ. Mục tiêu thu ngân sách "năm sau cao hơn năm trước" của ông Vỹ và đồng sự đang bị thách thức (năm 2008 là 4,2 tỉ đồng), nhưng trước mắt, họ khó ăn ngon ngủ yên trước nạn thất nghiệp tràn lan, nạn cờ bạc rượu chè, nạn phạm pháp hình sự nảy nòi do ăn không ngồi rồi, vô công rách việc.

Thì đó, số vụ vi phạm pháp luật chẳng đã gia tăng bất thường là gì? Cả năm 2007, toàn phường chỉ 22 vụ phạm pháp, vậy mà mấy tháng cuối năm 2008 - đầu năm 2009, con số này đã là 21.

Tôi hỏi ông Vỹ cách nào an bài cho hàng ngàn lao động bật ra từ các khu công nghiệp hiện ngồi chơi xơi nước, câu trả lời thật bất ngờ: "Có nghề làm chổi đót ở khu vực I, nhưng nó chỉ thâu dụng chừng 300 nhân công và cũng đã bão hoà rồi".

Theo Ghi chép của Xuân Nhàn / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.