Vào đời trên đôi chân tật nguyền

06/08/2009 11:18 GMT+7

Nghị lực và khát vọng chiến thắng tật bệnh cùng tấm lòng thương yêu, sự bảo bọc của người thân đã giúp những nạn nhân da cam/dioxin vượt qua nỗi đau để sống tốt, dù gặp muôn vàn khó khăn. Nhân “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam VN” (10-8), chúng ta cùng hướng về họ để góp thêm tiếng nói cho cuộc đấu tranh vì công lý

Một “chú lùn” di chuyển trên đôi chân ngắn cũn cỡn, không bàn chân lại trở thành vận động viên bơi lội;  một “Sọ Dừa” đặt đâu nằm đấy nhưng làm cô giáo dạy trẻ, biết kinh doanh... Rõ ràng, chất độc da cam/dioxin có thể hủy diệt một phần cơ thể họ nhưng không khuất phục được ý chí vươn lên trong những con người bất hạnh này.

“Người thường làm được, em làm được!”

Mọi người vẫn hay gọi Nguyễn Hồng Lợi (sinh năm 1987, ngụ quận 2 - TPHCM) như vậy bởi sự nhanh nhẹn, nhất là từ sau khi Lợi đoạt HCB Giải Bơi lội toàn quốc dành cho người khuyết tật vào tháng 5-2009.

Do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên từ khi mới chào đời, một cánh tay Lợi bị teo, đôi chân ngắn củn, đặc biệt là chẳng có bàn chân. Lợi cao chỉ khoảng 1,1 m nhưng với “rái cá”, điều đó chẳng hề gì. “Việc gì người bình thường làm được em cũng làm được, vậy thì muốn chân dài thêm làm chi” - Lợi lạc quan nói.

Lợi rất mê vẽ. Năm 2005, Lợi bước vào thế giới của mỹ thuật khi được nhà thiết kế Sỹ Hoàng nhận làm học trò trong lần ông đến thăm Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ - TPHCM (Lợi sống ở đây từ bé).

Lợi kể: “Vẽ áo dài..., chưa bao giờ em hình dung mình sẽ làm được. Thời gian đầu, vẽ mãi cái lá măng không xong, chỉ muốn quăng cọ nhưng nhờ thầy và các anh chị đi trước chỉ bảo tận tâm, cuối cùng em cũng vẽ được cái lá măng. Nhìn tác phẩm của mình, em khóc”.

Hiện nay, Lợi đã là nhân viên chính thức tại công ty thiết kế áo dài của Sỹ Hoàng. Không chỉ được tiếp tục làm công việc yêu thích, Lợi đã thực sự sống được bằng nghề của mình.

Vào cuối tuần, Lợi dành hết thời gian để đến thăm những bệnh nhân da cam; đem sự lạc quan, dí dỏm của mình tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua nỗi đau bệnh tật. Đó cũng là cách “rái cá” trả ơn những người đã giúp đỡ mình.

 
“Cô giáo bé Ba” Huỳnh Thanh Thảo (bìa trái) bên các học trò nhà nghèo. Ảnh: C.T.V

“Cô giáo” 65 cm

Đã 23 tuổi nhưng Huỳnh Thanh Thảo (ngụ ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi-TPHCM) chỉ cao 65 cm, đôi chân cong vòng nhỏ xíu nhưng đôi mắt cô mở to, trông rất lanh lợi, khiến ai cũng chú ý.

Bà Nguyễn Thị Xuân, mẹ Thảo, kể: "Vài năm gần đây, Thảo mới lăn qua lăn lại được, trước kia thì đặt đâu nằm đó vì mỗi lần cử động, xương kêu như muốn vỡ vụn, đau nhức toàn thân”.

Thảo ham học. Thương con, ba mẹ Thảo đưa cô đến trường, nhưng rồi sợ con bị bạn bè giẫm phải nên chỉ một ngày sau, ba mẹ Thảo đành để cô ở nhà, mua tập vở về dạy cho học. Về sau, Thảo tự học và tiến bộ rất nhanh.

Biết Thảo đọc viết thông thạo, những đứa trẻ trong ấp kéo đến nhờ “chị bé Ba” (tên ở nhà của Thảo) bày cho học. Rồi Thảo mở hẳn một lớp dạy kèm. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các xã khác trong huyện cũng gửi con đến nhờ Thảo dạy.

“Tụi nhỏ gọi em là cô bé Ba, có khi lớp lên đến 15 em, mà ghế nhà em không đủ nên phải từ chối bớt, dù áy náy lắm...” - Thảo tâm sự. “Có nhiều học sinh như vậy, thu nhập của Thảo chắc cũng khá?” - tôi hỏi. Thảo lắc đầu: “Em dạy miễn phí, vì các em toàn là con nhà nghèo. Em không đi đâu được, có tụi nhỏ, vui lắm”.

Sáu năm “gõ đầu trẻ”, sau một lần nhập viện vì suy nhược cơ thể, “cô giáo bé Ba” đành giải tán lớp học. “Vậy mà dịp 20-11 năm nào tụi nhỏ cũng đến nhà em chơi, chúc mừng rồi cùng nhau đi ăn kem” - Thảo khoe.

Lớp học giải tán, thấy học sinh nông thôn thiếu nơi vui chơi, giải trí, đọc sách, Thảo nảy sáng kiến lập một thư viện mini cho các em đến đọc sách miễn phí. Theo Thảo, thư viện mini là nơi để các em học được điều hay trong sách vừa không tốn thời gian vào những trò chơi vô bổ, dễ hư hỏng.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thường bị gián đoạn vì có nhiều người đến mua sim card điện thoại. Thảo nói: “Từ vài triệu đồng làm vốn, với tiệm bán sim card này, bây giờ em đã có vài chục triệu đồng trong tay rồi đấy. Em chỉ muốn thử sức mình làm được tới đâu, còn mơ ước của em là học ngoại ngữ để... hội nhập, đồng thời để dạy lại cho các em trong ấp”. Thảo trích một phần tiền lãi từ việc bán sim card để mua sách cho thư viện, một phần ủng hộ cho các mái ấm, nhà mở vào những dịp đến thăm họ.

Tấm lòng người chị

Những mơ ước của “cô giáo bé Ba” có lẽ đã không thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ đắc lực từ người chị Huỳnh Tiểu Thư (tên ở nhà là bé Hai). Tốt nghiệp trung cấp kế toán, được một công ty lớn nhận vào làm việc, Thư định nhận lời với mơ ước vừa làm vừa học lên đại học nhưng vì thương đứa em tật nguyền, cô đành gác lại ước mơ đó, xin vào làm ở một công ty gần nhà để có thời gian chăm sóc em.

Giờ nghỉ trưa, bé Hai tranh thủ về nhà cho bé Ba ăn uống; buổi chiều, sau giờ làm việc, bé Hai phải chạy ra thị trấn cách đó cả chục cây số để lấy sim card điện thoại cho bé Ba.

Bé Hai làm tất cả mọi chuyện theo yêu cầu của bé Ba, miễn sao cho bé Ba vui. “Chị em tụi nó thương nhau như vậy, vợ chồng tôi thấy ấm lòng, nỗi đau về đứa con tật nguyền cũng vơi bớt” - bà Nguyễn Thị Xuân xúc động nói.

Theo Thu Sương / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.