Trở lại mật khu Đỗ Xá

16/07/2011 20:57 GMT+7

Căn cứ Nước Là - mật khu Đỗ Xá, trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là di tích cấp quốc gia. Một con đường dài 39 km xuyên qua vùng núi non hiểm trở này vừa thông tuyến để nối với huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum)...

Mật khu bất khả xâm phạm

Mật khu Đỗ Xá (*) hay căn cứ Đăk Bla (Nước Là) thành lập từ cuối thập niên 1950 thế kỷ trước nhằm hiện thực hóa đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam của Nghị quyết 15 T.Ư ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Mật khu Đỗ Xá gắn liền với những tên tuổi lừng lẫy một thời của quân Giải phóng miền Nam như Võ Toàn (Võ Chí Công), các tướng Trần Kiên, Nguyễn Đôn, Chu Huy Mân, Trương Chí Cương, Võ Thứ, Hoàng Minh Thắng, Mười Chấp... Mật khu Đỗ Xá  nay là vùng Tăk Pỏ, Nước Là gần Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My ngày nay.

 

Mật khu Đỗ xá nay là huyện lỵ Nam Trà My - Ảnh: T.Đ.T

Ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Phó văn phòng Khu ủy 5 lúc đó, nhớ lại: “Trong những năm chiến tranh đặc biệt, địch thường xuyên đưa lực lượng càn quét đánh phá các khu căn cứ của cánh mạng. Mùa hè năm 1964, tướng Sài Gòn Nguyễn Khánh đưa 3 sư đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đánh vào mật khu Đỗ Xá và vùng núi non hiểm trở giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum để tiêu diệt các cơ quan đầu não cách mạng ở khu Trung Trung bộ...”. Tài liệu lưu trữ cho thấy lúc đó, quân đội Sài Gòn đã đổ hàng trăm tấn bom và hàng ngàn quân thiện chiến của Vùng I và II chiến thuật và TQLC nhiều lần tấn công vào Đỗ Xá, nhưng đã bị thiệt hại nặng nề. “Dân quân du kích và đồng bào các dân tộc tổ chức bố phòng bằng chông kín các ngả đường và các điểm cao trọng yếu kể cả xây dựng các trận địa bắn máy bay, sẵn sàng chiến đấu. Hàng trăm lính và hàng chục máy bay trực thăng đã bị ta bắn rơi, buộc chúng phải rút lui... Chiến thắng Đỗ Xá cho thấy ý nghĩa và vai trò lịch sử của mật khu này trong lúc lực lượng vũ trang của quân khu còn non trẻ”, ông Cao kể...

Về phía quân đội Sài Gòn, tham gia vào những đợt tấn công mật khu Đỗ Xá, có các tên tuổi cộm cán sau này như Ngô Quang Trưởng, Bùi Thế Lân, Lê Nguyên Khang lúc đó hãy còn là những sĩ quan cấp úy. Tướng Nguyễn Văn Hiếu của quân đội Sài Gòn thừa nhận trong hồi ký “Hai lần thâm nhập mật khu Đỗ Xá”: Tướng Khánh cũng đã thử tài tung quân vào mật khu Đỗ Xá, với sự trợ lực của trung tá Ngô Dzu, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2. Nhưng họ đã bị thất bại cách ê chề vì đạo quân tung vào bị địch quân đánh dội trở ra sau khi nướng mất trọn một tiểu đoàn...

Ngày 28.4.2004, nhật báo New York Times tường thuật: “Hai mật khu Việt Cộng là Đỗ Xá và Mang Xin, do Cộng sản kiểm soát từ cuộc chiến Đông Dương chống Pháp sau Đệ nhị Thế chiến. Quân lính chính phủ xâm nhập vào vùng này lần đầu tiên năm ngoái, nhưng đã không diệt được sự kháng cự của Việt Cộng...”. Sau đó, hãng tin UPI của Mỹ tường thuật từ Sài Gòn: “QLVNCH cũng đã tổ chức hai cuộc xâm nhập vào mật khu này... Các nguồn tin Hoa Kỳ nói mỗi chiếc trực thăng xử dụng trong cuộc không vận đều bị trúng đạn của hỏa lực Cộng quân bắn từ dưới đất... Các nguồn tin này chối bỏ việc lực lượng chính phủ bị sa lầy, nhưng nhiều báo cáo nói ngược lại...”.

Thế trận lòng dân

Cựu đại tá Đỗ Phú Đáp, tập kết ra Bắc và quay về để kịp có mặt trong những ngày thành lập mật khu kể rằng, ngoài sự lớn mạnh của lực lượng quân sự, “nhân dân các dân tộc Xê Đăng, Bhơ-noong, Ca Dong một lòng một dạ đi theo cách mạng... cung cấp lương thực thực phẩm cho bộ đội, cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia chiến đấu. Đó là một trong những nhân tố quan trọng làm chỗ dựa vững chắc cho căn cứ mật khu Đỗ Xá...”. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Tấn Tỏa, lúc đó công tác ở Ban Tổ chức Khu ủy, kể: “Chúng tôi vào nhà dân, lúc nào dân cũng tiếp đãi rất tử tế. Lúc tôi ở làng Tak Chanh bà con ở các nóc gần đó hàng ngày mang gạo, bắp, củ mì, rau quả đến cho ăn không hết. Có hôm họ còn mời cán bộ sang nhà họ ăn cơm... Họ đi săn được heo hay nai cũng chia cho chúng tôi...”.

Thế trận lòng dân của mật khu Đỗ Xá được nhà báo Võ Thế Ái (TTXVN) ghi lại trong hồi ký Bước chuyển lớn trên Trường Sơn: “Đồng bào bấy lâu chỉ khao khát cách mạng cho lệnh đánh và cướp chính quyền, nay thấy cách mạng kêu gọi đóng góp nuôi quân thì liền hưởng ứng nhiệt liệt. Vượt qua mọi việc dò xét của địch, các buôn làng dựng lên hàng loạt kho gạo cách mạng... Ngoài việc tăng diện tích trồng lúa, đồng bào còn làm thêm nhiều rẫy sắn dành hẳn cho lực lượng thoát ly, gọi là rẫy cách mạng...”. Ông Hoàng Minh Thắng sau này là Bộ trưởng Bộ Thương mại, đau đáu về những hy sinh to lớn của hàng vạn người dân các dân tộc thiểu số ở đây: “Chúng ta phải có trách nhiệm để người dân, những người từng cưu mang chúng ta để cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, có được cuộc sống no đủ. u đó cũng là sự trả nghĩa cho ho...”.

Từ Đỗ Xá đến Nam Trà My

Bí thư Huyện ủy Hồ Thanh Bá nói: “Nam Trà My là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, 64% trong số 24 ngàn dân thuộc đối tượng nghèo theo chuẩn cũ. Nếu tính theo chuẩn mới, con số này lên tới 84%. Đây là vùng núi non hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt nhưng việc đầu tư hạ tầng và các chính sách của nhà nước chưa tương xứng...”.

Nam Trà My hiện có 10 xã với hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo tập quán tự sản tự tiêu, không có ruộng lúa nước nên lúa rẫy thường bị mất mùa nếu thời tiết không thuận lợi... Trong 2 năm qua, chúng tôi đã đưa gần 900 thanh niên đi xuất khẩu lao động, nhưng chỉ hơn 1/3 trong số đó đủ tiêu chuẩn vì nhiều người không đủ sức khỏe, bị các bệnh về gan, phổi hoặc không đủ trình độ văn hóa đã bị từ chối! Toàn huyện tuy xã nào cũng có trạm xá nhưng chỉ có mấy y tá vì đầu vào để đào tạo bác sĩ, y sĩ  tốt nghiệp phổ thông trung học là rất hiếm...”.

Người dân Nam Trà My sống bằng cây quế, cây sâm Ngọc Linh và loài cá niêng. Nhưng giống quế thuần chủng bị pha tạp, giá cả tùy thuộc vào tư thương. Bột quế cũng khó tiêu thụ vì bị mất thương hiệu. Cây sâm Ngọc Linh là thế mạnh của vài xã nhưng cũng gặp khó khăn về giống và nạn mất cắp, còn cá niêng thì ngày càng ít đi do môi trường bị xâm hại và nạn đánh bắt theo kiểu hủy diệt. Theo Chủ tịch huyện Hồ Văn Ny, tập quán sản xuất và cơ chế chính sách dành cho đồng bào miền núi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đầu tư theo Nghị định 30a của chính phủ mà mỗi năm chỉ rót xuống 20-30 tỉ đồng so với nhu cầu của huyện là 4.000 tỉ đồng, thì tôi tính ra phải mất đến... 111 năm mới hoàn tất!”.

Trên con đường Nam Quảng Nam mới mở nối thị trấn Tăk Pỏ đến huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) với vốn đầu tư gần 1.300 tỉ đồng nhằm phát triển vùng kinh tế Nam Trà My, nhiều ngôi nhà tôn, nhà gạch của nhiều hộ người miền xuôi lên xây dựng và mở cửa hàng buôn bán. Những chiếc xe thồ hàng chở đầy gà vịt, bia rượu từ hướng Tiên Phước lên cung cấp hàng tươi cho các lán trại công nhân cầu đường. Hàng ngàn mét khối gỗ ven những cánh rừng nguyên sinh quanh khu vực Ngọc Linh đã được đốn hạ “tận thu” để làm đường. Các xóm nhà người dân tộc của các xã Trà Mai, Trà Dơn vẫn nằm cách biệt trên những bờ dốc đứng cheo leo, bên những cánh rừng nguyên sinh và những nương rẫy bé tẹo. Dường như họ không quan tâm đến nền “kinh tế thị trường” đang nhộn nhịp bên ngoài. Ông Hồ Văn Ny cho biết: “Nhiều thanh niên địa phương bỏ học, hàng ngày vào rừng bứt mây, lột quế hoặc đi làm công ngày nào đòi tiền ngày ấy chỉ để... uống rượu. Tâm lý ỷ lại nhà nước và thói quen tư duy tự sản tự tiêu cứ mãi kìm hãm sự phát triển của họ...”.

Rõ ràng, rất nhiều sự đầu tư của nhà nước cho vùng cao như Nam Trà My, nhưng sự dàn trải; manh mún trong đầu tư, tư duy ỷ lại và tập quán sản xuất lạc hậu của người dân thiểu số vùng cao đã khiến cho cơ hội hưởng thụ “sự trả nghĩa” của người dân thiểu số ở mật khu xưa, như cách nói của ông Hoàng Minh Thắng, trở nên ít hiệu quả.

Phóng sự Trương Điện Thắng

(*) Theo nhà báo Võ Thế Ái, Đỗ Xá là mật danh của căn cứ Nước Là, cũng có người cho đó là tên của một chiến sĩ hy sinh khi đi tìm vị trí xây dựng căn cứ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.