Tội phạm vùng "tam giác đen" - Kỳ 4: Những tảng băng chìm

01/12/2011 01:57 GMT+7

Hàng loạt tay cộm cán như Tuấn “chó”, Đặng Anh Quốc, Năm “Quảng Bình”, Lai “đầu bạc”, Mười “thu”... đã lần lượt sa lưới nhưng người dân vẫn chưa thể yên tâm.

Hàng loạt tay cộm cán như Tuấn “chó”, Đặng Anh Quốc, Năm “Quảng Bình”, Lai “đầu bạc”, Mười “thu”... đã lần lượt sa lưới nhưng người dân vẫn chưa thể yên tâm.

>> Kỳ 3: Khách vãng lai thành miếng mồi ngon

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an), trên cả nước có 16 tỉnh thành phố trọng điểm có hoạt động phức tạp về tội phạm hình sự. Trong đó, vùng giáp ranh giữa Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM được xác định là cụm nóng bỏng nhất. Đến nay, Cục Cảnh sát hình sự sau khi vào cuộc đã xác định có gần 40 băng (trong đó có 24 băng nguy hiểm) với 181 đối tượng nghi vấn phạm tội đang hoạt động. Lo ngại nhất là hoạt động của các băng nhóm có tổ chức, bảo kê, đâm thuê chém mướn.

Theo chúng tôi tìm hiểu, sau khi các băng nhóm lớn liên tục bị bắt, nhiều đối tượng ở Hóc Môn, Củ Chi đã bắt đầu tràn sang “trám chỗ”. Tại khu vực này, nhiều lần người dân chứng kiến cảnh các nhà xe bị xin đểu và buộc chung tiền tháng. Hiện đang nổi lên một đối tượng có biệt danh T. “sẹo”, vài tháng nay đứng ra tổ chức bảo kê. Địa bàn hoạt động của T. “sẹo” kéo dài từ ranh giới quận Thủ Đức, tới KCN Sóng Thần, ngã tư Năm năm mươi (TX.Thuận An, Bình Dương). Nhiều nhà hàng, quán nhậu, cà phê đang hoạt động bình thường, nhưng khi đàn em T. “sẹo” ghé buộc đóng tiền bảo kê, chủ quán phải đưa ngay. Chưa kể hằng tuần các chủ cơ sở phải chiêu đãi đàn em của T. nhậu “chùa”. Nếu không biết điều thì nhất định sẽ bị đập phá quán, kiếm cớ đánh nhau trong quán, làm cho quán mất khách.

Tương tự, P. “đen” tách ra khỏi nhóm với Mười “thu”, rồi xây dựng đàn em tổ chức trộm cắp tài sản và hoạt động các lĩnh vực cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, xin đểu tại bến xe Lam Hồng. Khoảng 1 năm trước, P. cùng các đối tượng sừng sỏ như Tuấn “chó”, Phong “heo” (quê Hải Dương), Hiếu “già” (quê Đồng Nai), Minh “hip hop” (quê Ninh Thuận)… thường xảy ra nhiều trận đụng độ do tranh giành địa bàn. Tuy nhiên, do yếu thế nên P. “đen” rút về, chỉ cai quản lĩnh vực trộm vặt và đá xế. Một thời gian sau, vào tháng 10.2010, các đối thủ của P. lần lượt sa lưới, P. “bất chiến tự nhiên thành”, tự nổi lên thành một ông trùm, cùng với Mười “thu” (đã bị bắt) phân chia địa bàn hoạt động. Tương tự băng của Năm “Quảng Bình” và Lai “đầu bạc” (đã bị triệt phá), đàn em của P. sau khi “ăn nóng” xe gắn máy đều nhanh chóng thay hình đổi dạng, định giá rồi “chẻ” nhỏ xe đem đi tiêu thụ tại các vùng lân cận. P. còn có đường dây làm xe xịn từ xe Trung Quốc với phương thức: nếu ai không có tiền mua các loại xe tốt thì chỉ cần mua xe Trung Quốc cũ, có giấy tờ hợp lệ, sau đó móc nối với đàn em của P. để đặt hàng biến thành xe đắt tiền, phù hợp kiểu dáng bằng cách thay toàn bộ phụ tùng.

Theo người dân ở KCX Linh Trung (Thủ Đức), đàn em của P. có nhiều đối tượng là công nhân tại đây. Sau khi xin vào làm việc tại các công ty, bọn chúng đe dọa quản đốc, quản lý phân xưởng phải điểm danh khống, quét thẻ chấm công, xác nhận cho bọn chúng có đi làm. Nhưng thực chất đàn em của P. chủ yếu vào rình mò, nghiên cứu cách trộm cắp tài sản của công ty, trộm xe gắn máy hoặc ra ngoài công ty để cướp giật. Năm 2010, có người làm quản đốc phân xưởng tại một công ty nước ngoài, do không chịu điểm danh cho chúng, lập tức bị đe dọa, hoảng sợ phải xin nghỉ việc, về mua xe ba gác máy chở hàng thuê tại ngã tư An Sương. P. còn chiêu mộ những đàn em là công nhân lười lao động, xâm nhập vào công ty chủ yếu để cho vay nặng lãi, dụ dỗ những công nhân khác sa ngã để cưỡng đoạt tiền lương. 


Năm “Quảng Bình” - Ảnh: Kim Cương

Tăng cường truy quét

Theo một cảnh sát hình sự, để tồn tại trong một thời gian dài, mỗi lần làm những phi vụ lớn, các băng nhóm đã biết móc nối lẫn nhau để nghe ngóng thông tin từ cơ quan chức năng, sau đó chuyển địa bàn và thay đổi phương thức hoạt động. Theo báo cáo của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Đồng Nai, thời gian qua trên địa bàn tỉnh và vùng giáp ranh với TP.HCM, Bình Dương nổi lên các đối tượng đến từ Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... tổ chức hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, cướp giật. Từ đầu năm 2011 đến nay, Công an Đồng Nai đã bắt 42 đối tượng bị truy nã chọn vùng giáp ranh Đồng Nai ẩn náu. Đặc biệt mới đây, Công an TP.Biên Hòa đã xác định được 5 vụ trộm cắp xe máy do băng nhóm từ các tỉnh khác đến Dĩ An trú ẩn để sang TP.Biên Hòa gây án. Sau khi phối hợp với Công an Q.Thủ Đức, Dĩ An, PC45 xác định được 7 đối tượng (4 đối tượng quê Nghệ An, 1 ở TP.HCM, 2 ở Đồng Nai) thường xuyên trộm cắp xe tại các KCN vùng giáp ranh, đang lên kế hoạch truy bắt.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an cho biết tội phạm ở vùng giáp ranh rất phức tạp. Hiện công an địa phương đang đấu tranh với hàng chục băng nhóm, chủ yếu là các băng đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật, trộm cắp... Đối tượng trong các băng này chủ yếu từ miền Bắc và các tỉnh miền Tây tụ về. C45 cho biết từ ngày 1.5 đến nay đã có 14 băng bị triệt phá ở vùng giáp ranh. Theo một trinh sát của tỉnh Bình Dương, gần đây, do Bộ Công an và công an các địa phương liên tiếp truy quét nên nhiều băng đang “nằm im thở khẽ”, hoặc dạt ra các địa bàn khác hoạt động. 


Vũ khí của các băng giang hồ bị thu giữ

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.