Thúng chai Phú Mỹ xuất Thụy Sỹ

18/12/2012 09:16 GMT+7

Thúng chai (còn gọi là thuyền thúng) không thể thiếu với người dân ven biển miền Trung. Họ dùng chúng để hằng ngày câu mực, lặn sò, kéo lưới hoặc đua tranh trong các lễ hội.

Bây giờ, thúng của vùng đất Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) sang Thái Lan giúp người dân chạy lụt, sang Thụy Sỹ làm du lịch…


Anh Trương Văn Danh lận vành thúng. Ảnh: V. Tài

Thúng chai đất Phú xuất ngoại

Làng nghề Phú Mỹ những ngày cuối năm. Từ đầu làng, không khí đã rộn ràng, tất bật. Hàng trăm thuyền thúng thành phẩm đang được người dân hong nắng, sẵn sàng chờ thương lái chở đi tiêu thụ. Hàng trăm thuyền thúng thành phẩm khác còn ở sân phơi đợi ngày “xuất ngoại”.

Theo anh Mai Tấn Hùng, người làm thuyền thúng ở thôn Phú Mỹ, từ trước đến nay, thúng chai vẫn được ngư dân sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như câu mực, lặn sò, kéo lưới hoặc dùng để đua tranh trong các cuộc thi, lễ hội cầu ngư hằng năm.

Mấy năm nay, làng được đặt hàng “xuất ngoại”, càng làm cho nhiều người dân vui mừng say nghề hơn. Họ không ngờ sản phẩm do mình làm ra có ngày được xuất khẩu, thu về ngoại tệ.

Cuối năm 2009, nhân dịp sang Việt Nam tham quan di sản văn hóa miền Trung, giáo sư tên Kin, người Thái Lan, muốn đến tận nơi làm ra thuyền thúng Phú Mỹ để tìm hiểu về phương tiện độc đáo này, đồng thời xây dựng đề án nhập khẩu về Thái Lan, cung cấp cho các điểm kinh doanh du lịch.

Đến cuối năm 2011, chuyến hàng đầu tiên xuất ngoại bằng đường thủy với khoảng 200 chiếc thuyền thúng đã trở thành sự kiện trọng đại của làng Phú Mỹ.

Giáo sư Kin còn thuê hẳn một thợ đan thuyền thúng và một ngư dân Phú Yên sang Thái Lan hướng dẫn bà con đi lại bằng phương tiện độc đáo này trong một tháng.

 

Thúng chai của Phú Yên có điểm đặc biệt là chỉ sử dụng nguyên liệu của địa phương. Theo người dân, cây tre trồng trên đất Phú Yên có đặc điểm chịu nước tốt, dẻo dai nên khi vót nan, đan mê thành thúng, thúng không bị giòn, không gãy và không bị “rút”, thúng rất bền. Người dân Phú Mỹ lận thúng bằng hầm đất (đào một lỗ dưới đất thành hình thúng rồi lận theo khuôn đất, tùy chỉnh kích thước lớn, nhỏ) nên đít thúng rất bằng, dễ di chuyển và được nhiều ngư dân ưa chuộng. Ngoài ra, Phú Yên có nguồn dầu rái rất chất lượng, nên khi trét thúng, thúng chai sẽ giữ được độ bền rất lâu.

Sau lần đầu tiên đó, một số công ty ở TPHCM đã về Phú Mỹ đặt hàng thuyền thúng để xuất sang Thái Lan….

Một số doanh nghiệp Thái Lan hỗ trợ vùng lũ lụt Bangkok thuyền thúng để đi lại. Hình ảnh thúng chai đất Phú được xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông và người dân Thái Lan rất ưa thích phương tiện này.

Tháng 11 vừa rồi, sản phẩm này lại đón đơn đặt hàng 200 thúng chai từ một công ty du lịch của Thụy Sỹ. Họ đặt mua thúng chai của Phú Yên vì sản phẩm đẹp, chất lượng cao, giá thành lại rẻ hơn so với nơi khác. Nếu lô hàng này xuất khẩu thuận lợi, sản phẩm thúng chai Phú Yên sẽ được quảng bá và đón nhận ở châu u.

Chị Trương Thị Bích Kiều, cơ sở sản xuất thúng chai vừa nhận được đơn hàng này, cho biết: “Nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn, nên giá các loại thúng chai ở Phú Yên thường thấp hơn các địa phương khác. Hiện mỗi cái thúng chai, tùy kích cỡ có giá từ 900 ngàn đến 4 triệu đồng/cái, tùy kích cỡ và số nan.

Đợt xuất hàng đầu tiên sang Thái Lan, sản phẩm thúng chai của làng nghề Phú Mỹ nhận được phản hồi rất tốt nên một công ty du lịch của Thụy Sỹ chủ động liên hệ tôi đặt hàng để trưng bày, giới thiệu, đồng thời phục vụ du lịch và đánh bắt thủy sản.

Hiện đang vào mùa đánh bắt thủy sản nên chúng tôi phải làm việc liên tục để kịp và đủ cung cấp các đơn hàng. Tuy nhiên, nghề sản xuất thúng chai luôn cần sự phối hợp của nhiều người thợ, nhiều công đoạn nên khi nhận được đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi đã tạo được nhiều việc làm và thu nhập hơn cho người dân làng nghề”…

Cần có chính sách hỗ trợ để làng nghề vươn xa

Mùa này, ở Phú Mỹ, không khí làm thuyền thúng nhộn nhịp khắp các nẻo đường. Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, một người dân cho biết: “Nhà tôi sắp phải giao 50 chiếc thúng chai vào tháng tới cho ngư dân Bình Định đi đánh câu cá ngừ đại dương. Hai vợ chồng làm ngày làm đêm vẫn không kịp. Chúng tôi đang kiếm thợ về làm để giao sản phẩm đúng hạn, không để mất uy tín với khách hàng”.


Anh Mai Tấn Hùng lận thúng bằng hầm đất


Ông Trương Văn Tấn (81 tuổi), người làm thuyền thúng trên 50 năm, cho biết thêm: Để hoàn thành một chiếc thúng phải qua nhiều công đoạn: chẻ, vót tre, đan mê, lận, nức, quét dầu rái. Chọn cật tre để làm nan, phơi 4-5 nắng rồi mới đan, nức, lận vành bằng cước nylon trắng.

Sau đó dùng phân bò tươi quét đều hai mặt trong và ngoài thúng, tiếp tục phơi 6-7 ngày cho khô rồi quét dầu rái để bảo vệ và chống thấm (trong quét 3 lớp, ngoài 2 lớp).

Cũng theo ông Tấn, đan thúng chai là nghề khó, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, khỏe mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt. Do vậy, nghề làm thúng chai rất vất vả, công phu và cần sự phối hợp của nhiều người, từ thợ vót nan, thợ đan mê, thợ lận, thợ nức vành, thợ trét phân bò, trét dầu rái…

Trong kỹ thuật làm thúng thì giai đoạn trét dầu rái là quan trọng nhất, vì nó quyết định sự thành bại của sản phẩm. Nếu không có bí quyết này, sản phẩm sẽ rất khó sử dụng.

Mặc dù làng có đến gần 40 hộ gia đình làm nghề đan thúng chai nhưng chỉ có một vài hộ biết được “bí kíp” trộn dầu rái trét thúng.

Đặc biệt, dầu rái ở đây chỉ dùng loại chai được lấy ở các miền núi huyện Đồng Xuân mới có thể nâng tuổi thọ của một chiếc thuyền thúng lên đến 12-15 năm.


Vợ chồng chị Mai quét dầu rái cho thúng chai. Ảnh: V. Tài


Chị Nguyễn Thị Mai, một chủ cơ sở đan thuyền thúng ở làng An Mỹ, nói: “Từ đầu năm đến nay, đơn đặt hàng đến nhiều nên dù cơ sở đã có 10 thợ, tôi vẫn phải thuê thêm thợ phụ hoặc cho người nhận nan về nhà đan rồi mang đến giao. Hiện, thợ chính làm ăn lương theo sản phẩm, thu nhập trung bình không dưới 5 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, khi đơn đặt hàng ổn định, chúng tôi sẽ tăng lương để giữ chân lao động cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ thúng chai, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho bà con, nhất là con em nông dân còn khó khăn”.

Mặc dù có cơ hội phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhưng đến nay làng nghề Phú Mỹ vẫn chưa có sự hỗ trợ, tiếp sức từ địa phương mà chỉ có sự nỗ lực tự thân của các hộ dân làm nghề.

Chị Bích Kiều nói, dù nguyên liệu của địa phương có sẵn nhưng muốn sản xuất ổn định thì mỗi hộ dân phải có khoảng 50-100 triệu đồng để dự trữ hàng.

Ông Trần Hữu Hiệu - Chủ tịch UBND xã An Dân - cho biết: Làng nghề thúng chai An Dân mới chỉ có gần 40 cơ sở làm thúng chai, tỉ lệ người dân làm nghề còn khá thấp, hiệu quả chưa cao, thị trường chưa ổn định.

Xã cũng chưa có chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nếu làng có thị trường ổn định và tiềm năng phát triển, địa phương sẽ vận động bà con thành lập nhóm, tổ hợp sản xuất để đẩy nhanh việc thành lập thương hiệu sản phẩm và có chính sách hỗ trợ bà con mở rộng, phát triển sản xuất.

Theo ông Nguyễn Phụng Ngoạn- Phó Chủ tịch huyện Tuy An, nhờ có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu thúng chai mà làng nghề làm thúng Phú Mỹ phát triển khá nhanh. Người dân có việc làm quanh năm, đời sống sung túc hơn.

Vì vậy, để chắp cánh cho làng nghề vươn xa, trong thời gian tới chính quyền sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đầu tư một số trang thiết bị cho làng nghề để giảm bớt các công đoạn thủ công, mở rộng thị trường của thúng chai Phú Mỹ.

Theo Văn Tài \ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.