Quảng Châu - Thiên đường hàng nhái

02/11/2010 10:45 GMT+7

Chuyện buôn bán hàng nhái không mới nhưng những cách thức ngăn chặn hành vi phạm pháp này là khoảng trống mà nhiều quốc gia chưa lấp được. Quảng Châu của Trung Quốc hiện nay được biết đến như “thiên đường” sản xuất và mua bán những mặt hàng giả các thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới, đe dọa ngành công nghiệp sản xuất của các nước, từ những nước phát triển đến những nước đang phát triển. Và giờ đây, với sự phổ biến của Internet, việc trao đổi, mua bán những mặt hàng này lại càng dễ dàng.

Giả tất tần tật...

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCED), lợi nhuận từ thị trường đen này đã tăng từ 100 tỷ USD trong năm 2001 lên 250 tỷ USD trong năm 2007. Năm ngoái, lợi nhuận cũng đạt mức xấp xỉ năm 2007. Trên thực tế, lợi nhuận có thể cao hơn con số này vì thị trường đen hoạt động thông qua các trang web ngày càng nở rộ và khó có thể thống kê chính xác mức lợi nhuận “đội trời” này.

Một chuyên viên của Sở Nhập cư và Hải quan Mỹ (ICE) cho biết: “Việc tận dụng kinh doanh qua mạng càng khiến vấn đề trở nên phức tạp. Chúng như những vòi bạch tuộc có thể tỏa đến mọi ngóc ngách. Việc ngăn chặn và kiểm soát vì thế càng khó khăn hơn. Và không chỉ riêng với sản phẩm thời trang của các thương hiệu danh tiếng, tất cả sản phẩm của các ngành công nghiệp đều có hàng nhái, hàng giả và được rao bán trên những trang mua bán trực tuyến”.

Năm ngoái, nhân viên hải quan và nhiều cơ quan chức năng khác của Mỹ đã tịch thu được gần 15.000 sản phẩm hàng nhái, trị giá gần 261 triệu USD và 80% trong số đó đến từ Trung Quốc, nhiều nhất là các mặt hàng gia dụng, giày dép, túi xách, rồi đến những mặt hàng dùng sinh hoạt hàng ngày như kem đánh răng cũng bị làm nhái, làm giả! Việc vi phạm bản quyền còn bao gồm cả việc lưu hành những phần mềm ứng dụng, trò chơi, các bài hát và phim ảnh trên trang web.

Trợ thủ đắc lực

Theo tác giả Bill Tarrant của bài viết “Hàng nhái ở Trung Quốc: Nhìn từ những trang kinh doanh trực tuyến” đăng trên Reuters, không mấy khó khăn để có được một chiếc túi Louis Vuitton sau khi đặt mua trên trang www.ericwhy.com (hiện có thể đã tạm ngừng hoạt động sau khi bài viết được công bố). Trang web đồ sộ này trưng bày đến hàng loạt mẫu mã sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Channel, D&G, Versace… Chỉ riêng của Louis Vuitton, có đến 1.800 túi được trưng bày, đủ mọi kiểu dáng, màu sắc. Bill Tarrant chỉ phải trả tổng cộng 162 USD, gồm 122 USD giá bán sản phẩm và 40 USD tiền vận chuyển. Đây là số tiền quá “mềm” nếu so sánh với giá 1.000 USD của mỗi sản phẩm này được bán ở những cửa hiệu chính hãng.

Việc mua bán diễn ra khá nhanh chóng, sau những thao tác đơn giản, không khác gì cách thức mua bán trực tuyến quen thuộc đối với những sản phẩm bình thường khác. Sản phẩm sau đó được chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trường hợp của Bill, anh nhận được sản phẩm đúng 6 ngày, kể từ lúc thanh toán tiền và hàng gửi đi từ Quảng Châu. Sản phẩm thơm mùi da đặc trưng, trông gần như hoàn hảo, nếu không có lỗi chi tiết ở một số từ ở phần hướng dẫn.

Những thắc mắc liên quan đến thông tin về địa điểm, sản phẩm hàng nhái, hàng giả dễ dàng tìm thấy chỉ qua cú nhấp chuột. Trên trang www.travelchinaguide.com có riêng mục Hỏi&đáp và nổi bật là đề tài về mua hàng giả, hàng nhái ở thành phố Quảng Châu. Hầu hết câu trả lời đều nhắc đến khu chợ Zhanxi và khu Baiyun là nơi tập trung các sản phẩm hàng da, khu Sanyuanli tập trung hàng mỹ phẩm.

Một trang web khác như replicaunderground.com đề cập nhiều địa chỉ cụ thể của các nhà cung cấp. Thậm chí các tour du lịch sang Quảng Châu cũng tranh thủ quảng cáo các tour mang tên “Thiên đường mua sắm giá rẻ” hoặc “Hàng hiệu giá rẻ”… tại nhiều nước trong khu vực.

Công khai và tràn lan

Ngày càng nhiều du khách nước ngoài đến Trung Quốc để sau đó trở thành cầu nối chuyển hàng giả về đất nước mình tiêu thụ. Trung bình, mỗi tháng một người có thể bán được từ 2.000 đến 3.000 mặt hàng cho người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới, chỉ với giá 100 USD một sản phẩm. Chủ yếu khách hàng ở nước họ mua sản phẩm bằng hình thức chi trả trực tuyến, rất gọn gàng và kín đáo.

Một người có kinh nghiệm chuyển hàng cho biết: “Gửi hàng qua Pháp khá khó vì hải quan nước này kiểm tra rất gắt. Nhưng nếu sử dụng nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh hàng đầu thế giới UPS thì khả năng trót lọt đến 80%. Hoặc có thể trung chuyển qua các cảng ở châu Phi và Trung Đông”.


Chiếc túi mà tác giả Bill Tarrant mua trên mạng. Ảnh: Reuters

Tại khu Baiyun, anh chàng 30 tuổi người Congo có tên Gary vừa thoăn thoắt đóng gói kiện hàng là những túi xách nhái hiệu Miu Miu nổi tiếng của Ý sang Pháp cho 3 khách hàng châu Phi, vừa trò chuyện với tác giả bằng tiếng Quan thoại. Trước tiên, anh sẽ chuyển hàng sang Anh và từ đó chở bằng ô tô đến Pháp. Anh kể rằng anh sang Trung Quốc 2 năm trước để học, nhưng sau đó tìm đến ngành kinh doanh béo bở này để chuyển hàng cho khách châu u và châu Phi.

Cạnh đó là cô Nana, 30 tuổi, đến từ Mátxcơva. Nana đã sống ở Trung Quốc được 4 năm và cô thường xuyên mua quần áo hiệu Tommy Hilfinger hay Gucci được làm nhái để cung cấp lại cho hơn 20 trang kinh doanh trực tuyến mặt hàng này ở Nga. Hiện nay, ngành công nghiệp hàng nhái ở Trung Quốc cung cấp hàng triệu việc làm cho công nhân nước này. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền tại đây khó mạnh tay chống hàng giả, hàng nhái được. 

Gina, một người buôn hàng sỉ đến từ Colonia, Uruguay cho biết, 8 năm trước, cô chủ yếu đặt hàng qua mạng rồi sau đó bán lại ở nhiều nơi. Sau này, cô sang tận Trung Quốc chọn hàng và đem về bán ở đất nước mình. Và cô nghĩ rằng đây là cách kinh doanh tốt nhất. Gina kể cô thường chuyển hàng từ Quảng Châu về Argentina rồi sau đó mang sang Uruguay, nơi cô bán lại cho một số cửa hàng bán lẻ trực tuyến. Cô cũng để lại một số hàng bán tại cửa hiệu của mình. Theo Gina, việc chuyển hàng từ một quốc gia khác vào Uruguay ít bị để ý hơn chuyển trực tiếp từ Trung Quốc về.

Khó có giải pháp triệt để

Trong nỗ lực đối phó với vấn nạn hàng giả, gần 40 nước gồm 27 nước thuộc Liên minh châu u (EU), Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sĩ, Mexico… đang tiếp tục đàm phán để đạt được Hiệp ước Thương mại chống làm giả (ACTA-Anti Counter.feiting Trade Agreement), vốn được soạn thảo từ năm 2006.

Hiệp nước này hướng đến rất nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường bảo vệ tác quyền và các văn bằng sáng chế, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất giữa các quốc gia để hợp tác chống lại việc tiêu thụ hàng giả trên thông qua Internet.

Ngày nay, Quảng Châu còn được biết đến là nơi tập trung mua bán hàng nhái sầm uất nhất của Trung Quốc. Chính quyền tại đây dù biết rất rõ điều này nhưng cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, thỉnh thoảng bằng những đợt khám xét chóng vánh trong vài phút để rồi chẳng bắt giữ một ai sau đó.

Chủ một cửa hiệu thản nhiên nói: “Thời điểm này, khám xét diễn ra thường xuyên hơn do sắp diễn ra Đại hội Thể thao châu Á được tổ chức ở thành phố này trong tháng 11”. Việc kinh doanh đã đạt được mức chuyên nghiệp đáng kể khi mỗi cửa hàng đều có ê kíp riêng của mình. Bộ phận quan trọng nhất trong dây chuyền chính là những người đóng gói cuối cùng các sản phẩm và đưa trót lọt qua cửa hải quan.

Riêng tại Mỹ, không chỉ đánh vào các xe container vận chuyển hàng hóa, Trung tâm Hợp tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ đã mở chiến dịch “Hành động nhắm vào các trang web” để tịch thu tên miền của 7 trang web phát hành lậu những bộ phim chỉ sau vài giờ công chiếu ở rạp. Nếu trước đây, quan chức Mỹ phải đau đầu với các băng nhóm tội phạm buôn ma túy, nay họ phải choàng thêm việc ngăn chặn những băng nhóm buôn bán hàng nhái, ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.

Đa số các loại hàng hóa giả hiệu bị tịch thu ở EU vào năm ngoái là hàng Trung Quốc. Ủy ban châu u nói hàng hóa Trung Quốc chiếm 64% các loại hàng bị thu giữ. Bên cạnh thuốc lá còn có quần áo, giày dép, đồ chơi và băng đĩa CD/DVD trắng. Theo EU, chỉ riêng các loại thuốc lá giả đã làm thất thu thuế hàng năm lên đến 10 tỷ EUR. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các doanh nghiệp ở châu u. 

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.