Quái kiệt xứ mù

05/04/2011 00:45 GMT+7

Làng Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có rất nhiều người mù (Thanh Niên đã có bài phản ánh); trong số đó có 2 người đàn ông được dân quanh vùng mến mộ và ví như những quái kiệt cho dù cuộc sống bây giờ của họ đã thay đổi phần nào.

 

Không đi biển, ông Lê Hận ở nhà đan lưới thuê - ảnh: T.Q.N

Lão mù đi biển

Ông tên là Lê Hận, dù bị mù nhưng ông vẫn bám thuyền lướt sóng biển trong thời gian hơn 30 năm để kiếm sống.

Lê Hận, cái tên này không phải là bố mẹ đặt mà do ông tự đổi. Lúc sinh ra ông cũng khỏe mạnh nhưng khi được 10 tuổi thì đôi mắt bị đau rồi mờ dần. Càng chạy chữa mắt ông càng bị mù hẳn. Ông buồn hận lắm nên khi mọi người gọi đúng tên Lê Chậm thì ông nổi nóng bắt phải gọi là Hận. Gia đình thương quá mua cho ông cái radio làm bạn. Nghe được nhiều điều hay lẽ phải trên sóng, từ đó ông yêu đời, lạc quan với cuộc sống hơn. Ông bắt đầu theo thanh niên làng ra biển học nghề thuyền lưới. Đám bạn ái ngại khuyên về những gian khó vất vả thì ông nói chỉ xin đi chơi thôi cũng được, chứ ở nhà buồn. Năm 18 tuổi, lần đầu tiên ông bước chân lên tàu.

Đi biển với người bình thường đã khó khăn, với ông khó gấp bội. Những ngày đầu, chuyện bị va đập vào thành tàu cá xảy ra thường xuyên đối với ông. Cũng không ít lần ông bị hất văng xuống biển. Dần dần ông biết dùng đôi tai để nghe và cảm nhận từng cơn sóng để giữ thăng bằng. Từ đó, những người bạn bắt đầu cho ông làm quen một số công việc nhẹ nhàng trên tàu.

Ông lập gia đình năm 22 tuổi với Nguyễn Thị Long, một người con gái cùng làng mến mộ tài năng và đức tính kiên nhẫn của ông. 5 đứa con lần lượt ra đời. Cơm áo gạo tiền của gia đình thúc đẩy ông quyết tâm vay mượn, mời thêm hai người bạn nữa hùn vốn đóng tàu sắm ngư lưới cụ cùng ra khơi.

Hơn 30 năm, ông là bạn thuyền đáng tin cậy, còn đối với những ngư dân trẻ tuổi thì ông trở thành người thầy. Người ta thường nói “có tật có tài”, ông dùng tai để nghe ngóng, mũi để nhận biết dòng chảy nước biển, luồng cá hay sự thay đổi của thời tiết. Bây giờ ở tuổi 60, sức khỏe giảm sút nên ông không theo tàu lớn đi đánh bắt xa bờ nữa mà ở nhà đan lưới thuê cho người ta. Ông đan lưới cũng tài không kém đi biển, đặc biệt mắt lưới rất chắc, lâu hư, ngư dân rất thích. Số vốn liếng dành dụm bao nhiêu năm lăn lộn trên biển ông dành cho con trai đóng tàu lớn để nối nghiệp. Ông tâm sự: “Làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ đều phải có sự quyết tâm, hết mình”.

Tổng đài “Biển gọi”

Đầu làng Xuân Hòa, cũng như bao chàng trai làng biển khác, Nguyễn Văn Mỵ mong mình sẽ trở thành một ngư dân giỏi, lướt sóng trùng khơi, trở về cá nặng khoang đầy nhưng số phận không mỉm cười với anh. Năm 16 tuổi, đôi mắt sáng bỗng dưng mờ dần, gương mặt thân quen của người thân và bà con xóm nhỏ khuất vào bóng tối.

Năm 2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã gửi thư khen anh Nguyễn Văn Mỵ. Thư có đoạn: “Suốt 6 năm qua bằng thông tin miễn phí của mình, anh đã giúp cho hàng chục thuyền của bà con gặp nạn trên biển ngoài khơi được cấp báo và cứu chữa kịp thời, bà con trong thôn biết được thuyền về lúc nào, cá nhiều hay ít để đón thuyền đưa cá đi tiêu thụ. Việc làm của anh đã trở thành nhịp cầu nối giữa người đi biển với nhau và với người trong đất liền, góp phần hạn chế sự rủi ro tai họa, giúp cho đời sống và thu nhập của người dân làng chài thay đổi từng ngày. Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi anh về tinh thần bền bỉ nhẫn nại vượt mọi khó khăn, không cam chịu tật nguyền, tìm mọi cách để hòa nhập và giúp ích cho cộng đồng”.

Vượt khó vươn lên, anh chính là cầu nối không thể thiếu giữa gia đình với các thuyền cá lênh đênh trên biển khơi. Xuất phát từ việc nghe radio, anh Mỵ trăn trở: “Tại sao không có cái gì làm cầu nối liên lạc giữa đất liền với đại dương?”. Nói là làm, vay vốn xóa đói giảm nghèo được 4 triệu đồng, anh bàn với vợ vét hết số tiền ít ỏi của nhà dành dụm được và đi mượn thêm rồi mua được một máy bộ đàm cũ. Mày mò một tuần thì anh sử dụng được, đặt tần số cố định là B40, biệt danh “Biển gọi”.

Từ đó ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh nhộn nhịp hẳn bởi âm thanh “Biển gọi! Nghe rõ không?”. Anh nhớ như in: “Một lần đang ngồi trước hiên nhà, bỗng nhiên bộ đàm vang 2 lần “thuyền trìm (chìm) rồi”. Đó là tiếng anh Võ Xuân Quang, có 7 thuyền viên trên thuyền. Thế là tôi cấp tốc liên lạc, may có 2 thuyền của anh Nguyễn Hoa và Nguyễn Tim ở gần đó đến cứu được”.

Không chỉ thuyền trong làng xã mà thuyền xã khác, tỉnh khác cũng tìm đến “Biển gọi”. Có lần nghe giọng lạ cất lên trong bộ đàm: “Biển gọi. Biển gọi”, anh hỏi: “Ai mà giọng lạ vậy?”, “Tui là Nguyễn Sơn ở Bình Định, nhờ anh giúp, anh có nghe rõ không?”, “Có, tôi nghe rõ”, “Thuyền tui chết máy 4 ngày, có số điện thoại gia đình”. Sau đó anh Mỵ liên lạc với gia đình anh Sơn để tìm cách cứu tàu. Khoảng một tuần sau, vợ chồng anh Sơn tìm đến tận nhà anh Mỵ cảm ơn.

Ngoài chỉ dẫn, thông báo thời tiết, mỗi lần thuyền về gần đến bờ là báo cho anh. Sau đó các con của anh làm người đi báo tin cho người nhà họ thuê xe vào Cửa Lạch đón thuyền, lấy cá. Khi thì người ta cho cân cá, khi vài đồng. Bằng những việc làm có ý nghĩa, anh Mỵ được bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước ngành thủy sản 2001-2005 và Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nghề cá của Bộ Thủy sản, bằng khen của Hội Người mù Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình...

Cũng vì tính tình hiền lành mà năm 25 tuổi anh đã… cưới được vợ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Mỵ hóm hỉnh nói: “Bây giờ nhà nào, thuyền nào cũng được trang bị hệ thống liên lạc nên tôi bị mất việc”. Ngôi nhà nhỏ không còn “Biển gọi” giờ buồn hơn, dĩ nhiên cuộc sống cũng khó khăn hơn.

 

Anh Mỵ với tổng đài Biển gọi - ảnh: T.Q.N

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.