Ông cụ 96 tuổi và hành trình tìm “kho vàng 4.000 tấn”

24/10/2011 00:00 GMT+7

Ngày 17.10, người nhà của ông Trần Văn Tiệp đã đóng 500 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận để “thế chân” chuẩn bị cho việc thăm dò “kho vàng” ở núi Tàu ở H.Tuy Phong (Bình Thuận). Báo Thanh Niên trở lại câu chuyện ly kỳ về hành trình tìm “kho vàng 4.000 tấn” của ông cụ đã đến tuổi “gần đất, xa trời”, với những thông tin ít ai biết.

Thông tin kho vàng có từ đâu?

“Trong mấy ngày gần đây, ông cụ rất phấn khởi vì được Nhà nước tiếp tục cho phép thăm dò kho vàng núi Tàu”, một người giúp việc ông Tiệp cho biết.

Theo lời kể của ông Tiệp, ngay từ những năm 1957, ông đã có những thông tin chính xác về “kho vàng” này. “Nhưng trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, tôi phải bí mật nguồn thông tin. Khi giải phóng về, tôi lại không kiếm được người cùng chí hướng. Cho đến khi tôi gặp ông Tám Hiền (Lê Văn Hiền - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, đã mất năm 2010) thì kế hoạch đi tìm kho vàng của tôi mới trở thành hiện thực”, ông Tiệp nhiều lần khẳng định.

Theo hồ sơ của ông Tiệp cung cấp cho Báo Thanh Niên, cuối Thế chiến thứ hai (khoảng năm 1943), trên vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận hiện nay), tướng Yamashita của Nhật sau khi đầu hàng quân đồng minh đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến đây. Quân đội Nhật đã chôn giấu khoảng 4.000 tấn vàng tại một hòn núi sát với vùng biển này. Tuy nhiên, sau đó không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân Nhật xuống vịnh Cà Ná, 18 tàu còn lại chạy tứ tán. Có một con tàu mãi đến năm 1945 mới chìm hẳn. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều lần người Nhật đã đến VN để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại. Ông Tiệp khẳng định: “Sở dĩ quân đội Nhật chôn kho vàng này gần biển là vì thuận lợi giao thông đường biển, đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, lại gần với một kho vàng khác của vua Chăm ngày xưa để lại nơi này”.


Những vật được cụ Trần Văn Tiệp thu được từ núi Tàu - Ảnh: Quế Hà

 

Những vật chứng từ kho vàng

Mới đây, trước khi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cấp quyền cho khoan thăm dò ở sườn đông núi Tàu, ông Tiệp và các cộng sự đã trưng ra nhiều vật chứng quan trọng trình UBND tỉnh mà ông cụ cho rằng đã thu được từ những cuộc thăm dò kho vàng tại núi Tàu.

Chỉ với những thông tin mỏng manh, nhưng suốt hơn 50 năm qua ông đã đeo đuổi về cái gọi là “kho vàng núi Tàu”. Cả cuộc đời ông hầu như chỉ có một việc, đó là khai thác bằng được kho vàng này, dù đến nay, đã ngót trăm tuổi, đã bỏ ra hàng trăm cây vàng cho việc tìm kiếm. Nhưng thất bại không làm ông nản chí. Ông bảo đời ông chưa tìm thấy thì đời con ông sẽ tiếp tục đi tìm. Niềm tin “kho vàng núi Tàu” với ông không bao giờ tắt!

Đó là một thanh gươm và một vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; một đồng tiền 10.000 yen; Một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai logo Hắc Long bằng kim loại và một lá đề bằng đá... “Những cổ vật này là chứng cứ không thể bàn cãi về việc có sự hiện diện của kho vàng ở núi Tàu”, ông Tiệp khẳng định. Để chứng minh, lần đầu tiên ông Tiệp trưng ra tấm bản đồ vị trí “kho vàng” núi Tàu, được ông vẽ lại khá tỉ mỉ.

Theo ông Tiệp, tấm bản đồ này chỉ ông và người có trách nhiệm cao nhất của tỉnh mới được tiếp cận vì “yếu tố bí mật” và vì lý do “an ninh” nên không ai được phép biết trừ khi được ông cho phép.

Niềm tin về kho vàng tăng lên dữ dội với ông cụ 96 tuổi, khi vào những lần đi thăm dò tại núi Tàu, một số người dân cố cựu tại địa phương đã cung cấp thêm những thông tin quý giá: Những người xưa từng đi phu cho Nhật kể lại với con cháu rằng, người Nhật trước khi rút chạy đã giấu vàng (xếp từng lớp như xếp củi) vào những căn hầm nằm dưới núi này.   

10 năm bám núi Tàu

Ngày 16.10.1993, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đặng Văn Hải, lần đầu tiên cấp giấy phép cho ông Trần Văn Tiệp được “tìm kiếm kim loại” tại núi Tàu. Có được “bảo bối” trong tay, ông Tiệp đã thuê một kỹ sư địa chất tên là Hoàng Vân Trường quê ở Phú Thọ đồng thời là một nhà “ngoại cảm” vào núi Tàu để tìm kho vàng.

Tư liệu từ video ghi lại quãng thời gian khai thác những năm này, cho thấy đầu năm 1994, sau khi tìm kiếm bằng tay không hiệu quả, ông Tiệp đã thuê xe ủi, xe múc lên sườn đông núi Tàu xới bung cả một vệt núi đá.

Sau ba tháng sử dụng xe cơ giới, ông Tiệp cho rằng đã “tiếp cận” được với cửa hầm. Những người khai thác báo cáo: Cửa hầm “kho vàng” có chiều rộng chừng 24m, chiều dài chừng 80m, được xếp bằng một lớp đá thạch như hình chiếc ê-ke. Nhiều phiến đá được dán dính vào nhau bằng một lớp vôi rất tinh xảo. Sau khi đào một lớp đá xuống độ sâu gần 3m, người ta phát hiện cửa hầm này. Điều này trùng hợp với thông tin mà ông Tiệp có được từ năm 1969, một người Mỹ cũng đã phát hiện số đo kích thước “kho vàng” này giống như kết quả mà các cộng sự của ông tìm thấy. Vị trí kho vàng có thể nằm sâu 40m dưới lớp đá phía đông núi Tàu. Vì vậy công việc của ông Tiệp ở núi Tàu càng khẩn trương. Để tiếp cận được với “kho vàng”, ông đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để thuê nhân công, xe máy. Suốt 10 năm trời (từ 1993 - 2003), đích thân ông lên tận núi Tàu chỉ huy đào bới hàng nghìn mét khối đất đá với hy vọng tìm thấy kho vàng.

Hình ảnh ông cụ 96 tuổi nhiều năm qua bám lấy khu vực này đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương và họ đã gọi vui ông là “người con” của núi Tàu. 

Thế nhưng, điều ông cụ và mọi người trông chờ bấy lâu là cánh cửa vào “kho vàng” vẫn chưa hé mở…

Quế Hà - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.