Nín thở ngược sông Đà

28/12/2009 15:34 GMT+7

Mùa đông năm trước, tôi có dịp chèo thuyền kayak chinh phục thác ghềnh sông Nho Quế ở miền biên tái Mèo Vạc, Hà Giang. Chẳng biết có phải là duyên số không mà mùa đông năm nay, tôi lại được trèo lên cuối trời Mường Tè (Lai Châu) ngược thượng nguồn sông Đà theo đoàn xe cào cào dã chiến.

Ngồi trên chiếc thuyền mộc của "người lái đò sông Đà" lao vun vút trên ngàn trùng sóng bạc; vượt thác Kẻng Mỏ, Kẻng Mân sôi sục giữa hai bờ vách đá ngút trời, mới thấu cảm giác chênh chao đến nghẹt thở...

1. Cuối giờ chiều, 3 con cào cào mới vượt rừng về tới Tó Khò - bản cuối cùng của xã Mù Cả (Mường Tè). Sông Đà hiện ra trước mắt. Mặt trời dần chìm sau màn sương mờ bảng lảng đang dềnh lên đỉnh núi. Dừng chân, Hùng Sài Gòn đã vội gặng hỏi về người lái đò sông Đà. Đó là người đàn ông 48 tuổi, có tên Lù Văn Hưởng.

Ông Hưởng cầm cương thuyền mộc băng gió vượt sóng ở vùng thượng nguồn sông Đà đã 16 năm, là người thâm niên nhất ở cụm Pắc Ma của Mường Tè xã. 16 năm dãi dầu, cái chướng khí sơn lâm khiến khuôn mặt ông sạm nắng đen thui. Thấy tiếng gọi í ới, ông Hưởng quành vội chiếc thuyền mộc qua sông.

Nghe ý nguyện ngược sông, ngay tức khắc, ông phá cười: “Không được đâu. Chẳng ai gan mà dám ngược sông vào ban đêm ở quãng này. Nếu các anh tha thiết, 1 giờ chiều mai quay lại, tôi sẽ đưa các anh đi”.

Nói rồi vút cái đã thấy ông thuyền mộc qua sông. Hùng Sài Gòn dẫn cả đội vòng lên cầu treo tìm cách sang bên kia bản Pắc Ma tìm chỗ ngủ. Chờ tới ngày mai! Ai cũng hồi hộp nghe thời gian trôi.

2. Hóa ra thủy chế sông Đà giờ lên xuống theo ngày. Ông Hưởng lý giải: “Trên thượng nguồn phía bên kia biên giới người ta làm thủy điện. Họ xả nước thì dòng mới dềnh lên, một lúc sau đầy nước thì thuyền mới có thể đi được. Chứ cứ mà lúc họ hãm nước, lòng sông trơ ra, có khi còn lội qua được ở quãng yên bình như bến Pắc Ma này. Nhịp lên xuống theo ngày mới có từ 2 năm nay”.

Thường nước rút từ quãng độ 5 giờ sáng cho tới 11 giờ trưa rồi đều đặn dềnh lên từ 11 giờ trưa cho tới 5 giờ sáng ngày hôm sau. 1 giờ chiều là lúc đủ nước để có thể dong thuyền.

Ông Hưởng là người Thái, nhưng gốc gác mấy đời trước nhà ông lại là người Giáy ở bản Giẳng, cũng của Mường Tè (xã). Nhiều đời nhà ông gắn bó với sông Đà. Con nước sông Đà lên xuống thế nào, luồng lạch ra sao, trong trí nhớ của ông như thuộc nằm lòng.

Sau bữa trưa đã là 1 giờ chiều, gần tới giờ lên đường, trong chúng tôi đầy sự háo hức, tất nhiên xen lẫn chút lo lắng với những lời cảnh báo gian khổ từ những người ăn đời ở kiếp với sông Đà. Kỳ thực, khi còn là cậu học sinh trung học phổ thông, đã bao lần tôi đọc đi đọc lại tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” của cụ Nguyễn Tuân. Đọc rồi say. Say câu chữ, say cảnh sắc sông Đà, say tay chèo tài hoa như đánh trận của ông lái đò qua cách khắc họa của cụ Nguyễn... Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập...

3. May mắn cho chúng tôi là trong chuyến ngược sông này được cùng đi với các chiến sĩ của Đồn biên phòng 315 Mù Cả: Anh Hùng - Đồn phó Chính trị và anh Cường, anh Tuấn. Một sự tình cờ. Ba chiến sĩ ngược sông làm nhiệm vụ tuần tra cột mốc biên giới, còn chúng tôi ngược sông để cảm nhận sông Đà. Thế là Hùng Sài Gòn mời các anh đi cùng.

Mới đặt chân xuống thuyền, anh Cường đã giới thiệu: “Tuấn là “nắm đấm sắt” anh dũng, vừa là đôi mắt đại bàng của đồn chúng tôi trong trinh sát. Tuấn rất hiểu sông Đà ở đoạn thượng lưu này”.

Tuấn cười, nụ cười hiền khô trên khuôn mặt cương nghị của người lính trẻ quê đất Ninh Bình. Anh nhập vai một hướng dẫn viên du lịch am tường, như người kể huyền tích con sông, cho những lữ khách xa xôi, là chúng tôi.

Cuối những năm 1970, cái thời cụ Nguyễn Tuân trèo lên Tây Bắc du khảo sông Đà, thuyền ngược sông dùng máy loại 23 mã lực của Liên Xô. Chiếc máy của ông Hưởng giờ là 40 mã lực. Tiếng nổ xình xịch dội lên, chiếc thuyền mộc ghép từ gỗ cây sưng chắc nịch bắt đầu lướt mình nhẹ thênh.

“Thuyền đi độ 15 phút là mình sẽ đến hai bờ vách đá dựng đứng. Một bên vách là đất Mù Cả, còn bên kia về đất Ka Lăng. Có lẽ, suốt dọc hơn 1.000 cây số chiều dài tính từ thượng nguồn ở bên Trung Quốc và 570 cây số uốn mình trên lãnh thổ Việt Nam, đây là vách đá bí ẩn nhất của sông Đà. Cũng chính vách đá này là nơi cụ Nguyễn Tuân từng đi qua để rồi thêm cảm hứng mà viết thiên tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” (?)” - Tuấn khẳng định. 


Cảnh sắc sơn cùng thủy tận khiến các thành viên, ai cũng thích thú ngắm nhìn, chụp ảnh

Một chú lợn lòi bất chợt lao xuống mép sông tợp vội ngụm nước rồi lại lao vút lên ngàn, thoắt mất. Cái chớp nhoáng của chú làm cho bức tranh hoang sơ của bờ vách đá thêm sinh động. Cả đoàn, ai cũng phấn khích.

Lại càng phấn khích hơn bởi đôi mắt được thu vào muôn nghìn cảnh tượng hữu tình chốn sơn cùng thủy tận. Những bờ đá mang cả triệu năm tuổi bị sóng nước cần mẫn khắc tạc. Sóng nước sông Đà dường như là cũng oái oăm, tinh nghịch lắm nên mới gọt giũa thành những bộ mặt đá với đủ khối hình dị thạch.

Và cả dòng nước. Nước xanh một cách huyễn hoặc, xanh sâu thẳm. Sông Đà mùa lũ ngầu đục dữ tợn bao nhiêu thì mùa khô lại xanh nham hiểm bấy nhiêu. Chừng như cả đất trời soi mình vào bóng nước đều bị chìm nghỉm vào màu xanh hoăm hoẳm nơi giữa lòng sông.

“Bờ tiền sử” sông Đà chất chứa “nỗi niềm cổ tích ngày xưa” trong cách ví von của cụ Nguyễn phải chăng chính là đây? Hình như, vì sống bám mình trên “bờ cổ tích”, vắt vẻo bên dòng sông nham hiểm, nên những rặng dừa nước mới cứng cáp và cũng đầy bí ẩn đến thế?

4. Sông Đà thật khó hiểu. Dòng sông vừa lặng tờ như mưu tính, nhoáng cái đã “rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa” (“Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân). “Bắt đầu vào đoạn thác ghềnh rồi đấy” - Tuấn thốt lên, rồi dặn dò: “Sóng thường xuyên vượt mạn thuyền, coi chừng ướt hết đồ đạc”.

Tiếng dòng nước thốc vào hốc đá réo lên sùng sục từ dưới lòng sông. Từng luồng nước lớn đập thân mình vào đá ngầu bọt. Đôi mắt ông Hưởng có chút nheo lại, đôi tay chai sạn lầm lỳ nắm cần chân vịt chặt hơn. Nước đổ về từ phía bên kia biên giới, càng ngày càng thêm lớn. Con thuyền làm từ vỏ cây sưng chắc nịch bắt đầu chao một cách uyển chuyển, bắt đầu len lách vào các luồng lạch đã hằn in trong trí nhớ của ông lái đò. Nghe tiếng nước mài vào đá, thúc đá, nước réo rắt phá đá, như tiếng thiên binh vạn mã hò reo trong cuộc chiến khốc liệt của tạo hóa.

Kia rồi ghềnh Kẻng Mân! Dòng nước xanh từ phía thượng nguồn trôi mình xuống ghềnh bỗng biến mình dữ dội. Con thuyền khựng lại. Ông Hưởng nhìn một cách cẩn trọng để chắc chắn luồng lạch vẫn vậy. Thủy chế thay đổi, rất có thể sẽ làm trận địa đá thay đổi, chân vịt chỉ cần sa chân lạc nhịp vào cạm bẫy đá là thuyền sẽ lật nhào.

Chợt rồi chiếc máy 40 mã lực tăng tốc, chiếc thuyền rướn mình kiêu hãnh lao qua cả nghìn con sóng vút. Sóng cố níu thuyền lại. Cả ngàn con sóng nhao dậy muốn nuốt chửng con thuyền.

Khẽ đưa tay, ông Hưởng lách chiếc thuyền mộc qua hai cột đá đen ngòm. Nước rỉ qua kẽ thuyền. Nước nhao lên rồi ập xuống theo kiểu đột kích. Ông Hưởng với chiếc gáo nhựa, vừa chong mắt vượt ghềnh, vừa múc nước hắt ra. Cẩn trọng, rồi cuối cùng cũng qua ải Kẻng Mân.

Thạch trận sông Đà thiên la địa võng, bày ra trùng điệp như là muốn truy sát. Thế nên, tiếng réo uất hận của Kẻng Mân còn chưa dứt thì Kẻng Mỏ đã lại trước mặt. Trong số 73 ghềnh thác sông Đà suốt dọc trên lãnh thổ Việt Nam, Kẻng Mỏ ở bậc cao hơn cả, giáp địa giới nơi con sông nhập tịch lãnh thổ nước mình hơn cả. Phiên theo tiếng Quan hỏa, tên con thác nghĩa là “mất chảo”.

Nhiều người ở bản Pắc Ma kể, ngày xưa thuyền buôn người Trung Quốc xuôi theo dòng sông đến quãng thác này thường bị lật, mất hết chảo chở trên thuyền. Tích chuyện được mang ra để khai sinh, viết tên thác. Con thác cũng đã lấy mạng nhiều người.

Thế nên, ngay trước cuộc hành trình, bà Lò Thị Thức - vợ của người lái đò Lù Văn Hưởng - kéo tay tôi, nói nhỏ, rằng đến Kẻng Mỏ thì xuống cùng đẩy thuyền. Đúng là vừa chớm chân thác, chiếc thuyền dã chiến táp vào bờ. Chúng tôi lên, ai cũng đã định thần lấy sức chờ cùng đẩy thuyền với ông Hưởng. Thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Thế nhưng, ý nghĩ vừa đến thì đã thấy chiếc thuyền mộc vòng sang phía bờ bên kia. Đá tảng lô nhô, đá giăng mắc ngang sông. Gió xô sóng, sóng xô đá, nước cả cuồn cuộn! Con thuyền nép vào một lạch nhỏ, dường như là nghi binh, rồi bỗng đâm mình vào giữa cuộc chiến giữa nước vào đá. Từng vồng nước khổng lồ chồm hỗm quờ quạng. Có những khắc tưởng như con thuyền mong manh đã bị nuốt chửng. Nước tát thuyền mạnh hơn. Nhưng người lái đò vẫn ngồi vững chãi như vị chủ tướng điềm nhiên quất con chiến mã xông pha. Cái mặt lạnh tênh đâu phải là khinh bạc dòng nước xiết...

Danh người lái đò sông Đà, như bước ra từ trong tuỳ bút Nguyễn Tuân, ngay trước mắt chúng tôi, chính là ông Lù Văn Hưởng. Đã nghe ai đó nói, rằng vượt Kẻng Mỏ, đến thở còn không dám để dõi theo từng bước sóng dềnh.

Chúng tôi cũng nín thở, nhưng là để dõi theo cuộc tung hoành của ông Hưởng, để thấy được chiến thắng của con người nơi chướng khí khắc nghiệt này. Qua được cửa tử, thế mà khuôn mặt ông vẫn... như không. Có lẽ “chiến thắng” lần này cũng như bao lần khác. Mà ông còn phải đưa chúng tôi tiếp cuộc hành trình...

Theo Giang Hải / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.