Những “Robinson” giữa Sài Gòn

29/06/2009 14:12 GMT+7

Nằm ngay cạnh những tòa cao ốc chọc trời của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM có một “ốc đảo” hầu như biệt lập hoàn toàn với “thế giới văn minh”. Người dân ở đây thắp đèn dầu, đi lại bằng ghe, hứng nước mưa để dùng và gần như không sử dụng bất kỳ tiện nghi hiện đại nào trong nhà...

Sau hơn 10 phút tròng trành trên ghe nhỏ vượt sông Rạch Đĩa nối với những tòa cao ốc, chúng tôi đặt chân lên “ốc đảo” lạ lùng này. Mũi ghe vừa chạm bờ đất, một con chó mực chồm xuống sủa inh ỏi như chưa bao giờ gặp người lạ. Năm con người trên đảo lấm lét ném ánh mắt dò xét vào những người khách hiếm hoi.

Gia đình “Robinson”

Không khí trên “ốc đảo” thật lý tưởng, gió lộng, chim hót véo von, cá lội tung tăng giữa hồ. Lẫn vào giữa một rừng dừa nước xanh rờn là hai mái nhà lụp sụp lợp bằng chính lá dừa nước. Đã thế, hai mái nhà cách xa nhau vài trăm mét, đường đi sình lầy nên những người hàng xóm hầu như chẳng biết nhiều về nhau.

Ông Nguyễn Thanh Đồng, 50 tuổi, chủ một trong hai mái nhà lá, vừa đặt lại máng xối hứng nước mưa vừa làu bàu trong miệng: “Lại đến mùa mưa rồi, phải sửa sang lại mấy cái xối, cái lu để hứng nước mưa mà dùng, đỡ tiền mua nước”.

“Chủ yếu nhìn trời, nghe tiếng gà gáy mà đoán giờ, dự báo thời tiết thôi” - ông Đồng giải thích. Quê ở tận miệt vườn An Giang, ông cùng gia đình lên Sài Gòn làm ăn mong thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng làm đủ nghề cuộc sống vẫn vất vả, chật vật, không trụ nổi giữa chốn đô thành, gia đình ông gồng gánh nhau lang thang định quay lại miền Tây sinh sống. Tình cờ trong một lần xuôi theo ghe, gia đình ông trôi dạt đến “ốc đảo” hoang vắng này.

Những ngày đầu sống trên “ốc đảo” hoang vu này, cả nhà ông Đồng chới với trước một cuộc sống mới. Cuộc sống với nhiều cái không: không chợ, không cầu, không phà, không đường nối với đất liền và cũng không có đường đi lại trên đảo, không điện, không nước, không tiếng xe cộ, không tiếng người lạ... Nói chung, cù lao này đúng nghĩa là một đảo hoang chưa từng có ai đặt chân tới.

Từng là dân sông nước, ông Đồng cảm nhận được “ốc đảo” này có thể sinh sống lâu dài vì tôm, cá nhiều, có sẵn lá dừa nước để lợp nhà lại khuất nẻo, kín gió có thể tự cung tự cấp được. Gia đình ông dò hỏi biết được đất trên cù lao của một ông chủ đất là dân địa phương, nhà ở bên kia sông, bỏ hoang nhiều năm. Ông chủ đất sau đó nghe chuyện, thương tình cho gia đình ông Đồng trú ngụ ở phần đất trên “ốc đảo” của mình.

Đầu tiên, ông cùng vợ dựng căn lều bằng thân cây và lá dừa nước mọc trên đảo, rồi bắt đầu tự trồng lúa, đánh cá. Sau mùa lúa, cả nhà kéo nhau sang bên kia bờ sông kiếm công việc làm thuê, làm mướn. Một lần đi làm phụ hồ, con gái ông, chị Phượng, 23 tuổi, dẫn về một chàng trai, thế là ốc đảo có thêm chàng rể “Robinson”. Giờ đây, gia đình “Robinson” đã có thế hệ thứ ba là cháu Nguyễn Ngọc Hùng vừa tròn bảy tháng tuổi.

Chị Phượng tâm sự đã khá lâu chị chưa đi ra khỏi “ốc đảo”. Chị không biết cuộc sống bên ngoài ra sao. Chị nói ngay cả khi qua sông đi làm thuê, chị và gia đình cũng không biết được mặt mũi phố xá Sài Gòn như thế nào. Cứ đến đúng chỗ làm, làm xong việc là quay về “ốc đảo”. Vào mùa mưa, mùa gặt hái có khi nhiều tháng gia đình chị không rời “ốc đảo”. “Có đi đâu cũng quay về ngay vì cả gia đình có quy ước với nhau không đi đâu qua đêm khỏi “ốc đảo” này do tách biệt lâu với cuộc sống hiện đại, qua bển lớ ngớ mình trông chẳng giống ai” - chị Phượng bảo.

“Ốc đảo” có hai mái nhà nằm tách biệt,

Các thành viên gia đình   “Robinson” Nguyễn Thanh Đồng -Ảnh: Đ.D
vắng vẻ trên sông Rạch Đĩa mà gia đình “Robinson” Nguyễn Thanh Đồng cùng hai người hàng xóm đang cư ngụ rộng chỉ khoảng 8.000m2, thuộc ấp 2, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Bên kia sông là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng với những tòa cao ốc chọc trời, hiện đại, còn bên này sông cũng là một khu đô thị hóa thuộc xã Phước Kiểng với hàng loạt nhà máy, xí nghiệp và những nhà phố, biệt thự, phố xá nhộn nhịp. Thoạt nhìn, khó nhận ra “ốc đảo” nằm lặng giữa sông, ẩn mình dưới những hàng dừa nước hoang vu, quạnh vắng.

Tài sản lớn nhất của gia đình “Robinson” là bốn con gà mái, hai con gà trống, một cây mãng cầu, một chiếc đài chạy bằng pin tiểu gần hỏng nên nghe tiếng được tiếng mất và một con chó mực. Vật dụng nhiều nhất là lu chứa nước. Vì nước khan hiếm nên cả gia đình cứ canh con nước lên là tắm không kể sáng hay chiều. Tối đến, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa đốt bằng mấy cây củi khô nhặt trên đảo để xua muỗi.

Những khi con nước xuống, ông Đồng và con rể đi bắt cá về làm thức ăn cho gia đình. “Khổ nhất là những khi mưa to gió lớn, nhà dột khắp nơi nên phải bồng con nép vào những góc nhà không dột” - con rể “Robinson” Nguyễn Văn Nhật tâm sự. Nhật quê ở Sóc Trăng lên TP mưu sinh bằng nghề thợ hồ và mấy năm nay theo vợ về sống trên “ốc đảo” nên cũng đâm yêu cuộc sống “hoang dã” này.

Đến “ốc đảo” ở ẩn

Mái nhà gần cuối “ốc đảo” và hai người hàng xóm của gia đình “Robinson” này là hai ông bạn già Huỳnh Văn Thủy và Phạm Văn Trung. Mang tiếng là hàng xóm của nhau nhưng họ gần như không có một quan hệ giao tiếp nào vì điều kiện đi lại cách trở. Không như gia đình “Robinson” vì hoàn cảnh đẩy đưa, nhiều năm nay cả hai ông già chọn cuộc sống biệt lập tại “ốc đảo” để tìm sự bình lặng, thoát khỏi sự ngột ngạt, ồn ào trong TP và cũng để tìm lại những ký ức chinh chiến của một thời hoa lửa.

Ông Thủy có nhà ở đường Nguyễn Thị

Ông Thủy và ông Trung chọn cuộc sống biệt lập, thanh nhàn trên “ốc đảo” -Ảnh: Đ.D
Thập, phường Tân Quy, quận 7, còn ông Trung nhà ở tận xã Bình Khánh, Cần Giờ. Hai ông hiếm khi về nhà mà thích sống ở ẩn ngày đêm trên “ốc đảo”. “Cuộc sống bên kia TP ồn ào, nhiều va chạm quá nên anh em tôi dọn sang đây sống gần gũi với thiên nhiên, cách biệt với thế giới văn minh và rời xa những xô bồ, hỉ nộ ái ố. Chỉ có mình với mình, muốn làm gì thì làm, xung quanh là bốn bề sông nước.

Nếu thích thì lênh đênh trên sông nước mỗi ngày, thỉnh thoảng tổ chức gặp gỡ anh em cùng đơn vị ngày xưa vẫn ngày ngày theo ghe đi bắt cá, bắt cua kiếm sống trên con sông này để hoài niệm” - ông Thủy tâm sự.

Trong những năm chiến tranh, ông Thủy và ông Trung ở cùng đơn vị trung đoàn 10 Rừng Sác Cần Giờ (thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM). Cả hai ông đều là bộ đội đặc công. Sau chiến tranh, dù đã yên bề gia thất, có nhà cửa đàng hoàng, con cháu vui vầy nhưng hai ông vẫn quyết định ra mua lại một miếng đất của chủ đảo là dân địa phương ở đây để dựng chòi, sống cuộc đời hoang dã mà thanh nhàn.

Cứ độ vài tuần, hai ông mới qua sông thăm vợ và con, cháu một lần. “Hễ bên nhà có món gì ngon, hay bên này tui bắt được con cá lớn thì chống ghe qua sông mà lấy. Sau đó lại trở về với cuộc sống biệt lập của mình” - ông Thủy kể.

Như đã thành thói quen, cứ 4g sáng hai ông bạn già thức dậy ngồi trước chòi, đốt lửa, nhâm nhi tách trà, thưởng thức không khí trong lành trên “ốc đảo”, có khi nhảy ùm xuống sông bơi lội. Ông Trung nói: “Chắc do ngày xưa làm đặc công nước, suốt ngày ngụp lặn quen mất rồi nên giờ lên bờ là nhớ sông nước. Mỗi lúc bơi trên sông có nhiều cảm xúc lắm, nhất là nhớ những ký ức ngày xưa lặn sông đánh giặc”. Sau vài chung trà, hai ông già bắt đầu một ngày làm việc trên “ốc đảo”: trồng cây, nuôi cá, đi câu, giăng lưới trên sông... Công việc bắt đầu từ rất sớm và kết thúc khi trời đã tối mịt.

Đêm về, lửa cháy bập bùng, cá nướng trong than hồng, hai con người tóc trắng nhiều hơn tóc đen ngồi bên nhau, cười vang trên “ốc đảo” mặc cho bên kia bờ sông những tòa nhà chọc trời đã lên đèn sáng lung linh.

Đình Dân/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.