Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy tách hạt ngô mini

13/08/2009 23:55 GMT+7

Là nông dân chân lấm tay bùn trên mảnh đất Quảng Trị nắng gió, nhưng anh Văn Đức Quynh (47 tuổi, thôn Long Hưng, xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) mấy năm gần đây đã trở nên nổi tiếng bởi "đàn con" máy móc mà anh sáng chế ra.

Không quá khó khăn khi tìm đến nhà anh vì bà con trong vùng ai cũng biết và đặt cho anh cái tên “Quynh chế máy”.

Khởi nghiệp với bơm xe đạp

Nhìn anh nông dân chân đất trước mặt, ít ai có thể nghĩ rằng chính anh là “cha đẻ” của mấy cái máy phức tạp, rắc rối kia. Nhiều chiếc máy do anh sáng chế đã được các giải thưởng của tỉnh, Bộ Khoa học - Công nghệ và mang tham gia hội chợ về sáng tạo kỹ thuật ở nhiều nơi...

Nhà nghèo lại đông anh em, hết lớp 9 anh bỏ học đi làm phụ giúp thêm cho gia đình. Đến năm 20 tuổi thì anh mua một cái bơm xe đạp ra đứng đường. “Đoạn nớ tui đang trẻ, ưng mần nhiều thứ lắm nhưng không có tiền, cơm ba bữa chưa đủ thì nói được chi. Chỉ biết là cắm đầu cắm cổ vá xe, bơm xe rồi sắm dần, tính kế lâu dài...” - chùi vết dầu nhớt trên mặt, người “kỹ sư” nông dân nói.

Đến một ngày, nhiều người trong làng phải “choáng” khi anh Quynh thôi đứng đường vá xe mà lui về mở tại nhà một tiệm cơ khí nhỏ. Vốn liếng tích cóp bấy lâu, vay mượn thêm trong bà con chòm xóm đủ để anh trang bị vài dụng cụ đơn sơ, rẻ tiền. Ban đầu, anh chỉ làm vài thứ lặt vặt: hàn lại khung xe đạp bị gãy, nắn lại cái cuốc, chèn lại cái cày... Việc gì anh cũng không nề hà. Bà con quý anh lắm, bởi nông cụ có hư hỏng gì đã có đôi tay khéo léo của anh uốn nắn lại mà chẳng phải mang đi sửa đâu xa.

 

Anh Quynh và chiếc máy cắt đa năng chuẩn bị đem đi tham dự cuộc thi do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh tổ chức

Ham công việc, đến năm 28 tuổi anh mới cưới vợ, nhưng từ đây đằng sau anh lại có thêm một người phụ nữ đảm đang luôn ủng hộ anh trong mọi “sáng kiến” mà đôi khi người không hiểu lại cho đó là việc làm rồ dại.

“Đẻ con” giúp nông dân

Dẫu chưa qua một lớp học nào, nhưng với lòng yêu nghề và đam mê tìm tòi máy móc, anh đã bắt tay vào công việc chế tạo máy trong sự nghi ngờ của nhiều người. Thấy bà con nông dân mỗi vụ thu hoạch ngô phải lấy tay tách vỏ hết sức khổ cực lại tốn nhiều thời gian, nên đầu năm 2004, anh bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy tách hạt ngô.

Bước khởi đầu gian nan, ngày ngày anh “quấn quýt” bên chiếc máy, lóc cóc hàn tiện, đến mùa thu hoạch ngô anh kéo máy vào trong nhà dân, xin người ta cho chạy thử máy. Có hôm máy trục trặc, ngô hỏng, anh phải xin lỗi, nói hết lời bà con mới khỏi giận. Suốt 3 năm (tức là 6 vụ bắp), bà con nông dân đã quen với dáng anh kéo máy đi khắp làng khắp xóm. Đến năm 2007, máy tách hạt ngô mới thực sự hoàn thành với năng suất tách gần 5 tạ hạt/giờ (bằng 20 người tách hạt ngô bằng tay). Máy được chế tạo theo kích thước mini: cao 0,75m - rộng 0,4m - dài 0,6m; nặng 45 kg. Nguyên lý hoạt động khá đơn giản: khi trục chính quay, trái ngô quay theo, ở thanh trượt dẫn hướng có bộ phận điều chỉnh để tách hạt. Hạt theo máng dẫn, cồi theo thanh trượt ra ngoài.

Hai năm qua, anh đã làm được hơn 50 cái, bán cả ở Huế, Quảng Bình, Kon Tum... với giá 3,5 triệu đồng/cái.

Rồi anh tiếp tục sáng chế ra máy tuốt lạc và máy cắt đa năng. “Tui mần mấy cái sau nhanh hơn cái trước. Dù tính năng khác nhau nhưng nguyên lý hoạt động không khác nhau là mấy. Tui cứ áng áng rứa mà mần thôi...” - anh thổ lộ.

Bà con trao ý tưởng

Máy tách hạt ngô của anh Quynh được giải 3 hội thi sáng tạo của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh tổ chức và được mang đi tham dự hội chợ Nông dân sáng tạo ở TP Tam Kỳ năm 2008 và Techmart tại Đà Nẵng (2007), Cần Thơ (2008). Sau những chuyến đi xa về anh mới rút ra rằng: “Té ra nông dân Việt Nam mình hay thiệt, tui đi ra ngoài mới biết họ còn siêu hơn tui, sáng tạo ra mấy cái hay hơn tui...”. Không chịu thua kém, năm tới đây, sản phẩm mới nhất của anh là máy cắt đa năng (có thể cắt sắn, khoai, chuối... thành từng lát hoặc xay nhuyễn) sẽ được đem đi giới thiệu trong và ngoài tỉnh.

Nói về cái duyên của mình với máy móc, anh vô tư kể ra quá trình “sáng chế” độc đáo của mình: “Chừ bà con hễ thiếu cái gì thì họ lại đến méc tui, tui sẽ về suy nghĩ và mày mò sáng chế làm ra cái máy họ muốn. Máy làm ra rồi, tui đem đi thử, thấy cái chi chưa được hoặc thiếu là tui tháo ra mần lại... Khi mô bà con ưng thì tui ưng. Nhưng có mấy cái khó quá, tui cũng phải nợ lại đó với bà con”.

Cũng chính vì những ý tưởng phong phú của bà con, họ đặt niềm tin nơi anh, nên việc sáng chế của anh dường như vẫn chưa dừng lại. Anh còn vừa sản xuất vừa đi tiếp thị máy ở từng nhà dân vì anh nói “mình máy nhỏ, vốn ít, phục vụ bà con nông dân là phải thế”.

 Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.