Những nhà sáng chế không bằng cấp: “Kéo vàng” nhà nông

31/07/2009 00:16 GMT+7

Họ không phải là kỹ sư hay tiến sĩ, nhà khoa học... thậm chí có người chưa học hết tiểu học. Cuộc sống họ chỉ lam lũ ngoài ruộng, miệt vườn, làm lao động tay chân đơn giản. Nhưng những sáng chế của họ rút ra từ cuộc sống, ứng dụng vào thực tiễn rất hiệu quả, được xã hội công nhận. Nghe đọc bài

Kể từ số báo này, Thanh Niên khởi đăng loạt bài giới thiệu những sáng chế của các nhà sáng chế chân đất như vậy.

Nông dân rặt. Nhưng trong tay anh đã có hàng loạt sáng tạo kỹ thuật được bà con nông dân Nam Bộ nhiệt liệt hưởng ứng bởi nó xuất phát từ thực tế khó khăn của người nông dân trong lao động.

Bán vàng cưới mua... vật liệu sáng chế

Người được bà con yêu mến gọi là "kỹ sư miệt vườn" ấy là ông Lê Phước Lộc (tên thường gọi Hai Đặng). Từ năm 2003 đến nay, Hai Đặng đã có bốn sáng chế và giải pháp kỹ thuật được công nhận, trong đó hai sáng chế kéo cắt tỉa và vòi phun nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Hai Đặng năm nay 50 tuổi, gốc Cái Bè (Tiền Giang), lên Sài Gòn học trung học đến năm 1975 trở về quê làm ruộng. Hồi đó, Hai Đặng mới 18 tuổi và "nghèo kiết xác", nhưng được cái ca vọng cổ rất mùi mẫn, nên được cô thôn nữ Phạm Thị Hía để ý, đến năm 1979 thì nên vợ nên chồng. Hai Đặng kể: "Hồi đó, xã có một chiếc ô tô nhưng rất kềnh càng, khó xoay trở trên đường làng. Sẵn có học võ vẽ nghề sửa máy, tui liều mạng lãnh "chế" lại thành xe loại nhỏ. Ròng rã hơn một tháng trời, chiếc xe chạy ngon lành ở các tuyến lộ nhỏ hẹp ở vùng sâu. Nhờ vụ đó, tui mới có tiền sắm cho bả đôi bông tai, cặp nhẫn cưới. Rồi vợ chồng dắt díu nhau về làm vườn".

Hai vợ chồng bắt đầu làm nghề suốt lúa mướn. Hồi đó máy suốt lúa còn hiếm, giá rất cao. Hai Đặng liền đem nhẫn cưới và đôi bông tai của vợ bán lấy tiền mua vật liệu rồi mày mò nghiên cứu tự chế ra thùng suốt lúa có thể tháo ráp lưu động. Đến mùa thu hoạch, hai vợ chồng chở máy đi khắp miệt Cái Bè rồi qua Đồng Tháp, An Giang suốt lúa mướn. "Vợ chồng phải mướn ghe, túm theo nồi, niêu, xoong, chảo xuống theo, cứ vậy rong ruổi hết mùa thu hoạch lúa mới về nhà. Suốt 17 năm ròng vợ chồng tui phải đi suốt lúa mướn như vậy đó" - chị Hía nhớ lại.

"Chia lửa" với nông dân

Năm 2003 có thể coi là "bước ngoặt cuộc đời" của anh nông dân Hai Đặng, khi chiếc kéo cắt tỉa cành, lá, hái trái cây do anh sáng chế giành giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật Tiền Giang lần V. "Giải thưởng này là nguồn động viên tui tìm tòi làm thêm những dụng cụ mới phục vụ cho bà con nông dân" - Hai Đặng bày tỏ.

Nhà Hai Đặng có vài công vườn nên anh hiểu trong công việc của nhà vườn, mất công nhất là lúc tỉa cành, hái những trái hư. Bởi xưa giờ, để làm những công việc này, nhà vườn vẫn phải sử dụng thang gỗ hoặc thang sắt, tỉa xong một mé lại phải lui cui leo xuống, dời thang qua mé khác làm tiếp.

Với những máy móc đơn sơ thế này, Hai Đặng sáng tạo ra nhiều công cụ hữu ích - Ảnh: G.Hùng

Thời điểm đó, trên thị trường có bán loại kéo cắt tỉa lưỡi cong, dùng tay giật dây kéo, nhưng dễ gây hư hỏng, bầm dập trái kế bên, có khi kéo theo cả chùm trái. Thực tế đó thôi thúc Hai Đặng bắt tay vào nghiên cứu chế ra cây kéo cắt tỉa đa năng, chỉ cần đứng dưới đất đưa kéo lên cắt cành, tỉa trái.

Không bàn vẽ hay máy vi tính như kiểu kỹ sư chế tạo máy, đồ nghề của anh chỉ là cây viết bi mượn của thằng con trai, cây kéo, mớ bìa giấy cạc-tông lấy từ những thùng mì gói và cây thước thợ may. Hết kẻ vẽ lại cắt xén, cuối cùng đã hình thành mô hình chiếc kéo cắt tỉa ráp bằng bìa giấy cạc-tông.

Hai Đặng tìm mua ít sắt và thép về bắt đầu gia công thành chiếc kéo cắt tỉa dài 1m, đem ra vườn cam bên nhà thử nghiệm. Anh lặng người đi vì cây kéo hoạt động quá ngon lành. Mấy anh bạn nhà kế bên nghe Hai Đặng "chế" kéo bèn rủ nhau tới coi, rồi đòi mua. Anh nói: "Mình làm tính để xài, nhưng họ nói tui còn cái kéo mẫu bằng giấy, muốn xài thì làm cái khác mà xài. Rồi họ kêu tui tính giá. Tui cộng chừng tiền mua sắt, thép, công thuê thợ hàn, thợ sắt... phỏng tính giá 50.000 đồng. Họ vác kéo về nhà, mừng húm".

Hai Đặng nói: "Ban đầu tui chỉ làm đặng tỉa cành, tỉa trái hư thúi thôi. Sau đó tui kêu bà xã may cái túi vải có khung sắt bao xung quanh miệng túi rồi gắn vô hái trái ngon lành. Tiếp đến tui chế thêm bộ phận kẹp trái để hái những trái mà mình muốn giữ cuống để thờ cúng. Thế là cái kéo của tui thêm công năng mới là hái trái khi thu hoạch với năng suất cao hơn loại kéo khác rất nhiều".

Kéo cắt tỉa của Hai Đặng thao tác đơn giản, tiện dụng, giá thành phù hợp và bền nên được nhà vườn ưa chuộng. Từ năm 2003 đến nay, mỗi năm Hai Đặng tung ra thị trường ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông trên 1.000 cây kéo cắt tỉa.

Mơ lập công ty nông cụ

Không chỉ có kéo cắt tỉa, giờ đây Hai Đặng có hàng loạt sáng chế mới phục vụ đắc lực cho nhà vườn như kéo hái mãng cầu, hái vú sữa, hái bưởi... Có thể nói, những sáng chế hay cải tiến kỹ thuật của Hai Đặng đều bắt nguồn từ những khó khăn trong sản xuất của bà con nông dân. Như lần nghe mấy ông bạn than tỉa nhánh thanh long quá khó khăn, Hai Đặng về suy nghĩ suốt đêm, đến sáng hôm sau chế ra mô hình dụng cụ xử lý nhánh thanh long.

Dù đã làm ra khá nhiều nông cụ, nhưng anh "kỹ sư miệt vườn" vẫn chưa muốn dừng lại. Hiện anh đang dày công nghiên cứu hai sản phẩm: máy dọn vệ sinh đường phố và dụng cụ phục vụ cho các trang trại trồng cây công nghiệp như cao su, điều... nhằm giúp nhà vườn, chủ trang trại giảm thiểu chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian...

Hai Đặng nói: "Nếu gom đủ vốn, tui sẽ lập công ty chuyên sản xuất, cung cấp dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp". Ước mơ đó rất thiệt thà, chân chất, đậm tình thôn quê của bà con nông dân chia sẻ với nhau khốn khó ngày mùa. Bởi không ai hiểu nông dân muốn gì bằng chính những người từng một nắng hai sương với ruộng vườn...

Gia Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.