Những nhà sáng chế không bằng cấp - Doanh nghiệp diệt chuột Quang Thiều

13/08/2009 00:32 GMT+7

Một nông dân mới chỉ học hết lớp 9 trường làng nhưng lại nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc nhờ cải tiến thành công chiếc bẫy chuột bán nguyệt thành bẫy không cần mồi...

Chế tạo bẫy vì... cay cú

Gắn bó với đồng ruộng từ bé nên ông Trần Quang Thiều (sinh năm 1954, ở đội 9, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội, điện thoại số 0904436594) thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Khi được bầu làm Đội trưởng đội sản xuất, được cử đi học lớp quản lý dịch hại do Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây mở. Đây cũng là thời điểm, hợp tác xã nông nghiệp quê ông bắt đầu triển khai cấy thử giống lúa mới. Tuy nhiên, khi lúa "vào thì con gái" cũng là lúc người nông dân ở đây dở khóc dở mếu vì nạn chuột cắn phá. Có khi hôm trước vẫn thấy ruộng lúa ngút ngàn xanh mượt nhưng chỉ đến hôm sau đã tả tơi vì bị chuột phá.

Nhìn chuột hoành hành, người nông dân “cay” một, ông Đội trưởng đội sản xuất “cú” mười. “Không lẽ bỏ đất hoang vì chuột. Mình là Đội trưởng đội sản xuất thì phải có trách nhiệm với người nông dân”, đó là động lực để ông nghiên cứu cho ra đời loại bẫy cải tiến.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, biện pháp diệt chuột được xem là tối ưu chỉ là quây nylon bảo vệ, đặt bả, đánh bẫy. Ông Thiều nảy ngay ra ý tưởng thiết kế cải tiến loại bẫy bán nguyệt đơn giản hơn, hiệu quả hơn mà không dùng mồi. Khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào làm là ông không có bất cứ một kiến thức nào khác về cấu tạo, hoạt động của bẫy chuột. Thêm vào đó, ý định của ông cũng chẳng nhận được sự ủng hộ của người thân. Vợ ông bảo ông đừng “mua việc vào người”. Các con ông cũng ra sức khuyên can bố. Hàng xóm láng giềng không ít người bảo ông rỗi hơi mới nảy ra ý định không giống ai. Thế nhưng những khuyên can đó chỉ càng làm ông thêm quyết tâm. Ông Thiều dồn toàn bộ thời gian vào việc chế tạo bẫy.

 Ông Thiều biểu diễn đặt bẫy trên địa hình đồng đất - Ảnh: Lê Quân

Ông Thiều biểu diễn đặt bẫy trên địa hình đồng đất - Ảnh: Lê Quân

Mất cả năm trời ăn dầm nằm dề ngoài đồng chỉ để hiểu tập tính, chu kỳ sinh sản, phát dục của chuột, đến năm 2000, chiếc bẫy chuột đầu tiên ra đời. Bẫy chuột của ông được người dân chào đón nồng nhiệt vì hiệu quả của nó cao hơn hẳn so với các loại bẫy thông thường. Dần dà, chiếc bẫy được cải tiến 5 lần để trở nên hoàn thiện hơn và phát huy hiệu quả tốt hơn.

Trong báo cáo thành tích gửi Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, ông Thiều viết: “Chiếc bẫy mới này được cải tiến từ bán nguyệt thành hình bầu dục, uốn lưỡi thăng bằng đối trọng hai râu và có thiết diện rộng. Vì thế có độ vướng, độ nhạy cao nên chuột dù nhỏ hay to, đi trên địa hình mặt đất, dưới nước hay dây phơi... đều khó thoát”.

Hợp đồng diệt chuột

Tháng 5.2006, Doanh nghiệp diệt chuột Quang Thiều chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, ông và chiếc bẫy bán nguyệt cải tiến đã thực sự trở thành bạn đồng hành của nhà nông. Và số lượng chuột chết dưới tay ông tính đến thời điểm này đã ở con số trên 18 triệu con.

Ông cũng đã từng ký kết những hợp đồng diệt chuột với 380 doanh nghiệp, cơ quan trong số đó có nhiều cơ quan, đơn vị “tên tuổi” như Công an Hà Nội, sân bay Nội Bài, Đài truyền hình Việt Nam, tòa nhà Viettel, chợ Đồng Xuân... Thậm chí, các chùa như chùa Xã Đàn, chùa Ái Mộ (Hà Nội) hay một số tòa soạn báo như Báo Tiền Phong, Báo Hà Nội Mới... cũng là khách hàng của ông.

Năm 2007, ông Thiều nhận giấy chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam". Bẫy chuột không dùng mồi của ông đã từng tham gia Hội chợ triển lãm AGROVIET, được nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hội Cơ khí nông nghiệp.

Nói đến “bảng vàng chiến công”, ông Thiều cho biết không thể quên có đợt ông diệt 200 kg chuột tại Yên Phong (Bắc Ninh). Hay tại quê hương của quả vải thiều là huyện Thanh Hà (Hải Dương), với nhiều bẫy đặt trên đồi, ông đã tiêu diệt hơn 4.000 "tên" chuột chỉ trong vòng 3 ngày.

Chưa hết, khi thực hiện hợp đồng diệt chuột với du thuyền nước ngoài, thời hạn là 5 ngày phải diệt hết số chuột trên tàu, chỉ đến ngày thứ ba, ông đã làm cho lũ chuột không còn một mống. Hay lần diệt chuột tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cả trường đã nghỉ hẳn 1 tiết học để xem tài của “vua diệt chuột”. Ông Thiều cho biết thêm, tháng 1.2009, Công ty Ford tại Hà Nội cũng đã ký hợp đồng diệt chuột trị giá 35 triệu đồng/3 tháng với ông.

Bẫy chuột bán nguyệt, theo ông Thiều, rất dễ đặt và mang lại hiệu quả cao. Bẫy chuột của ông có hai loại là loại không cần mồi dùng để diệt chuột ở đồng ruộng, thành phố, cơ quan doanh nghiệp (bẫy tìm chuột) và loại kia cho nhà riêng, đặt không đúng đường đi vẫn bắt được chuột (chuột tìm vào bẫy). Hiệu quả bắt được chuột của bẫy này lên tới 90%. Mức giá cũng tương đối dễ chịu, chỉ 8.000 đồng/chiếc.

Khi chia tay chúng tôi, ông Thiều còn khoe, cách đây gần một tuần, sản phẩm bẫy diệt chuột của ông đã được cơ quan chức năng cấp bằng sáng chế. Ông Thiều cũng chia sẻ mong muốn một ngày nào đó, ông cải tiến bẫy chuột hiện giờ thành máy bắt chuột nhỏ gọn, tiện dụng hơn. Ông cũng không giấu mong muốn diệt được tất cả 43 loài chuột ở Việt Nam thay vì diệt được 28/43 loài như hiện nay.

Lê Quân - Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.