Người Philippines ở TP.HCM - (Kỳ 3): Làm gia sư, chạy xe ôm...

07/10/2011 01:35 GMT+7

Để mưu sinh tại VN, những người Philippines không ngại ngần làm bất cứ việc gì.

>> Kỳ 2: “Hát rong” xa xứ

Anakan đang chở khách - Ảnh: Y.T

Vợ giúp việc nhà, chồng chạy xe ôm

Anakan (47 tuổi) ở TP.HCM gần 2 năm nay với công việc chính là chạy xe ôm và đưa đón con của chủ nhà đi học, nơi vợ anh đang giúp việc. Ngoài ra, khách của Anakan còn là những người làm trong công ty của vợ chồng chủ nhà nữa. Nhìn sơ qua, không ai biết Anankan là người nước ngoài. Dáng người thấp, gầy, nhìn thật kỹ mới thấy sống mũi cao hơn và cặp mắt sâu hơn người Việt bình thường. Nhưng điều khác biệt là Anakan không bao giờ chở những người khách lạ, đơn giản vì anh không thạo đường TP.HCM cũng như không biết tiếng Việt nên chẳng biết nói giá cả thế nào.

Những người Philippines ở TP.HCM không sống thành cộng đồng như nhiều người châu Á khác. Họ sống rải rác khắp các quận, nhưng vào sáng chủ nhật thường quy tụ tại Q.7, Q.2 để chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và kinh nghiệm cuộc sống xa xứ. Hầu hết các lao động nhập cảnh VN bằng đường du lịch, khi hết hạn visa họ xuất cảnh qua Campuchia vài ngày rồi lại nhập cảnh về TP.HCM để tiếp tục sinh sống và làm việc.

Một ngày, Anakan phải dậy thật sớm, chạy từ Q.4 qua nhà vợ làm thuê ở Q.7 đón hai con của chủ đưa đến trường. Hôm nào hai đứa trẻ không chịu ăn sáng ở nhà, anh phải dẫn chúng đi ăn. Anakan kể vợ chồng anh có con gái 20 tuổi đang học đại học ở Philippines và ở ký túc xá, nghỉ hè cô về ở với ông bà ngoại. Vì thế, cả vợ chồng qua VN làm việc, mỗi tháng để dành được khoảng 7 triệu đồng gửi cho con. Để hòa đồng với những người chạy xe ôm, Anakan cũng sắm vài bộ quần áo xanh, chạy xe có biển kiểm soát 52… và có cả giấy phép lái xe hẳn hoi.

Ở khu vực Q.7, chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp giống Anakan. Hầu hết những phụ nữ Philippines tới TP.HCM giúp việc nhà đã có chồng con. Vì thế, làm việc một thời gian họ đưa cả chồng, con sang tìm việc, học tập. Với họ, TP.HCM là một “miền đất hứa”, phù hợp để kiếm tiền và sinh sống. Ba vợ chồng chị em nhà cô giúp việc tên Syjuco (Thanh Niên đã thông tin) là một điển hình. Khi Syjuco có một công việc ổn định với thu nhập khá cao thì người chồng của cô đang phục vụ tại một quán ăn, kiêm phiên dịch với tiền lương 3,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền boa của khách. Eduardo, chồng Syjuco, bảo rằng trong khi chờ đợi một công việc phù hợp, anh tranh thủ làm phục vụ để phụ vợ đóng tiền nhà. Ở Philippines, anh là thợ sửa máy vi tính, làm trong “bệnh viện máy tính” của người bạn. Qua VN, anh cũng tính mở tiệm sửa máy tính nhưng chưa hiểu thị trường cũng như không biết làm ở địa bàn nào thì phù hợp nên chưa tiến hành. Anh bảo sau dịp Tết Nguyên đán ở VN, vợ chồng anh về Philippines thăm gia đình rồi sẽ quay lại TP.HCM tiến hành các dự định.

Còn Estreuta, chồng của Santant - em kế Syjuco - cũng đang làm chân chạy xe ôm ngay dưới cổng tòa nhà nơi cô đang làm việc. Chồng cô em út của Syjuco thì khá may mắn. Ngày đi chuyến bay để đến TP.HCM, anh ngồi cùng một giám đốc công ty du lịch có trụ sở tại Q.3, TP.HCM. Sau khi trò chuyện, ông này ngỏ ý mời anh làm hướng dẫn viên cho công ty. Bây giờ tháng nào anh cũng dẫn khách nước ngoài đi tham quan Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa, thậm chí qua Campuchia, Thái Lan, Singapore… Nhờ vậy, mỗi tháng thu nhập của anh có thể lên đến cả ngàn USD.

Dè sẻn nơi đất khách

Chúng tôi gặp nhóm Corpuz (27 tuổi) khi họ đang đi chợ Bến Thành. Corpuz và 4 người bạn đến TP.HCM đã 2 năm nay. Họ cũng được đào tạo qua lớp giúp việc nhà nhưng thấy các cô còn quá trẻ so với những người đi cùng nên các gia đình có vẻ ái ngại, không muốn nhận. Cả 5 người thất vọng, rủ nhau hồi hương. Khi họ đến Saigon Square (đường Tôn Đức Thắng, Q.1) mua ít đồ để về nước thì thấy có 3 quầy hàng đăng thông báo tuyển dụng nhân viên. Cả 5 người đánh liều hỏi… xin việc. Sau khi thử việc, 3 người được nhận vào làm với lương 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền hoa hồng. Thấy vậy, 2 cô chưa có việc quyết định ở lại tìm cơ hội và cuối cùng họ cũng được nhận vào bán hàng tại Saigon Square. Bây giờ, mỗi tuần họ được nghỉ một buổi vào chiều thứ năm nên tranh thủ đi chợ Bến Thành vừa tham quan, vừa mua ít đặc sản chuẩn bị đón thêm những người bạn đồng hương sắp qua du lịch.

Với 5 triệu đồng mỗi tháng ở TP.HCM thì các cô chi tiêu thế nào? Corpuz nói: “Chúng tôi tiết kiệm lắm nhé. Hiện tại 5 người thuê chung một phòng gần trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, giá 3 triệu đồng/tháng, đã bao điện nước. Chúng tôi bảo với ông bà chủ nhà là… sinh viên đi học cao học nên họ mới cho 5 đứa ở chung một phòng. Mỗi tháng một đứa bỏ ra 600.000 đồng tiền nhà, 400.000 đồng ăn uống, chi tiêu, vị chi mất chỉ có 1 triệu đồng/tháng thôi”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, 5 cô gái đấm nhau cười, rồi Corpuz nói tiếp: “Có tháng chỉ mất 200.000 đồng tiền ăn uống, chi tiêu thôi, vì chủ cửa hàng đã bao 3 bữa ăn, thậm chí ăn nhẹ giữa hai buổi làm việc họ cũng bao luôn”. Chúng tôi hỏi vậy thì tiền để đâu cho hết, Corpuz thật thà bảo là “để dành… cưới chồng”. Cô và những người bạn mong muốn có chồng VN để có thể ở lại TP.HCM làm việc và sinh sống lâu dài.

Còn cô gia sư Regina (29 tuổi) đang dạy Anh văn cho con của một chủ nhà hàng lớn trên đường Cao Thắng, Q.3 với giá 6 triệu đồng/tháng. Regina tốt nghiệp cao đẳng tại Philippines, mục đích của cô sang VN là muốn tìm một trung tâm Anh ngữ nào đó để cộng tác nhưng việc tuyển dụng gắt gao nên cô sợ mình không vượt qua được, vì thế cô chấp nhận đi làm gia sư vào các tối hai, tư, sáu. Riêng ba, năm, bảy đang trống nên cô tiếp tục tìm lớp dạy để kiếm thêm thu nhập.

Biên Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.