Nghiệp sinh tử

24/11/2012 03:10 GMT+7

Trên suốt vùng biển phía nam, nơi nào có đông tàu bè ra khơi thì gần như sẽ có những thợ lặn chuyên nghề cứu hộ. Nhiều thợ lặn nói họ đang đeo mang với nghiệp tử sinh.

Nghiệp sinh tử
Ông Tiếp bên chiếc tàu bị đâm gãy đôi đang sửa chữa - Ảnh: Tiến Trình

“Nợ” người xấu số

Thợ lặn Lê Văn Đằng (41 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, Cà Mau), bảo trên 20 năm đeo cái “nghiệp” cứu người trên biển, anh đã không ít lần tưởng như chết đi sống lại. Anh Đằng là thợ lặn nổi tiếng giỏi nghề, với khả năng xuống mực nước sâu mà nhiều người phải e ngại, lãnh vớt những tàu gặp nạn trong hoàn cảnh các thợ lặn khác phải bó tay... Trong khi những biến cố xảy ra khiến nhiều gia đình ngư dân rơi vào tuyệt vọng thì sự xuất hiện nhóm lặn của anh là bấu víu cuối cùng. Chuyên “ôm” những vụ “xương” nhất, độ gian khó của công việc anh làm cũng tăng gấp bội lần, và những hiểm nguy cũng tỷ lệ thuận như thế... Đằng nói, công việc của anh luôn đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Nhiều lần sự ám ảnh không yên hay khi nghĩ đến vợ con khiến anh quyết định bỏ nghề. Nhưng rồi anh cũng không nhớ hết đã bao nhiêu lần thôi thúc mình quay lại với cái nghiệp sinh tử này.

Lúc 2 giờ 20, ngày 13.10, tàu cá Tiến Đạt, số hiệu KG - 91962 TS của ông Lưu Văn Tiếp (P.An Hòa, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) đang đậu nghỉ ở vùng biển cách Sông Đốc 56 hải lý thì bất ngờ bị một tàu lạ đâm một phát chí tử. Vụ va chạm mạnh đến mức chiếc tàu 50 tấn làm nghề cào khơi này bị gãy đôi. 5 trong số 14 người trên tàu đã không kịp thoát ra khi tai nạn xảy ra...

Ông Tiếp cho chúng tôi xem quyển sổ tay bằng tập học trò, trong đó có ghi: “trục vớt Lộc... tàu thẻ mực Bé... tàu thẻ mực Tua... Nhẫn... Trí...” - đó là những ân nhân đã cứu vớt 9 thuyền viên trên tàu lúc họ đang trôi dạt trên biển nhiều giờ. Lúc được cứu, 5 người trong số đó bị thương rất nặng. Ông Bé, một chủ tàu Kiên Giang khác đã “quên” luôn chuyến biển, thả neo giữ xác tàu chìm để một tàu lưới cào khác đưa nạn nhân vào đất liền cấp cứu. Ông Tiếp nói, lúc dầu sôi lửa bỏng ông chỉ nghĩ đến sinh mạng của 5 thuyền viên chưa tìm thấy. Thế nhưng, trong ngày sóng to gió lớn, rất khó khăn để tìm người chịu lặn xuống đáy biển tìm người. Lúc này, những ngư dân cố cựu ở Sông Đốc bảo ông Tiếp nên tìm thợ lặn tên Đằng, vì chỉ có anh Đằng mới có thể kham nổi công việc khó khăn này.

Lúc nhận điện cầu cứu của chủ tàu Tiến Đạt, anh Đằng đang lặn cá mú ở vùng biển Côn Đảo. Vừa giải nghệ với nghề lặn trục vớt trên biển, nên khi nghe điện, anh Đằng từ chối. Thế nhưng khi biết vẫn còn 5 nạn nhân mất tích, anh lại không ngần ngại gác chuyện mưu sinh với giao kèo “tui chỉ lặn kiếm người” thôi. Trong vài giờ, anh Đằng đã đưa được xác 4 nạn nhân lên tàu. Khi lo chuyện hậu sự cho các thuyền viên xấu số, bà Huỳnh Thị Măng, vợ ông Tiếp nức nở khi không đưa được xác ghe vào bờ: “Nó như con trâu, con bò theo mình làm ăn. Lúc khỏe mạnh thì nó kiếm tiền cho mình, nhưng khi nó bị thương tích thì bỏ nó không đành...”. Mũi lòng, anh Đằng lại nhận trục vớt, rồi vượt hàng trăm hải lý đưa xác tàu về tận ụ sửa chữa ở Rạch Giá. Ông Tiếp cho hay, sau khi cứu hộ tàu của ông, anh Đằng lại tuyên bố... bỏ nghề.

“Giúp người thì giúp... cho tới”

Thợ lặn Lê Văn Đằng nói anh có một “điểm yếu” là hễ khi nghe tàu bè gặp nạn, chưa tìm được người là anh lại muốn băng ngay ra biển. Rằng anh “mắc nợ” những người xấu số, nên bỏ nghề không được. Ban đầu thì vì cứu người, vì cái nghĩa tận mà anh ra khơi cứu hộ; nhưng xong lại thấy tài sản, nguồn sống của ngư dân bị chôn vùi thì sau khi tìm được người, anh lại kham luôn trục vớt tàu. Dù rằng không ít lần để cứu được tàu gặp nạn, tàu của anh cũng hư hỏng nặng không kém.

Đội tàu 2 chiếc với nhóm thợ lặn tinh nhuệ của anh có mặt khắp vùng biển phía nam. Bình thường thì bắt cá mưu sinh. Nhưng không ít lần lặn xuống đáy lại gặp người xấu số. Thế là các thợ lặn phải đưa lên, an táng nạn nhân ở một đảo hoang nào gần đó. Rồi lại trở về với cuộc mưu sinh đầy may rủi.

Không gia đình, không ruột rà thân thiết, nhưng thợ lặn Phạm Bá Phước (ấp Hòn Gỏi, xã Hòn Thơm, H.Phú Quốc, Kiên Giang) bảo anh có rất nhiều em nuôi, anh nuôi... Phần nhiều trong số đó là những người được anh cứu mạng. Vì không bận bịu vợ con, nên những lần cứu người, anh đưa ngay đến bệnh viện rồi... ở đó chăm sóc người bị nạn luôn. Lần gần nhất, đang lặn mưu sinh ở Côn Đảo, anh lại tất tả quay trở lại Phú Quốc vì vừa cứu được một ngư dân ở đây, phải đưa người ta về tới nhà. Xa hơn, lần lặn ở Thổ Chu, anh lại bỏ công ăn việc làm hàng tháng trời đi TP.HCM để nuôi một ngư dân gia đình neo đơn, vừa được anh vớt lên trong cơn thập tử nhất sinh. Không ít người nói anh Phước chuyên làm chuyện bao đồng. Anh cười hiền: “Thì tên tui là Phước mà. Làm phước thì phải làm cho tới chứ. Bỏ người ta giữa chừng sao mình yên được...”.

Đeo cái nghiệp sinh tử này, anh Phước nói cứu người nhiều, nhưng sợ nhất là một ngày mình được người cứu. Thế nhưng nỗi lo của anh cũng không thoát khỏi. Tháng 9, trong một lần lặn ở vùng biển Côn Đảo, anh thợ lặn nghĩa khí này đột ngột bị “tê” (tai biến). Rất may là một thợ lặn kịp phát hiện... đưa anh vào đất liền chữa trị. Đó là lần đầu tiên anh phải nhờ đến những người mình đã từng giúp đỡ. Bị nạn giữa biển khơi, mỗi một sự giúp đỡ thì đồng nghĩa với cứu mạng. Chưa có một thống kê nào về số tàu bè gặp nạn mỗi năm, bao nhiêu hành động cứu mạng như thế đã diễn ra giữa biển cả mênh mông. Những nghĩa cử ấy thường diễn ra âm thầm, và những ân nhân ấy cũng không nghĩ đến báo cáo, khen tặng. Dù nơi tình người trải rộng như thế, có quá nhiều người xứng đáng được vinh danh.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.