Nghịch lý U Minh Hạ

02/01/2009 13:55 GMT+7

Sống giữa vùng đất đai thênh thang, song nhiều người dân dưới tán rừng tràm U Minh Hạ phải đi làm mướn, mót lúa, mót củi hầm than mà sống. Điều tưởng chừng như nghịch lý ấy vẫn cứ diễn ra lâu nay

Từ năm 1982, tỉnh Minh Hải thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho dân, mỗi hộ 5-7 ha. Người dân giữ rừng được quyền khai thác 30%-40% diện tích đất rừng để sản xuất lúa, nhằm có cái ăn hằng ngày chờ thu hoạch tràm. Song, để phòng hỏa hoạn, người dân phải trữ nước, do đó lúa bị ngập không sống nổi. Những năm gần đây, tràm liên tục rớt giá, người dân ở rừng càng lún sâu vào nghèo khó.

Mót củi giữa rừng

Chúng tôi ghé nhà bà Dương Thị Thu Hà ở ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh - Cà Mau. Trong ngôi nhà rách bươm vắng bóng đàn ông, bà Hà cùng cô con gái và đứa cháu nhỏ phải nương tựa vào nhau mà sống. Hằng ngày, bà Hà ở nhà giữ cháu cho người con gái tên Phạm Thị Hồng Thắm canh tác 4 công ruộng sau nhà. Gặp chúng tôi, Thắm than: “Giặm đi giặm lại 4 lần rồi nhưng lúa vẫn chết hoài”. Nhà không đủ ăn, không có lúa giống để gieo sạ, Thắm phải lân la mót nhặt từng hạt lúa mà người ta thu hoạch còn rớt lại.

Nhiều lúc chị nhổ những bụi lúa mọc hoang trên bờ kênh về giặm xuống ruộng lúa của mình. “Bụi nào trổ bông được thì mừng. Có năm lúa không trổ được bông nào, gia đình tôi phải ăn cháo”- Thắm cho biết 4,5 ha rừng của gia đình chị khoảng 12 năm mới thu hoạch một lần, nhưng trừ các khoản chỉ còn được chừng 10 triệu đồng, tính ra mỗi tháng chỉ làm ra vài chục ngàn đồng. Bà Hà trăn trở: “Tối ngày Thắm ngâm mình dưới nước, dưới sình, đến nỗi móng chân, móng tay hư hết”.

Để có được cái ăn hằng ngày, Thắm phải thường xuyên vào rừng mót củi hầm than, song chỉ dám mót lén vào ban đêm vì nếu kiểm lâm phát hiện sẽ phạt rất nặng. Cứ 16 giờ, chị đẩy xuồng đi và đến khoảng 19 giờ mới quay về. Mỗi mẻ than phải nung đến 2 ngày 2 đêm mới cho ra sản phẩm. Thắm chỉ cái chòi cháy đen, buồn bã: “Phải thức trắng đêm canh lửa, nếu ngủ quên than sẽ cháy hết, không bán được. Tối qua mệt quá, tôi ngủ quên, để lửa từ lò than bốc lên cháy hết. Chẳng biết than có còn dùng được không, nếu hư hết thì không biết lấy gì ăn...”.

Cầm cả sổ “xương máu”

Đường dẫn vào tuyến dân cư T29 ở xã Nguyễn Phích láng nhựa uốn theo dòng kênh quanh năm đặc quánh phèn. Lô nhô hai bên đường là những mái nhà tranh xập xệ lọt thỏm giữa rừng tràm. Đây là tuyến dân cư duy nhất trong 62 tuyến trên lâm phần U Minh Hạ đã được Nhà nước đầu tư hơn 30 tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, trở thành tuyến dân cư kiểu mẫu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, người dân ở đây vẫn phải sống nhờ đi mót từng bông lúa, từng khúc củi về hầm than và làm mướn.

Ông Võ Thành Tâm ở ấp 11, xã Nguyễn Phích, cho biết kể từ ngày vào đây, gia đình 5 nhân khẩu của ông chỉ sống bằng nghề mót củi hầm than và cắt cỏ mướn. Nghèo quá nên cả 3 đứa con ông khi mới 13-14 tuổi đã lần lượt bỏ học đi làm công nhân ở Đồng Nai. “Với lương tháng mỗi đứa chừng 1,5 triệu đồng, nhiều lúc anh em chúng phải ăn mì gói để dành tiền gởi về cho cha mẹ mua gạo.

Mùa giáp hạt là phải trợ cấp

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch UBND huyện U Minh, khẳng định với diện tích đất sản xuất 5-7 ha/hộ, nếu ở vùng khác thì người dân hoàn toàn có thể làm giàu được, nhưng bà con dưới tán rừng U Minh Hạ thì không thể.

Nguyên nhân là do tràm rớt giá, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Hằng năm, cứ đến mùa giáp hạt, huyện phải xuất ngân sách hàng trăm triệu đồng để trợ cấp cho bà con ở rừng. Năm 2007, huyện trợ cấp trên 170 triệu đồng; năm 2008 đã trợ cấp trên 280 triệu đồng.

Làm cha mẹ, thấy con cái như vậy, chúng tôi khổ tâm lắm, song không biết làm sao hơn” - ông Tâm bộc bạch. Cũng như nhiều hộ khác, hộ ông Tâm được cấp 4 ha đất rừng, trong đó 1,5 ha trồng lúa. Cây rừng phải 12 năm trở lên mới đến tuổi khai thác, với giá tràm như những năm nay, trừ các khoản, gia đình 5 người của ông chỉ sống nhờ vài chục ngàn đồng bình quân hằng tháng. Ông Tâm buồn bã: “Một ha trồng lúa của gia đình thu hoạch mỗi năm chỉ được 30 giạ, không đủ cho một người ăn trong 6 tháng”.

Bà Diệp Thị Vét, Trưởng Ban Nhân dân ấp 11, đưa cho chúng tôi xem bản danh sách gia đình thương binh, liệt sĩ của ấp, ngao ngán: “Ở ấp có 10 gia đình thương binh, liệt sĩ thì đã có đến 7 hộ mang sổ “xương máu” đi cầm để lấy tiền mua gạo, khám- chữa bệnh. Có người cầm sổ cả chục năm nay vẫn không thể chuộc lại”. Ông Nguyễn Thanh Triều, 69 tuổi, cầm sổ thương binh 3/4 của mình từ năm 2002 lấy 2,5 triệu đồng để điều trị vết thương chiến tranh tái phát, đến nay vẫn chưa có tiền chuộc. Bà Đoàn Thị Điệp cầm sổ thương binh 3/4 lấy 15 triệu đồng để mổ ruột thừa và đắp nền nhà, lãi suất hằng tháng 750.000 đồng, trong khi tiền lãnh được chỉ 868.000 đồng/tháng. Bà Điệp rầu rĩ: “Lúc cầm sổ, tôi tính khi thu hoạch lúa sẽ chuộc lại, nào ngờ lại mất mùa”.

“Lâm tặc”” ở rừng của mình

Dọc tuyến bờ xáng thuộc ấp 20, xã Nguyễn Phích hôm chúng tôi đến khói phủ trắng. Cách vài bước chân lại có một lò hầm than đang nghi ngút khói. Thường thì những nhà có hầm than không tránh khỏi một lần làm “lâm tặc”. Cả ấp có 48 hộ thì gần như tất cả đều có hầm than và ít nhiều đều vào rừng đốn tỉa cây trên phần đất được giao giữ. Có ông tổ trưởng cũng hầm than và từng vào rừng làm “lâm tặc”.

Chúng tôi ghé nhà “lâm tặc” Phạm Văn Hăng khi anh đang hì hục đẩy chiếc xuồng chất những khúc tràm “chiến lợi phẩm” từ rừng ra. Trước sân, vợ vã mồ hôi giữa cái nắng chói chang để chặt từng khúc củi tràm chuẩn bị hầm một mẻ than mới. Hăng bảo: “Nhà hết tiền, hết gạo rồi nên phải vào rừng tỉa cây xấu về hầm than”. Anh không chút dè dặt, kể hết cho chúng tôi chuyện trở thành “lâm tặc” trên chính mảnh rừng của mình.

Vợ chồng Hăng vào giữ rừng đã trên 10 năm, đến nay đã có 3 con. “Có ai mướn thì làm có tiền, lúc hết việc thì vào rừng đốn tràm. Cứ cách khoảng một tuần hay 10 ngày là vào rừng đốn tràm một đợt, mỗi đợt 2 xuồng về hầm than. Mỗi mẻ than bán được 100.000- 200.000 đồng, có cái mà nuôi gia đình” - Hăng tâm sự. Anh đã bị chính quyền địa phương nhắc nhở nhiều lần nhưng vì khó khăn quá, vẫn chưa có ý định từ bỏ nghề “lâm tặc”. Hăng ngượng ngùng mời chúng tôi ở lại ăn cơm: “Mấy anh ngồi chờ một tí để em chạy đi mượn gạo...”.

Theo Duy Nhân - Đức Khánh/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.